Đối với Mỹ, trong các thế tiến thoái lưỡng nan về an ninh quốc gia mà họ gặp phải ở châu Mỹ Latin, chẳng có cái nào gây lúng túng hơn việc Trung Quốc hiện diện và gây ảnh hưởng ngày càng lớn tại đây.
Hai thập kỷ bành trướng thế lực ở châu Mỹ Latin
Trong khoảng 20 năm qua, Trung Quốc đã vạch ra một tương lai đầy tham vọng ở châu Mỹ Latin bằng việc “vun trồng” “mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” với Argentina, Brazil, Chile, Costa Rica, Ecuador, Mexico, Peru, Uruguay, và Venezuela. Đây là cấp độ quan hệ ngoại giao cao nhất mà Trung Quốc có thể đưa ra. Trung Quốc giờ đã là đối tác thương mại lớn thứ 2 sau Mỹ tại khu vực này. Từ năm 2002 đến 2019, thương mại của Trung Quốc với châu Mỹ Latin đã tăng vọt từ 17 tỷ USD lên trên 315 tỷ USD. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình còn có kế hoạch nâng con số này lên mức 500 tỷ USD vào năm 2025.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn đầu tư ồ ạt vào cơ sở hạ tầng ở đây, với hơn 50 dự án hạ tầng cảng biển đang hoạt động và 16 dự án viễn thông trong khắp khu vực này. Những dự án này gần như chắc chắn tạo ra cơ hội để Trung Quốc tăng cường các hoạt động ngoại giao, quân sự, kinh tế, và chính trị (cả công khai lẫn bí mật) nhằm thuyết phục các chính phủ trong vùng hãy tăng cường hợp tác với Trung Quốc. Cuối cùng, các nỗ lực giao lưu bền bỉ của Trung Quốc đã lôi kéo được 19 nước châu Mỹ Latin và Caribe tham gia Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI).
Trong khi đó, nhiều quan chức cấp cao của quân đội và chính phủ Mỹ đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc về ý đồ viện trợ phát triển và ngoại giao tài chính hòa bình. Hồi tháng 1/2020, nhà lập pháp hàng đầu của Ủy ban Quân vụ Thượng viện Mỹ - Jim Inhofe, cảnh báo rằng Trung Quốc rõ ràng xem châu Mỹ Latin như một “chiến trường quan trọng” trong việc hoàn thành các tham vọng toàn cầu của mình cũng như để thách thức các lợi ích của Mỹ. Hồi tháng 3, Đô đốc Craig Faller – Tư lệnh Bộ chỉ huy phương Nam của Mỹ, người chịu trách nhiệm về hoạt động quân sự của Mỹ ở 31 nước tại vùng châu Mỹ Latin và Caribe, cảnh báo: Lợi thế so sánh của Mỹ đang bị xói mòn trước Trung Quốc và Nga ở khu vực bán cầu này, và Mỹ gặp khó trong duy trì thế cân bằng sức mạnh khu vực có lợi cho mình.
Trung Quốc có lợi ích ở châu Mỹ Latin trên 2 phương diện - cơ cấu và chiến lược. Về mặt cấu trúc, việc giành và bảo đảm được quyền tiếp cận các tuyến liên lạc trên biển (SLOC) cũng như tiếp cận tài nguyên tự nhiên, các mỏ khoáng sản, và nguyên liệu thô phong phú của khu vực này là các lợi ích kinh tế sống còn đối với Trung Quốc. Điều này lý giải một phần vì sao Trung Quốc đã gia tăng tới 70% việc triển khai hải quân tới khu vực này trong 5 năm qua.
Về mặt chiến lược, Trung Quốc đã cẩn trọng lợi dụng tình trạng các chính sách “nước Mỹ trước tiên” và các cam kết an ninh đối ngoại của Mỹ khiến một số đối tác khu vực xa lánh Mỹ. Các đối tác này đã đón nhận các đề xuất của Trung Quốc về mở rộng giao lưu quân sự song phương, với nội dung gồm các khóa giáo dục quân sự, các trung tâm ngôn ngữ Tây Ban Nha, và các thương vụ bán vũ khí hiện đại. Trong 5 năm qua, lượng vũ khí mà Trung Quốc bán cho các nước Mỹ Latin này đã lên tới tổng cộng 615 triệu USD, đồng thời đang mở rộng dần từ vũ khí nhỏ sang các loại thiết bị quân sự tiên tiến hơn như radar, xe thiết giáp chở quân, chiến đấu cơ, và tàu mặt nước.
Đối sách của Mỹ
Trong lúc Mỹ còn đang cân nhắc các lựa chọn của mình thì một điều rõ ràng là Trung Quốc đã trở thành một đại cường quốc với tham vọng đưa ảnh hưởng của mình len lỏi vào mọi ngóc ngách của địa cầu.
Trước thực tế đó, giới quan sát đánh giá Mỹ có thể khuyến khích các đồng minh trong khu vực Mỹ Latin theo đuổi các biện pháp thúc đẩy ổn định khu vực và cùng gánh vác trách nhiệm an ninh.
Một số giải pháp dành cho Mỹ áp dụng như sau:
Thứ nhất, Mỹ có thể tăng các khóa giáo dục quân sự chuyên nghiệp dành cho các đối tác của họ thông qua chương trình IMET (huấn luyện giáo dục quân sự quốc tế của Liên bộ Quốc phòng-Ngoại giao Mỹ) – chương trình này do Bộ Ngoại giao Mỹ cấp ngân sách và Bộ Quốc phòng Mỹ triển khai. Mục đích đa diện của chương trình IMET là dùng giáo dục quân sự để hình thành lớp chỉ huy quân sự tương lai, xây dựng hiểu biết chung về văn hóa và truyền thống Mỹ, thiết lập mối quan hệ thân thiện giữa quân đội Mỹ và các nước nơi diễn ra các khóa học đó đặng tạo dựng các liên minh trong tương lai.
Hồi tháng 7, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper công bố các kế hoạch tăng ngân sách phân bổ cho IMET lên 50% trong 5 năm tới.
Nếu Washington không cung cấp thêm ngân sách cho chương trình IMET, thì Trung Quốc có thể nhanh chân thiết lập mối quan hệ thân thiết hơn với khu vực và mở rộng hơn nữa chương trình giáo dục quân sự chuyên nghiệp, như ở El Salvador nơi Trung Quốc phân bổ rất nhiều suất đào tạo ứng với mỗi suất do Mỹ cung cấp.
Thứ hai, Washington có thể đẩy mạnh chương trình DFC mới ra đời (hợp tác tài chính phát triển quốc tế Mỹ) nhằm hợp tác chặt chẽ hơn với khu vực tư nhân trong cung cấp tài chính cho các giải pháp đối với các thách thức phát triển và an ninh của khu vực như nhập cư bất hợp pháp, buôn lậu ma túy, và bất bình đẳng kinh tế.
Các khoản đầu tư DFC kéo theo cách tiếp cận đa mũi nhọn, với sự ưu tiên nhằm vào phát triển toàn cầu, thúc đẩy chính sách đối ngoại Mỹ, và tạo ra doanh thu cho người đóng thuế của Mỹ.
Chẳng hạn, năm nay DFC ký biên bản ghi nhớ với El Salvador, Guatemala, và Honduras nhằm tài trợ 2,5 tỷ USD dưới dạng đầu tư cho khu vực kinh tế tư nhân để nâng cao tăng trưởng thương mại và cải thiện cơ sở hạ tầng, kết nối số, hệ thống y tế công cộng, các dịch vụ tài chính, và việc đa dạng hóa nguồn năng lượng, tất cả đều hướng tới một tương lai an toàn hơn và thịnh vượng hơn.
Tây Bán cầu chiếm tới hơn 5 tỷ USD trong quỹ 23 tỷ USD của DFC (tức chiếm 25% tổng số).
Venezuela cũng là một địa bàn nóng bỏng mà các đối thủ của Mỹ như Trung Quốc, Nga và Iran đang tích cực nhảy vào.
Việc Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng ở khắp châu Mỹ Latin là một thực tế hiện hữu. Đối sách của Mỹ chỉ có thể là tăng cường và nuôi dưỡng các mối quan hệ an ninh và kinh tế sâu sắc hơn, có ý nghĩa hơn, bền lâu hơn với các quốc gia đối tác của Mỹ trong khu vực./.