Trung Quốc: Sự thật vụ 2 nhân vật hàng đầu bất đồng về tiêm vaccine và bài toán "Không Covid-19"

Lê Minh |

Dư luận Trung Quốc thời gian qua xôn xao vì thông điệp được cho là "trái dấu" giữa hai nhân vật hàng đầu trong ngành y tế nước này, liên quan đến vấn đề tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Gần đây, cộng đồng mạng Trung Quốc xôn xao trước việc hai người đứng đầu ngành dịch tễ Trung Quốc là Gao Fu - Giám đốc Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Trung Quốc (CDC) và Zhong Nanshan - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học Lâm sàng Bệnh đường hô hấp Quốc gia Trung Quốc có những phát ngôn "không nhất quán" về vấn đề "tiêm hay không tiêm" vaccine phòng Covid-19.

Ông Gao cho rằng "Mọi người không nhất thiết phải vội vàng tiêm vaccine", còn ông Zhong lại kêu gọi người dân "Nên khẩn trương tiêm vaccine", đồng thời thể hiện sự tin tưởng vào tính an toàn và hiệu quả của vaccine. Một số kênh cá nhân đã đưa ra "bằng chứng" là một đoạn clip trả lời phỏng vấn của Gao Fu với giới truyền thông không được phát sóng công khai, và cho rằng đây là cuộc phỏng vấn gần đây với ông Gao.

Tuy nhiên, trang tin Guancha (guancha.cn) đã điều tra để tìm ra sự thật đằng sau đoạn video này.

"Lúc đó vaccine vẫn đang được bào chế nên mọi người đừng vội vàng về việc tiêm chủng. Video bàn về việc tiêm chủng theo thứ bậc, thứ tự và những điều kiện cần có cho một loại vaccine tốt. Nó rất khoa học và nghiêm túc. Nhưng hiện nay, Trung Quốc đã có nhiều loại vaccine, kèm theo các điều kiện sử dụng hoặc dùng trong trường hợp khẩn cấp. Việc hoàn thành toàn bộ quy trình tiêm chủng là nhiệm vụ cấp bách hiện nay", ông Gao trả lời khi xác minh thông tin cùng Guancha.

Trung Quốc: Sự thật vụ 2 nhân vật hàng đầu bất đồng về tiêm vaccine và bài toán Không Covid-19 - Ảnh 1.

Ông Gao Fu (Ảnh: Sina)

Một sự chênh lệch về thời gian và ý tứ đã được lộ ra. Đoạn clip mà một số kênh cá nhân đưa ra làm "bằng chứng" không phải được quay "gần đây", mà là được cắt từ video do Gao Fu trả lời phỏng vấn trong "Hội nghị thượng đỉnh Caixin lần thứ 11" tại Bắc Kinh ngày 14/11/2020, và khi đó vaccine do Trung Quốc sản xuất vẫn đang trong giai đoạn bào chế, chưa đưa vào sử dụng. Điều này lý giải cho cụm từ "Không nên vội vàng tiêm" của ông Gao mà kênh cá nhân đã lan truyền.

Theo Guancha, cuộc phỏng vấn độc quyền với ông Gao được Caixin (Trung Quốc) phát lần đầu vào ngày 25/12/2020. Tuy nhiên, đoạn clip được một số kênh cá nhân sử dụng đã không xuất hiện trong video phát sóng chính thức của Caixin. Tính đến thời điểm đăng tải bài điều tra, đoạn video trên đã bị xóa.

Liên quan đến nội dung "Vì không đảm bảo an toàn 100% nên Gao Fu giữ thái độ thận trọng với vấn đề tiêm vaccine" mà một số kênh cá nhân đăng tải, ông Gao lên tiếng:

"Vaccine được tiêm cho người khỏe mạnh, nếu không đảm bảo an toàn 100%, nếu không có sự tin tưởng này thì chúng tôi không dám khuyến cáo tiêm cho người khỏe mạnh, nên mọi người đừng lo lắng. Với tư cách là nhà nghiên cứu, chúng ta phải phát triển một loại vaccine an toàn, hiệu quả và có thể kiểm soát được chất lượng cho tất cả mọi người."

Tiến trình vaccine của Trung Quốc

"Không có quốc gia nào là an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn," ông Zhong Nanshan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Y học Lâm sàng Bệnh đường hô hấp Quốc gia, Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc, phát biểu tại Hội nghị Hội đồng Khoa học Châu Á lần thứ 20 được tổ chức ở Quảng Châu vào hồi tháng 5 vừa qua. Đây là lần đầu tiên ông chia sẻ trước công chúng một bức ảnh chụp chính mình đã được tiêm vaccine phòng Covid-19.

"Thực hiện miễn dịch cộng đồng thông qua lây nhiễm tự nhiên sẽ dẫn đến tỷ lệ lây nhiễm 70-80% và tỷ lệ chết 5%. Vì vậy, miễn dịch tự nhiên là phi thực tế, phi khoa học và không nhân đạo."

Một cách khác là tiêm chủng quy mô lớn, đòi hỏi 2-3 năm hợp tác toàn cầu - ông Zhong nói.

Trung Quốc: Sự thật vụ 2 nhân vật hàng đầu bất đồng về tiêm vaccine và bài toán Không Covid-19 - Ảnh 2.

Hình ảnh ông Zhong Nanshan tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 được công khai tại hội nghị ngày 13/5/2021 (Ảnh: Huanqiu)

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) ngày 13/8 thông báo, nước này đã tiêm chủng đầy đủ cho hơn một nửa dân số - tương đương 777 triệu người, với hơn 1.83 tỷ mũi tiêm được sử dụng trên cả nước.

Hơn 60 triệu liều vaccine cũng đã được tiêm cho trẻ em và thiếu niên trong độ tuổi 12-17. Quan chức NHC, ông He Qinghua, nhấn mạnh tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên là bước không thể thiếu để xây dựng miễn dịch cộng đồng.

Theo ông Zhong Nanshan, yêu cầu để đạt miễn dịch cộng đồng là tỷ lệ tiêm chủng 70-80%. Chặng đường tiêm chủng của Trung Quốc vẫn còn dài.

Về việc lựa chọn vaccine, ông Zhong cho biết, "hơn 90% người Trung Quốc sử dụng vaccine bất hoạt toàn bộ virus, nay đã chứng minh được ưu điểm lớn nhất là tương đối an toàn, ít tác dụng phụ".

Tuy nhiên trong đợt dịch lần này, một số người dù đã tiêm vaccine vẫn bị nhiễm biến thể Delta, làm dấy lên những lo ngại về hiệu quả đối với biến chủng Delta của loại vaccine bất hoạt toàn bộ virus này.

Shao Yiming, nghiên cứu viên CDC Trung Quốc, cho đây là hiện tượng bình thường, không phải ngoại lệ. Nhưng ông nhấn mạnh, những trường hợp "đột phá" cũng chỉ là thiểu số trong số hơn 3 tỷ liều vaccine đã được tiêm trên toàn cầu.

"Không có một loại vaccine nào có thể tránh được việc bị nhiễm 100%, nhưng nhận định chung là các biến thể hiện tại vẫn nằm trong phạm vi có thể kiểm soát được của vaccine đang được lưu hành".

Thực hiện "Không ca mắc Covid-19" tại Trung Quốc có khả thi?

Tiêm vaccine, thực hiện nghiêm ngặt giãn cách, phong tỏa, xét nghiệm cho toàn thể người dân vùng nghi nhiễm, hướng tới mục tiêu "Không ca mắc Covid" là những cách làm đã mang lại hiệu quả rõ rệt cho Trung Quốc trong suốt thời gian dài kể từ tháng 1/2020 khi dịch bùng phát tại Vũ Hán.

Dù việc phong tỏa đã tác động rất lớn đến kinh tế và cuộc sống của người dân, song với cách làm này, chỉ trong vài tháng Trung Quốc đã cơ bản khống chế được dịch bệnh, giúp nước này trở thành quốc gia khôi phục kinh tế sớm nhất sau dịch bệnh trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đợt bùng phát mới tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, từ cuối tháng 7 do biến thể Delta đã lan ra ít nhất 17 trong số 31 tỉnh và thành phố của Trung Quốc chỉ trong một thời gian ngắn.

Tiếp tục thực hiện "Không ca mắc Covid" hay là lựa chọn "Sống chung với virus" đang trở thành chủ đề nóng trên không gian mạng Trung Quốc, với những ý kiến khác nhau của các chuyên gia trong và ngoài nước Trung Quốc.

Chuyên gia quốc tế nói gì?

Chen Xi, chuyên gia kinh tế y tế Học viện Y tế Công cộng thuộc Viện Đại học Yale (Mỹ) nói với Reuters, rằng ông không tin rằng chiến lược "Không ca mắc Covid" sẽ bền vững.

"Ngay cả khi bạn có thể phong tỏa tất cả các khu vực của Trung Quốc, người ta vẫn có thể chết, và nhiều người hơn có thể chết vì đói hoặc mất việc làm."

Theo Bloomberg, một số chuyên gia cho rằng vấn đề của việc chính phủ Trung Quốc duy trì vô thời hạn chiến lược "Không ca mắc Covid" là cái giá phải trả cho kinh tế và chính trị ngày càng lớn, đặc biệt là khi virus Sars-Cov-2 tiếp tục đột biến và có thể dễ dàng xuyên thủng hệ thống phòng thủ.

"Trung Quốc sẽ phải rời bỏ chiến lược 'không ca mắc' của mình, chỉ là sớm hay muộn mà thôi. Bởi virus sẽ đột ngột xuất hiện trở lại mà bạn không hề hay biết", giáo sư dịch tễ học Chen Zhengming của Đại học Oxford cho biết.

Ngoài ra, Nomura - Công ty chứng khoán lớn nhất Nhật Bản - ngày 4/8 đã hạ dự báo tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc từ 6,4% xuống 5,1% và dự báo tăng trưởng quý IV từ 5,3% xuống 4,4%. Công ty này cũng hạ tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm của Trung Quốc từ 8,9% xuống 8,2%.

Reuters dẫn lời Lu Ting, trưởng nhóm phân tích kinh tế Trung Quốc tại công ty Nomura nói rằng, cách tiếp cận "không khoan nhượng" của Trung Quốc đối với dịch bệnh, khiến cái giá phải trả "ngày càng đắt đỏ".

Trung Quốc: Sự thật vụ 2 nhân vật hàng đầu bất đồng về tiêm vaccine và bài toán Không Covid-19 - Ảnh 3.

Người dân Nam Kinh xếp hàng xét nghiệm COVID-19 hôm 21/7. (Ảnh: Reuters)

Chuyên gia Trung Quốc nói gì?

Trước câu hỏi về việc dịch bệnh ở Trung Quốc có nằm ngoài tầm kiểm soát hay không, He Qinghua, ông He Qinghua hôm 5/8 đã nêu rõ thời gian có thể kiểm soát trong cuộc họp báo ngày 5/8.

"Chỉ cần tất cả các địa phương thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng, chống, tôi cho rằng dịch bệnh về cơ bản có thể được kiểm soát trong vòng 2- 3 giai đoạn ủ bệnh", ông He nói.

Zhang Wenhong, trưởng khoa truyền nhiễm của bệnh viện Hoa Sơn trực thuộc Đại học Phúc Đán, đăng trên Weibo vào ngày 29/7 rằng, ngày càng nhiều người tin rằng dịch bệnh sẽ không kết thúc trong ngắn hạn và có thể không kết thúc trong dài hạn. Thế giới phải học cách chung sống với loại virus này.

Tuy nhiên, Gao Qiang, cố vấn chung của Hiệp hội Kinh tế Y tế Trung Quốc và là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Trung Quốc, đã đăng một bài báo trên trang web chính thức của Hiệp hội này vào ngày 5/8, nhấn mạnh việc kiên trì áp dụng phương pháp năm ngoái để tiếp tục ngăn chặn dịch bệnh một cách nghiêm ngặt, lấp những lỗ hổng của chính sách "Chống lây lan từ bên ngoài, chống phát tán từ bên trong".

Theo ông Gao, chiến lược chống dịch của Trung Quốc là một chiến lược "bảo hiểm kép" kết hợp kiểm soát dịch chính xác và tiêm chủng trên diện rộng, chứ không phải thay thế việc kiểm soát nghiêm ngặt bằng vaccine miễn dịch, chứ chưa nói đến "chung sống với virus".

Tiêm mũi tăng cường và bài toán miễn dịch toàn cầu

Khi biến thể Delta đang hoành hành, hầu hết các nơi trên thế giới vẫn bị bao phủ bởi bóng đen của dịch bệnh. Tuy nhiên, một số nhà nghiên cứu cho biết, mặc dù mũi tiêm nhắc lại thứ ba có thể tăng cường phản ứng miễn dịch nhưng không cần thiết. Việc có nên tiêm mũi nhắc lại thứ ba hay không đã trở thành chủ đề thảo luận của các chính phủ và giới nghiên cứu khoa học ở nhiều quốc gia khác nhau.

Công ty TNHH Dược phẩm Pfizer của Hoa Kỳ và Công ty Công nghệ sinh học (BioNTech) của Đức đưa ra một tuyên bố chung vào ngày 8/7, nêu rõ rằng mũi nhắc lại thứ ba của vaccine Pfizer-BioNTech "tiêm 6 tháng sau mũi thứ hai có thể tăng khả năng kháng cự biến thể Delta từ 5 đến 10 lần".

Theo dữ liệu của Bộ Y tế Israel, tác dụng bảo vệ của vaccine Pfizer đã giảm sau 6 tháng kể từ khi tiêm chủng, nhưng nó vẫn có tác dụng đáng kể trong việc ngăn ngừa những triệu chứng nặng. Bộ Y tế Israel thông báo sẽ cung cấp liều thứ ba cho những người có khả năng miễn dịch thấp ở nước này.

Chính phủ Anh cũng đã bắt đầu tính đến việc triển khai kế hoạch tiêm tăng cường liều thứ ba trong thời gian sớm nhất. "Những người dễ mắc bệnh nhất nên được tiêm mũi nhắc lại lần thứ ba vào tháng 9, để tăng cường kháng thể trước mùa đông năm nay", một nguồn tin từ Bộ Y tế Anh khuyến cáo.

Các nhà nghiên cứu của Đại học Oxford đã sử dụng vaccine AstraZeneca làm đối tượng nghiên cứu và phát hiện ra rằng liều thứ ba của vaccine này có thể tăng cường phản ứng miễn dịch rất nhiều. Nhưng họ cũng cho biết, hiện tại không có dấu hiệu nào cho thấy cần phải tiêm mũi nhắc lại thứ ba.

"Ưu tiên là đảm bảo rằng mọi người trên toàn thế giới được tiêm liều vaccine đầu tiên", các nhà nghiên cứu cho hay.

Trung Quốc: Sự thật vụ 2 nhân vật hàng đầu bất đồng về tiêm vaccine và bài toán Không Covid-19 - Ảnh 4.

Sinh viên được tiêm chủng tại điểm tiêm chủng quy mô lớn tại Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc (Ảnh: VCG via Getty)

Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Hoa Kỳ và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ, "những người Mỹ đã hoàn thành hai liều tiêm chủng hiện tại không nhất thiết phải tiêm liều thứ ba". "Nhưng nếu khoa học chứng minh rằng cần thiết phải tiêm liều thứ ba thì hai cơ quan này cũng ‘chuẩn bị sẵn sàng’ ".

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng tuyên bố rằng hiện chưa có đủ bằng chứng cho thấy cần phải tiêm liều vaccine thứ ba. Các công ty dược phẩm như Pfizer ở Hoa Kỳ nên tập trung vào việc cung cấp vaccine cho các quốc gia không có cơ hội tiêm liều vaccine đầu tiên, hơn là tăng cường vaccine cho những người đã được tiêm phòng ở các nước giàu có.

Lời giải cho bài toán miễn dịch toàn cầu

Người đứng đầu ngành y học lâm sàng các bệnh đường hô hấp Trung Quốc, ông Zhong Nanshan cho biết, khi hiệu quả vaccine đạt 70% thì tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới, Trung Quốc, châu Á và châu Âu cần đạt lần lượt là 89.2%, 83.3%, 80.2% và 96.2%; Khi hiệu quả vaccine đạt 80%, tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới, Trung Quốc, châu Á và châu Âu cần đạt lần lượt là 78%, 72.9%, 70.2% và 84.2%.

Đối với đất nước có dân số chiếm 1/5 dân số thế giới như Trung Quốc, cần phải có trên 1 tỷ người được tiêm phòng mới có thể xây dựng được hàng rào miễn dịch.

"Không có quốc gia nào là an toàn cho đến khi tất cả các quốc gia đều an toàn", và để thực hiện miễn dịch toàn dân tại các quốc gia, cần "2-3 năm hợp tác toàn cầu" về tiêm chủng diện rộng, ông Zhong nói./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại