Trung Quốc theo dõi chặt chẽ các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B

Phan An |

Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 27/7 cho biết nước này đang theo dõi chặt chẽ những mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh (Long March) 5B được phóng lên quỹ đạo hồi cuối tuần qua và sẽ công bố thông tin về vấn đề này một cách kịp thời, trong bối cảnh lo ngại các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất có thể gây nguy hiểm cho các khu vực đông dân cư.

Trung Quốc theo dõi chặt chẽ các mảnh vỡ của tên lửa Trường Chinh 5B  - Ảnh 1.

Tên lửa Trường Chinh 5B mang theo module thí nghiệm Vấn Thiên rời bệ phóng tại bãi phóng Văn Xương ở tỉnh Hà Nam, Trung Quốc, ngày 24/7/2022. Ảnh: THX/ TTXVN

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định việc các cấu phần của tên lửa bốc cháy và rơi xuống Trái Đất nằm trong những điều quy tắc quốc tế cho phép. Loại tên lửa Trường Chinh 5B được thiết kế đặc biệt và hầu hết các cấu phần sẽ bị loại bỏ và phá hủy trong quá trình trở lại Trái Đất, với xác suất gây hại rất thấp cho hàng không và mặt đất.

Tên lửa Trường Chinh 5B phóng hôm 24/7 từ bãi phóng Văn Xương tại tỉnh Hà Nam, chở module thí nghiệm Vấn Thiên hoạt động bằng năng lượng Mặt Trời lên trạm vũ trụ Thiên Cung của Trung Quốc. Do kích thước lớn của tên lửa, nhiều chuyên gia lo ngại thay vì cháy hết trong khí quyển, mảnh vỡ từ tầng đầu tiên sẽ rơi xuống mặt đất.

Theo ông Jonathan McDowell, nhà thiên văn học ở Trung tâm vật lý thiên văn Harvard-Smithsonian, thông thường, sau khi tên lửa sử dụng hết tất cả nhiên liệu ở tầng đầu tiên, bộ phận này sẽ tách ra để giảm bớt trọng lượng và rơi trở lại Trái Đất. Chúng luôn bốc cháy trong lúc lao qua khí quyển ở tốc độ cao. Tuy nhiên, tên lửa Trường Chinh 5B có kích thước cực lớn, cao gần 54 m và nặng gần 816.500 kg. Tầng đầu tiên của tên lửa sẽ vỡ ra, nhưng kinh nghiệm trước đây cho thấy mảnh vỡ kim loại dài 30 m có thể đâm xuống đất ở tốc độ vài trăm km mỗi giờ.

Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính nguy cơ con người bị mảnh rác vũ trụ rơi trúng chỉ vào khoảng 1/3.200. Tuy nhiên, do số lượng rác vũ trụ trên quỹ đạo Trái Đất gia tăng, tỷ lệ mảnh vỡ rơi từ không trung xuống cũng tăng theo, đặc biệt ở Nam bán cầu. NASA đang theo dõi 27.000 mảnh vỡ nhỏ trên quỹ đạo, di chuyển ở tốc độ lên tới gần 25.300 km/h.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại