Theo hồ sơ của tòa án, người đàn ông tên là Chen, đã đệ đơn ly hôn với vợ mình tên Wang vào năm ngoái, sau cuộc hôn nhân kéo dài 5 năm. Wang sau đó đã yêu cầu người chồng phải bồi thường cho mình một khoản tiền cho tất cả công việc mà cô ấy làm khi còn là một bà nội trợ toàn thời gian trong cuộc hôn nhân của họ, cô cũng nhấn mạnh thêm rằng Chen thậm chí còn không bận tâm tới việc nuôi con của họ và "hầu như không quan tâm đến, cũng chẳng tham gia vào bất kỳ một công việc gia đình nào". Gần đây, một tòa án gia đình ở Bắc Kinh đã ra phán quyết có lợi cho người phụ nữ, nhưng đồng thời cũng làm dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi ở Trung Quốc.
Wang đã yêu cầu chồng bồi thường số tiền tương đương 24.700 USD, nhưng tòa án xác định rằng cô chỉ có quyền được bồi thường tài chính tương đương 7.700 USD. Tòa án quận Fangshan của Bắc Kinh cũng đã yêu cầu Chen phải trả số tiền 7.700 USD (khoảng 179 triệu đồng) trong một lần, cũng như chi trả cho vợ cũ 2.000 nhân dân tệ (khoảng 7 triệu đồng) tiền cấp dưỡng hàng tháng.
Phán quyết mang tính bước ngoặt này được đưa ra bởi bộ luật dân sự mới của Trung Quốc, có hiệu lực từ năm ngoái, trong đó quy định rằng vợ hoặc chồng có quyền yêu cầu bồi thường trong một cuộc ly hôn nếu họ cho rằng mình có trách nhiệm nhiều hơn trong việc nuôi dạy con cái, hỗ trợ bạn đời hoặc chăm sóc người thân cao tuổi của cả hai. Trước đây, các cặp vợ chồng ly hôn chỉ có thể phân chia tài sản hữu hình, còn việc nhà lại thuộc vào giá trị tài sản vô hình.
Phán quyết đã gây ra một cuộc tranh luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, hầu hết mọi người bày tỏ sự phẫn nộ trước khoản tiền công ít ỏi mà người phụ nữ nhận được trong 5 năm làm việc nhà. Những người khác cho rằng vụ việc này là một lời cảnh báo cho phụ nữ rằng "đừng từ bỏ hy vọng và khát vọng của mình rồi trở thành những bà nội trợ toàn thời gian", trong khi một số ít cho rằng đây là một trong những lý do khiến người trẻ ngày nay ngại kết hôn.
"Tôi thật không nói nên lời, công việc của một bà nội trợ toàn thời gian đang bị đánh giá quá thấp. Ở Bắc Kinh, thuê bảo mẫu trong một năm tốn hơn con số 7.700 USD đó (khoảng 50.000 NDT)", có người bình luận.
"Các quý cô, hãy nhớ luôn phải trở nên độc lập. Đừng từ bỏ công việc sau khi kết hôn, hãy tự tạo lối thoát cho riêng mình", một người khác viết.
Feng Miao, thẩm phán chủ tọa phiên tòa gây tranh cãi này, nói với Đài Phát thanh Quốc gia Trung Quốc rằng ông hy vọng sẽ có thêm nhiều vụ án tương tự được đệ trình trong tương lai gần, đồng thời nói thêm rằng thẩm phán vẫn cần thời gian và kinh nghiệm để ước tính số tiền phù hợp để bồi thường thiệt hại loại tài sản vô hình này.