Không gì lạ khi nhiều sinh viên ưu tú đã phải đối diện ngay với sự thất vọng. Reuters đơn cử trường hợp của Jenny Bai, người có thành tích học tập nổi bật trong ngành khoa học máy tính và được một công ty internet tại Bắc Kinh tuyển chọn sau 4 vòng phỏng vấn gian nan.
Cuối cùng, Jenny Bai cùng 9 sinh viên khác nhận thông báo họ không thể được tuyển dụng do dịch Covid-19 và tình trạng xấu của nền kinh tế.
Theo ông Rockee Zhang, một giám đốc của Công ty Tuyển dụng Randstad (Hà Lan), thị trường việc làm dành cho người mới tốt nghiệp đại học ở Trung Quốc hiện còn tồi tệ hơn cả giai đoạn khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009, với số việc làm mới ước tính giảm đến 20-30% so với năm ngoái. Theo Công ty Tuyển dụng Zhilian Zhaopin (Trung Quốc), mức lương kỳ vọng cũng thấp hơn 6,2%.
Sinh viên tốt nghiệp tại một buổi lễ ở Trường ĐH Bưu chính Viễn thông Trùng Khánh (Trung Quốc) hôm 22/6. Ảnh: REUTERS
Lĩnh vực công nghệ hằng năm vẫn tuyển dụng nhiều người mới ra trường. Tuy nhiên, trong năm nay, ngành này đang phải thu hẹp quy mô lực lượng lao động sau khi nhà chức trách siết chặt quản lý các tập đoàn lớn.
Một số nguồn tin nói với Reuters rằng hàng chục ngàn người đã mất việc trong lĩnh vực này năm nay. Lĩnh vực giáo dục tư nhân cũng đã chia tay hàng chục ngàn nhân sự thời gian qua, trong đó công ty hàng đầu là New Oriental sa thải tới 60.000 nhân viên.
Nỗi lo của sinh viên ra trường không dừng ở đó. Với họ, thất nghiệp một thời gian sau khi tốt nghiệp còn là một "điểm trừ" trong hồ sơ xin việc, đồng thời khiến người nhà thất vọng. Trong bối cảnh như thế, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết ổn định thị trường việc làm cho sinh viên tốt nghiệp là ưu tiên hàng đầu của chính phủ.
Hiện các công ty cung cấp vị trí thực tập cho sinh viên vừa ra trường sẽ nhận được trợ cấp cùng những hỗ trợ khác. Chính quyền một số địa phương cũng cung cấp các khoản vay lãi suất thấp cho người mới ra trường muốn tự khởi nghiệp.