Số liệu thống kê từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho thấy, nhập khẩu quả vải thiều tươi của Trung Quốc trong giai đoạn 2015 – 2019 tăng trưởng với tốc độ bình quân theo trị giá là 4,64%/năm.
4 tháng đầu năm nay, nhập khẩu vải thiều của Trung Quốc đạt 173 tấn, trị giá 190.000 USD, tăng 77% về lượng và tăng 288,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2019.
Ảnh minh họa.
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhập khẩu vải thiều của Trung Quốc từ Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019, trong khi nhập khẩu từ Thái Lan lại tăng mạnh.
Trị giá nhập khẩu vải thiều của Trung Quốc trong 4 tháng qua tăng mạnh hơn so với mức tăng về lượng do giá nhập khẩu vải thiều từ Thái Lan cao gấp 3,3 lần so với mức giá nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, tháng 4 vừa qua, giá nhập khẩu bình quân vải thiều của Trung Quốc từ Thái Lan ở mức 1,17 USD/kg, trong khi giá nhập khẩu từ Việt Nam ở mức 0,35 USD/kg. Năm 2020, vụ thu hoạch vải thiều của Trung Quốc kéo dài từ tháng 4 đến tháng 8.
Khoảng 70% sản lượng vải tươi chính vụ được thu hoạch từ trung tuần tháng 6 đến cuối tháng 7, không lệch quá nhiều so với mùa vải thiều của Việt Nam.
Ngoài nhu cầu dùng vải tươi, Trung Quốc còn dùng vải sấy khô làm mứt, bánh kẹo, thuốc, nước ép, ủ rượu. Hàng năm sản lượng vải tươi Trung Quốc đạt khoảng 1,55 triệu tấn, chiếm 50% tổng sản lượng trên thế giới, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu nội địa. Vì vậy, Trung Quốc vẫn phải nhập khẩu vải thiều để đáp ứng nhu cầu trong nước.
Đầu tháng 6 vừa qua, Việt Nam đã cho phép hơn 300 thương nhân Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam để thu mua vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) nhưng phải thực hiện cách ly đủ 14 ngày để phòng dịch Covid-19. Do vậy, thời gian tới, nhập khẩu vải thiều của Trung Quốc từ Việt Nam sẽ tăng mạnh khi vải thiều Việt Nam bước vào thu hoạch chính vụ.