Trung Quốc thích nghi với các hình thái thời tiết cực đoan như thế nào?

Hải Vân |

Giống nhiều quốc gia khác, Trung Quốc đã phải đối mặt với một số hiện tượng thời tiết khắc nghiệt trong năm nay. Từ hạn hán đến lũ lụt, hay những đợt lạnh thấu xương đến những đợt nắng nóng thiêu đốt, quốc gia này đang phải chịu những tác động sâu sắc của biến đổi khí hậu.

Trung Quốc thích nghi với các hình thái thời tiết cực đoan như thế nào? - Ảnh 1.

Nước lũ ở Trác Châu, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc ngày 3/8/2023. Ảnh: Reuters

Theo hãng tin CNA, hồi tháng 1 vừa qua, nhiệt độ ở thành phố Mạc Hà - được mệnh danh là “Bắc Cực của Trung Quốc”, nằm ngay dưới vùng đất băng giá Siberia của Nga - đã giảm xuống -53 độ C, đánh bại kỷ lục -52,3 độ C hồi năm 1969.

Trái ngược hoàn toàn, thị trấn Sanbao ở khu tự trị Tân Cương đã trải qua cái nóng thiêu đốt 52,2 độ C vào tháng trước, làm lu mờ kỷ lục 50,3 độ C vào năm 2015. Tại Bắc Kinh, nhiệt độ đã tăng lên 41 độ C vào hôm 22/6. Thủ đô của Trung Quốc cũng phải ghi nhận mức nhiệt trên 35 độ C trong 14 ngày liên tiếp, kỷ lục ngày nắng nóng dài nhất kể từ năm 1961.

Mặt khác, lượng mưa lớn và lũ lụt đã tàn phá nhiều thành phố ở Trung Quốc. Những hiện tượng thời tiết cực đoan đang diễn ra không chỉ làm gián đoạn cuộc sống và sinh kế của người dân, mà còn cho thấy cần cấp bách thực hiện các nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết thách thức về môi trường.

Khi thời tiết Trung Quốc thay đổi từ hình thái này sang hình thái khác, nhiều người đã đặt câu hỏi nguyên nhân gây ra sự biến đổi nhiệt độ và cường độ chưa từng có này là gì và làm thế nào để dự đoán chính xác hơn những biến đổi này?

Video Nước nóng hóa băng khi thành phố Mạc Hà, cực Bắc của Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt thấp kỷ lục (Nguồn: Twitter)

Video Nước nóng hóa băng khi thành phố Mạc Hà, cực Bắc của Trung Quốc ghi nhận mức nhiệt thấp kỷ lục (Nguồn: Twitter)

Hạn hán và lũ lụt

Về mặt khoa học, các chuyên gia đã nhất trí rằng khí hậu biến đổi bất thường là do hiện tượng nóng lên toàn cầu. Ba năm trước, các nhà khoa học cho rằng các tác động nghiêm trọng chỉ có thể xuất hiện từ năm 2030. Tuy nhiên, những hiện tượng thời tiết cực đoan gần đây là minh chứng cho thấy những dự báo trước đó đã bị đánh giá thấp.

Năm ngoái, Trung Quốc đã hứng chịu đợt hạn hán tồi tệ nhất trong 60 năm. Hạn hán kéo dài hơn 2 tháng đã khiến một số khu vực lưu vực sông Dương Tử cạn trơ đáy, ảnh hưởng đến việc sản xuất thủy điện, buộc các công ty lớn phải tạm dừng hoạt động và các tuyến vận tải nội địa bị đình trệ. Vào lúc cao điểm, khoảng 6,09 triệu ha đất trồng trọt trên khắp Trung Quốc bị ảnh hưởng, làm giảm nghiêm trọng sản lượng nông nghiệp.

Tháng 7 vừa qua, quốc gia này đã vật lộn với thách thức hoàn toàn khác biệt - đó là lũ lụt. Ngày 28/7, cơn bão Doksuri đã đổ bộ gần thành phố Hạ Môn và Tuyền Châu, tỉnh Phúc Kiến ven biển của Trung Quốc. Khi mưa trút xuống, ít nhất 400.000 người phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều mái nhà bị bão lũ xé toạc, một số đường dây điện phát ra tia lửa và bốc cháy khi gió giật mạnh. Theo đài truyền hình nhà nước CGTN, nước lũ đã nhấn chìm nhiều trang trại và nhà cửa, gây thiệt hại kinh tế trực tiếp hơn 478 triệu nhân dân tệ.

Ngay sau đó, hoàn lưu bão đã di chuyển về phía bắc và gây lũ lụt nghiêm trọng cho Bắc Kinh. Đây là điều hiếm hoi bởi kể từ khi dữ liệu được ghi chép vào năm 1951, chỉ có khoảng 10 cơn bão đổ bộ vào thủ đô. Cục Khí tượng Bắc Kinh cho biết bão Doksuri đã trút lượng mưa 744,8mm xuống Bắc Kinh trong 4 ngày, đây mưa lớn nhất trong 140 năm qua. Lượng mưa trung bình hàng năm của Bắc Kinh là 644mm. Ít nhất 33 người đã thiệt mạng và 18 người vẫn mất tích ở Bắc Kinh.

Mục tiêu khí hậu của Trung Quốc

Trung Quốc thích nghi với các hình thái thời tiết cực đoan như thế nào? - Ảnh 4.

Người dân được sơ tán bằng thuyền cao su qua vùng nước lũ ở Trác Châu, phía bắc tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc hôm 2/8. Ảnh AP

Để giảm thiểu những thách thức về khí hậu, trong một bài phát biểu hồi tháng 9/2020, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố nước này đặt mục tiêu phát thải CO2 lên mức cao nhất trước năm 2030 và sau đó đưa về 0 trước năm 2060.

Cũng trong năm đó, ông Tập Cận Bình cũng đặt mục tiêu tăng công suất lắp đặt năng lượng gió và Mặt Trời lên 1.200 gigawatt vào năm 2030. Khi cam kết được đưa ra, nhiều chuyên gia hoài nghi rằng Trung Quốc khó đạt được mục tiêu này. Tuy nhiên, các dấu hiệu hiện tại cho thấy Trung Quốc có thể sẽ đảm bảo khoảng 1.270 gigawatt điện gió và năng lượng Mặt Trời vào năm 2025, sớm hơn 5 năm so với mục tiêu năm 2030.

Bất chấp những tiến bộ nhanh chóng trong sản xuất năng lượng Mặt Trời và năng lượng gió, thủy điện vẫn là nguồn năng lượng tái tạo chính ở Trung Quốc. Năm 2020, thủy điện đóng góp 16% vào sản lượng điện tái tạo của Trung Quốc, tiếp theo là năng lượng gió (6%) và năng lượng Mặt Trời (4%).

Xây đập và kiểm soát lũ

Trung Quốc thích nghi với các hình thái thời tiết cực đoan như thế nào? - Ảnh 5.

Bức ảnh chụp từ trên không ngày 5/7/2021 cho thấy nước được xả ra từ hồ chứa Xiaolangdi ở Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc. Ảnh: AFP

Thủy điện là một trong những nguồn năng lượng tái tạo lâu đời và lớn nhất. Trong 30 năm qua, Trung Quốc đã tăng tốc xây dựng các đập lớn trong nước. Nước này cũng đã phát triển các thiết kế và kỹ thuật xây dựng mới để xây dựng các đập lớn một cách tiết kiệm và nhanh chóng hơn bất kỳ quốc gia nào khác. Việc tăng cường đầu tư vào các con đập cũng đảm bảo rằng về mặt xây dựng và vận hành, Bắc Kinh đã đi trước các đối thủ cạnh tranh ít nhất từ 6 đến 10 năm.

Trước năm 2015, lý do chính khiến Trung Quốc đầu tư xây đập là phát điện và đảm bảo cung cấp nước cho mọi mục đích sử dụng. Tuy nhiên, sau năm 2015, giới chức nhận ra rằng những con đập này có thể đóng vai trò chính trong việc quản lý các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan như lũ lụt và hạn hán.

Một ví dụ điển hình là vào đầu tháng 8/2020, Trung tâm Khí tượng Thủy văn sông Dadu đưa ra cảnh báo về mưa lớn từ ngày 12 – 18/8. Mô hình của họ chỉ ra rằng đỉnh lũ tại nhà máy điện Gongzui ở Tứ Xuyên có thể vượt mức 12.000 m3/giây. 

Ba ngày trước khi dự báo lũ lụt, giới chức đã cho xả lượng nước đáng kể từ hồ chứa Pubugou. Nhờ đó, khi trận lũ lớn ập đến vào ngày 18/8, hồ chứa được 500 triệu m3 nước. Do đó, lưu lượng đỉnh từ hạ lưu của nhà máy điện Gongzui đã giảm từ 12.600 m3/giây xuống còn 7.500 m3/giây, giảm mức độ từ lũ lụt lớn thành lũ lụt thông thường.

Thành công này là nhờ các nhà chức trách đã phát triển và sử dụng các cảm biến, robot, hình ảnh và âm thanh độ nét cao, phân tích dữ liệu lớn, Internet vạn vật và Internet di động để thu thập, truyền tải, lưu trữ và phân tích dữ liệu.

Tương lai đầy bất ổn của khí hậu

Dù không chắc chắn và khó dự đoán, nhưng Trung Quốc có thể sẽ phải hứng chịu các hiện tượng khí tượng thủy văn cực đoan thường xuyên và dữ dội hơn. Điều này đòi hỏi sự hỗ trợ và đầu tư liên tục để đưa ra các biện pháp đối phó hiệu quả, kịp thời.

Các tiến bộ khoa học đã giải thích nhiều nguyên nhân dẫn đến các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Giờ đây, các nhà khí tượng có thể đưa ra các dự báo hợp lý, đáng tin cậy về thời gian và địa điểm xảy ra các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Đối với các trận lũ lớn, các nhà khoa học hiện có thể dự báo lượng mưa rất lớn có khả năng xảy ra ở một số khu vực nhất định trước 5 ngày. Với sự phát triển của các mô hình số đáng tin cậy và sự sẵn có của nhiều dữ liệu, sẽ có những tiến bộ đáng kể trong vòng 10 năm tới và các cảnh báo trước lũ lụt có thể được đưa ra trước nhiều tuần thay vì vài ngày.

Tuy nhiên, dự báo hạn hán vẫn còn chưa phát triển. Hiện tại, không thể dự báo thời điểm xảy ra và kết thúc hạn hán, hay mức độ nghiêm trọng của hiện tượng này.

Song với nỗ lực cải thiện dự báo trong thời gian dài hơn, kiến thức cần thiết để giảm đáng kể tác động bất lợi của các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng sẽ tăng lên. Giới khoa học khá lạc quan về sự phát triển khoa học công nghệ trong tương lai ở Trung Quốc để đối phó với các hiện tượng thời tiết cực đoan.

Theo CNA

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại