Trong bối cảnh tăng trưởng tại thị trường nội địa có dấu hiệu chững lại, nhiều nhà sản xuất ô tô Trung Quốc đã tìm cách xuất khẩu xe đến nhiều nước trên thế giới. Với vị thế là thị trường xe lớn thứ 2 thế giới, Mỹ được xem là "miền đất hứa" với nhiều hãng xe Trung Quốc, nhưng hàng rào thuế quan gần 30% là một trở ngại lớn.
Tuy nhiên, BYD - một trong những nhà sản xuất ô tô lớn nhất Trung Quốc - dường như đã tìm thấy một lỗ hổng để vượt qua hàng rào trên. Thời báo phố Wall và Reuters gần đây đã có những bài viết đề cập tới tin đồn BYD đang thăm dò địa điểm đặt nhà máy sản xuất tại Mexico - nơi sẽ sản xuất và xuất khẩu xe vào Mỹ.
Mexico từ lâu đã được giới chuyên gia ngành xe cảnh báo sẽ là nơi các nhà sản xuất xe Trung Quốc đổ bộ. Xe được sản xuất tại Mexico có thể vào Mỹ mà không bị đánh mức thuế rất cao như khi nhập khẩu xe từ Trung Quốc sang.
Không chỉ giới chuyên gia, nhiều hãng xe cũng bày tỏ quan ngại trước vấn đề này. Bà Marin Gjaja - Giám đốc Vận hành bộ phận Model e (bộ phận chuyên phát triển xe điện của Ford) - phát biểu: "Nếu như tôi đang ở Trung Quốc và vận hành một nhà máy, tôi sẽ tìm kiếm một nơi tại Mexico vì tôi có đủ các nhà cung ứng cơ bản, giá xây dựng rẻ, giá nhân công thấp, [và hiệp định thương mại với Mỹ] mà sẽ cho tôi cơ hội tiếp cận thị trường Mỹ".
Khi so sánh tương quan sản phẩm, dễ thấy rằng các mẫu xe từ Trung Quốc có giá rẻ hơn rất nhiều so với sản phẩm của Mỹ hoặc châu Âu có cùng lượng tính năng hay khả năng vận hành. Giá thành xe Trung Quốc cũng là mối quan ngại lớn nhất với các nhà sản xuất xe.
Thời báo phố Wall cho rằng các tài liệu về cổ phiếu đã cho thấy có hiện có hơn mười nhà cung cấp phục vụ sản xuất xe điện Trung Quốc công bố kế hoạch xây dựng mới hoặc tăng cường đầu tư mở rộng vào Mexico. Các nhà cung cấp này đã lợi dụng một thỏa thuận thương mại giữa Mỹ - Mexico - Canada về sử dụng linh kiện sản xuất nội khối.
AI XEM MỘT BỘ PHIM ĐẾN 3 LẦN?
Hãng xe BYD của Trung Quốc đang được nhiều con mắt dõi theo. Nhà sản xuất này đã vươn lên vị trí số 1 trong mảng xe điện khi đã vượt qua được Tesla về doanh số trong quý cuối của năm 2024. Mức giá hấp dẫn được cho là yếu tố hàng đầu thuyết phục khách hàng chọn xe của BYD.
Giờ đây, BYD (cùng nhiều nhà sản xuất Trung Quốc khác) đang gắng sức vươn đến các thị trường mới.
Vài tuần trở lại đây, các nhân sự cấp cao của các tập đoàn xe lớn phương Tây đã lên tiếng nhiều hơn về mối nguy tiềm tàng của xe Trung Quốc đối với kế hoạch làm xe điện của họ.
Cách đây ít ngày, CEO tập đoàn xe Stellantis, ông Carlos Tavares, đã phát biểu rằng giờ là lúc nhà sản xuất xe thế giới cần bắt kịp với đối thủ Trung Quốc hoặc nhường quyền kiểm soát thị trường cho họ. Ông cũng mô tả "làn sóng xe Trung Quốc" là rất mạnh và tương tự như khi các nhà sản xuất xe Nhật Bản và Hàn Quốc tới Mỹ vào lần lượt những năm 1970 và những năm 1990.
Ông Carlos Tavares nói: "Ta có thể thấy rõ tại thị trường châu Âu. Có lẽ không ai muốn xem cùng một bộ phim đến lần thứ 3".
LỖ HỔNG MEXICO?
Mexico dường như là xuất phát điểm hợp lý nhất với các nhà sản xuất xe Trung Quốc khi muốn bán xe tại Mỹ. Mexico có vị trí địa lý thuận lợi, giá nhân công rẻ và có thể tận dụng được giảm thuế về thấp, thậm chí về 0 khi khắc được dòng chữ "Made in Mexico" lên xe.
Hiện tại, các xe điện nhập từ Trung Quốc vào Mỹ phải chịu 27,5% thuế, trong đó có 2,5% thuế nhập khẩu bắt buộc đối với tất cả xe nhập khẩu, 25% còn lại là mức thuế tăng thêm mà chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã áp hồi năm 2018.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden đang thảo luận xem có nên tăng mức thuế riêng biệt cho xe nhập từ Trung Quốc hay không, nhưng song song thì chính quyền đương nhiệm đã thắt chặt chính sách hỗ trợ tiền mua xe điện đối với xe sử dụng pin có tỷ lệ thành phần cao đến từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, khi các hãng xe Trung Quốc làm được xe tại Mexico thì có thể lách qua được mức thuế 25% nói trên. Thậm chí, nếu có thể đạt được các tiêu chí gắt gao về thỏa thuận thương mại đa phương Mỹ - Mexico - Canada đã ký kết từ năm 2020 thì còn có thể không bị áp chút thuế nào.
Một số nhân sự cấp cao tại Toyota Bắc Mỹ cho rằng xe Trung Quốc có ưu thế giá tốt hơn từ khoảng 25% đến 30% so với các đối thủ ngoài Trung Quốc. Con số đó thừa sức vượt qua mức thuế nhỏ do Mỹ đặt ra. Họ cũng cho rằng nếu chính phủ Mỹ thúc ép tiến trình chuyển đổi sang xe điện quá nhanh thì mời gọi các hãng xe Trung Quốc, bao gồm BYD, NIO hay Geely, tới công phá thị trường.
Thời báo phố Wall dẫn thông tin từ quan chức Mexico cho rằng Stella Li - một trong các giám đốc điều hành của BYD - đã tới Mexico City hồi tháng 1 và gặp gỡ nhiều người trong chính phủ nước này.
Một điều cũng cần nhắc tới là BYD mới bổ nhiệm ông Jorge Vallejo làm giám đốc điều hành tại Mexico. Ông Jorge Vallejo đã có kinh nghiệm làm việc cho Nissan và Mitsubishi tại quốc gia này.