Trung Quốc thống trị bóng bàn Olympic theo cách... “Made in China“

Việt Hùng |

Dẫu biết Trung Quốc vẫn là nước đi đầu trong bộ môn bóng bàn trên bản đồ thể thao của thế giới, thế nhưng tham vọng của bóng bàn nước này không chỉ dừng lại ở việc vô địch, với chính màu cờ sắc áo quê hương.

Bóng bàn Trung Quốc mạnh cỡ nào?

Trước khi nhà nước CHND Trung Hoa ra đời (năm 1949), phong trào bóng bàn nói riêng và thể thao nói chung của đất nước này rất kém phát triển.

Từ sau khi nhậm chức, cố Chủ tịch Mao Trach Đông đã kêu gọi người dân Trung Quốc đẩy mạnh phong trào thể thao và sau nhiều năm phấn đấu, thể thao Trung Quốc luôn đứng top thế giới, mà đặc biệt phải kể đến bộ môn bóng bàn.

Tính đến năm 2005, Trung Quốc giành tổng cộng 143 huy chương vô địch bao gồm: 100 HCV tại giải vô địch thế giới, 27 chức vô địch tại Cúp thế giới và 16 tại Olympic.

Hơn nữa, có 3 lần họ đoạt toàn bộ 7 HCV tại giải vô địch thế giới. 2 lần đoạt cả 4 huy chương vàng Olympic. Đây là những thành tích vô tiền khoáng hậu.

"Thể thao chuyên nghiệp phải có gốc gác từ thể thao phong trào", điều này tuyệt nhiên đúng với bóng bàn của Trung Quốc. Nếu như người dân Brazil yêu bóng đá ra sao thì người dân Trung Quốc cũng yêu bóng bàn y như thế, thậm chí có phần hơn.

Khắp nơi từ nông thôn đến thành thị, trong trường học, khu vui chơi... ở Trung Quốc người ta đều có thể nhìn thấy chiếc bàn bóng bàn và đôi vợt luôn sẵn có.

Do tình yêu lớn như vậy nên người Trung Quốc coi bóng bàn là thứ gì đó ngấm vào máu và họ không muốn thua bất cứ quốc gia nào về bộ môn này.

Trung Quốc thống trị bóng bàn Olympic 2016 ra sao?

Quay trở lại với sự kiện đang nóng là Thế vận hội Rio 2016 ở bộ môn bóng bàn nữ. Khi nhận được danh sách các VĐV tham dự VCK, nếu "soi" kĩ một chút, nhiều người sẽ giật mình khi thấy đâu đâu cũng là "hàng Trung Quốc" dù 32 VĐV tham dự đến từ rất nhiều các quốc gia khác nhau.

Trong danh sách này, với những người chỉ cần biết sơ qua ngôn ngữ của các quốc gia như cách viết, cách đọc sẽ thấy nhiều điều lạ lẫm: VĐV người Đức tên là Han Ying, người Hà Lan là Li Jie, Thụy Điển là Li Fen... đều là tên phiên âm tiếng Latin của người Trung quốc.

Đối với một đất nước ăn, tập, ngủ cũng nhắc tới bóng bàn như Trung Quốc, hiển nhiên việc họ dễ dàng vô địch ở các nước yếu hơn về môn thể thao này như Đức, Thụy Điển, Áo... là điều dễ hiểu.

Và trên một khía cạnh nào đó, những VĐV trên không đủ khả năng cạnh tranh suất chơi chính trong màu áo ĐT Trung Quốc, họ vẫn có thể "làm mưa làm gió" tại các nước khác trên thế giới.

Thế nhưng liệu có phải người Trung Quốc liên tục "xuất khẩu" các VĐV bóng bàn của mình sang các nước khác với mục đích nâng tầm bộ này lên ở những quốc gia đó hay còn với ý định nào khác nữa? Câu hỏi này không ai biết rõ được đáp án chính xác.

Liệu có phải họ muốn thể hiện tham vọng thống trị thế giới của mình theo cái cách "Made in China" và bóng bàn chỉ là một ví dụ nhỏ?

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại