Trung Quốc: Trở về sau 33 năm bị bắt cóc, nạn nhân không muốn sống với bố mẹ đẻ

Minh Thu |

Trở về với gia đình sau 33 năm bị bắt cóc, nạn nhân khẳng định không có cảm giác thân thuộc khi sống với bố mẹ đẻ.

Các công tố viên ở miền tây nam Trung Quốc quyết định không buộc tội người phụ nữ bị tình nghi bắt cóc một bé trai cách đây 33 năm, bởi người này sau đó đã nuôi dạy đứa trẻ suốt một thời gian dài và chăm sóc như con đẻ.

Theo tờ Thepaper, quyết định trên được các công tố viên đưa ra bất chấp việc bố mẹ ruột của cậu bé bị bắt cóc 33 năm trước yêu cầu tòa án đưa ra hình phạt đối với người đã bắt cóc con trai mình.

Trung Quốc: Trở về sau 33 năm bị bắt cóc, nạn nhân không muốn sống với bố mẹ đẻ - Ảnh 1.

Bị bắt cóc từ lúc 5 tháng tuổi, anh Cao Ping hiện không còn cảm giác thân quen với bố mẹ ruột sau 33 năm xa cách. (Ảnh: Baidu)

Nạn nhân bị bắt cóc có tên Cao Ping đã bị người phụ nữ họ Qin bắt cóc vào năm 1988, khi cậu bé mới được 5 tháng tuổi. Cô Qin khi đó được tuyển dụng vào làm bảo mẫu cho gia đình cậu bé, nhưng cô này đã bắt cóc con trai của chủ nhà sau 2 ngày làm việc, theo em gái của nạn nhân Cao Ping là cô Cao Ying.

Kể từ khi con trai bị bắt cóc, bố mẹ nạn nhân đã không ngừng tìm kiếm. Nhờ đối chiếu dữ liệu ADN cấp quốc gia, cảnh sát ở thành phố Quế Lâm thuộc tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc đã xác định vị trí của cậu bé bị bắt cóc 33 năm trước. Cao Ping đã hội ngộ với bố mẹ đẻ vào tháng Sáu năm ngoái.

Nhưng anh Cao Ping khẳng định, bản thân không có cảm giác gần gũi với bố mẹ ruột sau thời gian sống xa nhau quá lâu. Anh cũng không có ý định kiện người mẹ “nuôi”, bởi anh biết ơn người phụ nữ này đã tận tâm chăm sóc mình suốt một thời gian dài. Anh Cao Ping đã lấy vợ và có một đứa con.

“Dù chúng tôi có thể hiện sự quan tâm hay muốn bù đắp cho anh ấy, anh ấy đều sẽ không chấp nhận. Anh ấy cãi vã với chúng tôi và làm bố mẹ tôi cảm thấy đau lòng”, Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) dẫn lời cô Cao Ying.

Hồi tháng Tư năm nay, cơ quan công tố ở quận Tượng Sơn thuộc thành phố Quế Lâm đã thông báo với gia đình bố mẹ đẻ của anh Cao Ping rằng, họ không thể buộc tội người bảo mẫu năm xưa do vụ án đã xảy ra quá thời gian khởi tố. Theo luật pháp Trung Quốc, quy chế giới hạn đối với các vụ án bắt cóc trẻ em là 10 năm kể từ ngày sự việc xảy ra.

Tuy nhiên, cô Cao Ying khẳng định gia đình cô không chấp thuận thông báo trên và yêu cầu cô Qin ra hầu tòa.

“Cô ấy chưa từng xin lỗi hay đề nghị bồi thường cho chúng tôi. Cô ấy đã mang tới sự bất hạnh lớn cho gia đình chúng tôi và đang tiếp tục mang lại nỗi đau cho chúng tôi. Chúng tôi cho rằng, cô Qin vẫn phải bị khởi tố”, cô Cao Ying nhấn mạnh.

Vào đầu tháng này, Viện Kiểm sát thành phố Quế Lâm đã từ chối đơn kháng cáo của gia đình cô Cao Ying. Một quan chức giấu tên tại Viện Kiểm sát thành phố Quế Lâm khẳng định, cơ quan này đã xem xét vụ án một cách cẩn thận, cũng như cân nhắc chuyện được và mất trong sự việc.

Song cô Cao Ying cho rằng, gia đình cô sẽ tiếp tục kiện cho tới khi bảo mẫu Qin bị khởi tố. “Đây là nỗi đau trong trái tim bố mẹ tôi”, cô Cao Ying quả quyết.

Hồi tháng Bảy, một vụ án bắt cóc trẻ em khác tại Trung Quốc cũng đã được làm sáng tỏ và giúp cậu bé bị bắt cóc 24 năm trước được gặp lại người bố của mình là ông Guo Gangtang sinh sống ở thành phố Liêu Thành của tỉnh Sơn Đông.

Người cha đáng thương đã lái chiếc xe máy đi khắp mọi nẻo đường với chiều dài hơn 500.000 km suốt 24 năm qua để tìm đứa con trai bị bọn bắt cóc mang đi. Cuối cùng, bên cạnh công nghệ đối chiếu ADN cùng sự tận tâm của người cha, ông đã tìm lại được con trai mình.

Câu chuyện cảm động về tình cảm cha con của ông Guo đã truyền cảm hứng làm nên bộ phim lấy đi nước mắt của nhiều khán giả mang tên "Lost and Love" được công chiếu vào năm 2015. Nhân vật chính trong bộ phim do nam diễn viên nổi tiếng Hong Kong Lưu Đức Hoa đóng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại