Trung Quốc sử dụng AI để nâng cấp cuộc sống người dân

Ngọc Hưng |

Bằng cách tích hợp công nghệ mới nhất vào cuộc sống hàng ngày của người dân, nhiều thành phố ở Trung Quốc đang cung cấp các giải pháp mới cho cuộc sống bền vững.

Trung Quốc sử dụng AI để nâng cấp cuộc sống người dân - Ảnh 1.
Một chú chó robot của Deep Robotics ở Hàng Châu đang di chuyển xuống các bậc thang của lối đi dành cho người đi bộ ở thành phố Chiết Giang. Ảnh: AFP

Sự phát triển nhanh chóng của trí tuệ nhân tạo (AI) dường như đang phủ bóng lên sự chênh lệch của nền kinh tế. Những người nổi tiếng được cho là đã kiếm được tới 5 triệu USD chỉ sau sáu giờ làm việc, khi "gã khổng lồ công nghệ" Meta trả tiền để sử dụng hình ảnh của họ trong các trợ lý AI của mình.

Sự lãng phí như vậy đặt ra một câu hỏi đáng lo ngại: Liệu sự phát triển của AI có đồng nghĩa với việc làm trầm trọng thêm sự bất bình đẳng về kinh tế không? Đúng là AI có khả năng làm trầm trọng thêm sự phân hóa giai cấp trong xã hội. Tuy nhiên, các chính phủ hoàn toàn có thể sử dụng công nghệ cho những mục tiêu chung, hướng tới những kết quả công bằng và toàn diện hơn.

Các thành phố ở Trung Quốc là một ví dụ điển hình khi xây dựng nền kinh tế kĩ thuật số thông minh, với mục tiêu mang lại lợi ích cho toàn xã hội.

Hàng Châu, thủ phủ của tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), được biết đến như một siêu cường về công nghệ đổi mới và là quê hương của nhà sáng lập Alibaba Jack Ma. Đây cũng là nơi đã diễn ra Đại hội Thể thao châu Á từ 23/9 đến 8/10/2023. Thành phố 12 triệu dân này đã tận dụng sự kiện như một cơ hội để giới thiệu các công nghệ tiên tiến của đất nước, bao gồm big data, trí tuệ nhân tạo và thực tế ảo, điện toán đám mây...

Trung Quốc sử dụng AI để nâng cấp cuộc sống người dân - Ảnh 2.
Người cầm đuốc kỹ thuật số đang thắp lửa trong lễ khai mạc Đại hội thể thao châu Á lần thứ 19 tại Hàng Châu. Ảnh: Tân Hoa Xã

Theo đó, phương tiện di chuyển xung quanh các địa điểm tổ chức Đại hội là các xe ô tô không người lái cung cấp cả tour tham quan và kem miễn phí. Thành phố cũng trang bị chó robot tuần tra thường xuyên các cơ sở cung cấp điện và máy bẫy muỗi tự động.

Bằng cách tích hợp công nghệ mới nhất vào cuộc sống hàng ngày của người dân, Hàng Châu đang cung cấp các giải pháp mới cho cuộc sống bền vững. Thành phố này đã tăng cường ứng dụng AI trong phúc lợi xã hội và quản trị kỹ thuật số cũng như các tiêu chuẩn ngành về sử dụng dữ liệu. Việc áp dụng, phân tích dữ liệu lớn vào hoạt động thương mại cũng có thể giúp chính quyền phát hiện các điểm tăng trưởng và thậm chí giúp chuyển đổi năng lượng.

Trung Quốc sử dụng AI để nâng cấp cuộc sống người dân - Ảnh 3.
Công trường xây dựng một dự án quang điện ở thành phố Thái Châu, Chiết Giang vào ngày 17/8. Ảnh: Tân Hoa Xã

Đặc biệt, phải kể tới hệ thống giám sát dữ liệu của khu mua sắm Hubin Hàng Châu. Tại đây, đã ứng dụng công nghệ 5G và AI để đánh giá luồng khách hàng và phân tích để đưa ra chiến lược tuyển dụng doanh nghiệp hiệu quả nhất. Nhờ đó đã xác định được xe điện (EV) là doanh nghiệp “hiệu quả” nhất.

Kết quả là 7 thương hiệu xe điện đã được mời thành lập cửa hàng. Năm ngoái, doanh thu của ba thương hiệu tốt nhất vượt 12 tỷ nhân dân tệ (1,65 tỷ USD). Để đáp ứng thị trường xe điện đang phát triển mạnh mẽ và dự đoán nhu cầu tại Đại hội thể thao châu Á, Hàng Châu đã lắp đặt nhiều trạm sạc xe điện, bao gồm cả trạm sạc không dây.

Cơ sở hạ tầng như vậy là cần thiết trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Bằng cách này, mô hình thương mại dựa trên dữ liệu của Hubin đã giúp thúc đẩy việc áp dụng xe điện và đẩy nhanh việc đạt được các mục tiêu khác.

Khi các giao dịch kỹ thuật số gia tăng ở các thành phố của Trung Quốc, các cơ sở sạc điện công cộng miễn phí cho điện thoại di động cũng đang xuất hiện. Ở Hàng Châu, mọi người có thể tận hưởng sự tiện lợi của việc sạc điện thoại trong khi nghỉ ngơi trên băng ghế ven đường hoặc chờ xe buýt.

Những đổi mới tương tự như vậy không chỉ nâng cao trải nghiệm người dùng mà còn nâng cao hiệu quả kinh doanh. Sự phát triển nhanh chóng của các giao dịch kỹ thuật số ở Trung Quốc trong 5 năm qua ước tính đã giảm lượng rác thải giấy và lượng khí thải carbon hơn 1,8 triệu tấn, góp phần tạo nên nền kinh tế xanh hơn.

Hàng Châu cũng đang sử dụng AI để nâng cấp cơ sở hạ tầng công cộng. Dựa trên phân tích AI thời gian thực về mô hình giao thông cũng như nhu cầu và hoạt động đi lại của người đi lại, thành phố đã triển khai dịch vụ “xe buýt xanh” cho Dingqiao, quận đông dân nhất thành phố. Những chiếc xe buýt điện này tránh các tuyến đường cố định và dựa vào AI để điều chỉnh tuyến đường phù hợp. Hiện tại, dịch vụ sử dụng năng lượng tái tạo này đã giúp giảm bớt lưu lượng giao thông và nâng cấp bộ mặt đô thị.

Các bãi đỗ xe ở Hàng Châu cũng đang mang đến trải nghiệm tốt hơn với tính năng thu phí tự động. Thông qua các cảm biến, AI có thể nhận dạng biển số xe và liên kết với nhà cung cấp dịch vụ để thanh toán cho tài xế. Điều này đã cắt giảm thời gian ra - vào bãi đậu xe, một nguyên nhân gây khó chịu ở các thành phố đông dân cư.

Các bảng thông tin xung quanh thành phố cũng có màn hình LED được hỗ trợ bởi AI và hệ thống định vị toàn cầu (GPS), với các chatbot có thể trả lời các câu hỏi và đưa ra chỉ dẫn chi tiết. Các điểm đến được đặt trên bản đồ hiển thị trên màn hình lớn, đồng thời hiển thị các nhà hàng, cửa hàng, tòa nhà văn phòng và các cơ sở khác gần đó. Thậm chí, biển báo đường điện tử có thể hỗ trợ điều hướng và hiển thị khoảng cách đến điểm đến khác cho người dân.

Năm ngoái, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã giới thiệu một kế hoạch giám sát thông minh. Hàng Châu cũng tham gia thí điểm này với mong muốn tự động hóa việc kiểm soát chất lượng nước để cắt giảm mức tiêu thụ năng lượng. Một số khu dân cư ở Hàng Châu cũng đã áp dụng hệ thống thu gom nước mưa để làm sạch và tưới cây.

Để đối phó với biến đổi khí hậu, chính quyền Hàng Châu cũng có kế hoạch tăng cường phòng chống thiên tai bằng cách sử dụng công nghệ AI. Thông qua sự hợp tác nghiên cứu giữa các ngành và mục tiêu đến năm 2025-2027, hệ thống khí tượng của thành phố có thể dự báo các kiểu thời tiết khắc nghiệt trước một tháng và dự đoán các bất thường về khí hậu một năm tới.

Trong khi đó, ngành giáo dục đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức của AI. Các tỉnh như Chiết Giang và Quảng Đông đang đi tiên phong trong việc giảng dạy công nghệ AI trong các lớp khoa học thông tin ở trường học.

Bằng cách dạy cách sử dụng AI có trách nhiệm, các trường học mong muốn nuôi dưỡng một thế hệ không chỉ am hiểu công nghệ mà còn nâng cao đạo đức công nghệ. Một nền giáo dục AI cân bằng với cả quan điểm kỹ thuật và chuẩn mực xã hội sẽ chuẩn bị cho các em học sinh ứng dụng AI cho mục đích tốt đẹp.

Trong công cuộc ứng dụng và phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, thước đo thành công thực sự sẽ không nằm ở độ phức tạp của các thuật toán mà ở mức độ phân bổ công bằng các lợi ích công nghệ. Việc kết hợp AI vào cơ sở hạ tầng công cộng hứa hẹn sẽ nâng cao tinh thần cộng đồng và thúc đẩy tiến bộ xã hội.

Điều bắt buộc là nhiều chính phủ trên thế giới phải có cách tiếp cận chủ động với AI, đầu tư thận trọng và thúc đẩy hợp tác chiến lược với khu vực tư nhân. Bằng cách đó, chúng ta có thể đảm bảo rằng AI có thể hướng xã hội tới một tương lai công bằng, hòa nhập và thịnh vượng chung.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại