Theo đánh giá của Hiệp hội gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores), Trung Quốc là thị trường xuất khẩu quan trọng về các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam.
Tuy nhiên, các sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam sang thị trường này chủ yếu vẫn còn là các sản phẩm thô, có hàm lượng giá trị gia tăng thấp. Nhóm các mặt hàng có hàm lượng giá trị gia tăng lớn hiện vẫn còn hạn chế.
Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng là nguồn cung gỗ nguyên liệu quan trọng cho Việt Nam. Nhìn chung, giá trị gia tăng của các mặt hàng gỗ Trung Quốc xuất khẩu sang Việt Nam có hàm lượng giá trị gia tăng cao hơn so với nhóm các mặt hàng mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này.
Theo số liệu thống kê xuất nhập khẩu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, chỉ tính riêng nhóm các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ, năm 2015 kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc đạt gần 965,8 triệu USD, tăng thêm gần 121 triệu USD kim ngạch của năm 2014.
Trong 9 tháng đầu 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này đạt 725,3 triệu USD, tương đương với 75% giá trị kim ngạch của năm 2015.
Kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Trung Quốc (triệu USD)
Bình quân mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 4 triệu tấn dăm gỗ khô sang Trung Quốc, tương đương với 8 triệu m3 gỗ quy tròn.
Kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này hàng năm rất lớn, trung bình đạt 500-600 triệu USD. Khoảng 70% dăm gỗ của Việt Nam có nguồn gốc từ gỗ keo. Phần còn lại là gỗ bạch đàn và một số loài gỗ khác.
Đặc biệt, kim ngạch xuất khẩu gỗ cao su sang thị trường Trung Quốc tăng mạnh. Chỉ trong 9 tháng đầu 2016, lượng gỗ cao su xẻ xuất khẩu sang Trung Quốc lớn hơn gần 1,4 lần tổng lượng gỗ cao su xẻ xuất khẩu của cả năm 2015.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Trung Quốc vào Việt Nam năm 2015 đạt 303,6 triệu USD, tương đương với 31% kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam vào thị trường này trong cùng năm.
Trong 9 tháng đầu 2016, kim ngạch xuất khẩu nhóm mặt hàng này của Trung Quốc sang Việt Nam đạt 200,4 triệu USD, tương đương 66% tổng kim ngạch năm 2015.
Đến nay, cán cân thương mại gỗ và sản phẩm gỗ giữa 2 quốc gia vẫn tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam. Tuy nhiên, cán cân này có thể thay đổi trong thời gian tới, khi chính sách đóng cửa rừng tự nhiên của Trung Quốc bắt đầu có hiệu lực kể từ đầu năm 2017./.