Chục nghìn tấn vải thiều bán hết bay dù chưa xuất hiện thương nhân Trung Quốc

PV |

Theo thông tin từ Sở Công Thương Bắc Giang, hiện vẫn chưa có thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải. Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 18,2 nghìn tấn vải sớm, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg.

Theo thông tin từ Sở Công Thương Bắc Giang, hiện vẫn chưa có thương nhân Trung Quốc sang thu mua vải. Tính đến nay, toàn tỉnh Bắc Giang đã tiêu thụ được hơn 18,2 nghìn tấn vải sớm, giá bán bình quân 25 nghìn đồng/kg.

Sở Công Thương tỉnh Bắc Giang cho biết, trong số hơn 18,2 nghìn tấn vải tiêu thụ sớm đó thì huyện Tân Yên tiêu thụ được 10,5 nghìn tấn; Lục Nam gần 4,5 nghìn tấn; Lục Ngạn gần 1,7 nghìn tấn; Yên Thế 1 nghìn tấn; Sơn Động 475 tấn và huyện Lạng Giang 85 tấn.

Dự kiến, tổng sản lượng vải thiều của tỉnh năm nay ước đạt 160 nghìn tấn, trong đó vải sớm hơn 38,2 nghìn tấn, vải chính vụ và vải muộn 119,4 nghìn tấn; thời gian thu hoạch từ ngày 20/5 đến 10/7/2020.

Theo Sở Công Thương, việc tiêu thụ vải sớm khá thuận lợi, toàn tỉnh có khoảng 100 điểm cân. Hiện chỉ có thương nhân, thương lái người Việt Nam thu mua, chưa có thương nhân người Trung Quốc.

Các thương nhân thu mua tại các điểm cân sau đó vận chuyển đi tiêu thụ chủ yếu ở thị trường trong nước, tại các tỉnh, TP như Hà Nội, Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Lào Cai… và các tỉnh lân cận.

Tại Hải Dương, từ ngày 2/6, vải thiều ở huyện Thanh Hà đã bắt đầu thu hoạch rải rác, giá bán bình quân từ 28.000-30.000 đồng/kg. Hiện chủ yếu là các thương lái trong huyện đến mua và bán tại các thị trường Hà Nội, Hải Phòng, TP Hải Dương.

Vải thiều Hải Dương được trồng nhiều ở các xã Thanh Xá, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Thanh Khê. Năm nay, sản lượng vải thiều của huyện Thanh Hà ước đạt gần 15.000 tấn, thu hoạch rải vụ sang đầu tháng 7 do vải chín không đều.

Vải sớm ở các xã khu Hà Đông đã thu hoạch gần hết, chỉ còn một số ít diện tích vải lai. Loại vải này được bán với giá khoảng 28.000 đồng/kg, vải u hồng từ 18.000-20.000 đồng/kg.

Chục nghìn tấn vải thiều bán hết bay dù chưa xuất hiện thương nhân Trung Quốc - Ảnh 1.

Năm nay, vải thiều Thanh Hà ước đạt gần 15.000 tấn, hiện giá vải thiều Thanh Hà (Hải Dương) bình quân từ 28-30.000 đồng/kg

Chuyên gia Nhật Bản đã sang Việt Nam

Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) vừa có văn bản gửi Bộ Công Thương thông tin về việc xuất khẩu vải thiều từ Việt Nam sang Nhật Bản.

Theo đó, chiều 3/6, chuyên gia của Nhật Bản đã đến Việt Nam để trực tiếp kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch đối với các lô vải xuất khẩu đi Nhật Bản.

Cục Bảo vệ thực vật cho biết đã phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và các cơ quan hữu quan để đón chuyên gia theo đúng quy định về phòng chống dịch Covid-19.

Theo quy định của Bộ Nông - Lâm - Ngư nghiệp Nhật Bản (MAFF), chuyên gia về kiểm dịch thực vật Nhật Bản phải trực tiếp sang Việt Nam để kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch và xử lý từng lô vải xuất khẩu và chỉ những lô vải được chuyên gia kết luận đã xử lý thành công mới được phép đưa đi xuất khẩu.

Theo quy định về phòng, chống dịch Covid-19, thời gian cách ly tối thiểu là 14 ngày; tuy nhiên, để đảm bảo tính thời vụ, thời gian và khối lượng vải xuất khẩu không bị ảnh hưởng lớn (thời gian thu hoạch vải dự kiến chỉ kéo dài 1 tháng - trong tháng 6/2020), ngày 28/5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản số 3562 /BNN-BVTV gửi Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 về việc xem xét và cho phép chuyên gia kiểm dịch thực vật của Nhật Bản được áp dụng cơ chế đặc biệt: Không phải áp dụng thời gian cách ly bắt buộc 14 ngày tại khách sạn để trái vải của Việt Nam được phép xuất khẩu như yêu cầu của phía Nhật Bản.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ phối hợp với UBND tỉnh Bắc Giang và UBND tỉnh Hải Dương, Sở Y tế và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn của hai tỉnh để thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn, phòng, chống dịch trong thời gian chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản làm việc tại hai tỉnh này theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại