Trung Quốc sẽ đánh thức khu vực nông thôn theo tư tưởng Tập Cận Bình

Thùy Dương |

Trung Quốc chuẩn bị ra luật mới để tạo điều kiện, ưu tiên phát triển các khu vực nông thôn của nước này.

Đây chính là một phần trong tham vọng đưa đất nước trở thành một quốc gia hiện đại toàn diện vào năm 2050 của Bắc Kinh.

Hồi sinh các khu vực nông thôn

Trong nhiều thập kỷ, các khu vực nông thôn, nơi thu nhập và mức sống thấp hơn đáng kể so với thành thị đã bị bỏ lại phía sau trong nỗ lực đô thị hóa của Trung Quốc. Hàng triệu nông dân đã phải rời bỏ quê hương đến các thành phố tìm kiếm việc làm trong các nhà máy, bỏ lại nhà cửa, đất đai và phó mặc việc chăm sóc, nuôi dạy con cái vào những người cao tuổi.

Mặt khác, khoảng cách giàu nghèo vẫn tiếp tục mở rộng. Khoảng cách thu nhập khả dụng hàng năm giữa người dân ở các vùng quê hoặc miền núi so với thành thị đã gần chạm ngưỡng 25.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 3.600 USD) vào năm 2018. Khoảng cách này đã tăng 45% so với mức chênh lệch 17.000 nhân dân tệ (2.500 USD) vào cuối năm 2013, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc.

Do đó, hồi sinh các khu vực nông thôn hiện đang giữ vai trò trọng tâm và là một phần trong kế hoạch của Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm biến Trung Quốc thành một quốc gia hiện đại toàn diện vào năm 2050.

Chiến dịch của Bắc Kinh được đặt ra theo 3 giai đoạn: Xây dựng khung thể chế và quản trị để hồi sinh các vùng nông thôn vào năm 2020; hiện đại hóa nông thôn và nông nghiệp vào năm 2030; hiện thực hóa tất cả các mục tiêu hồi sinh và hoàn thành chiến lược này vào năm 2050.

Kế hoạch dài hơi này do ông Tập Cận Bình khởi xướng vào năm 2017 khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai trên cương vị Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đánh dấu sự thay đổi trọng tâm của Đảng Cộng sản Trung Quốc - ưu tiên các khu vực nông thôn của đất nước trong bối cảnh sự phát triển đô thị đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong nhiều thập kỷ qua.

Cụ thể, tầm nhìn của nhà lãnh đạo số một Trung Quốc là hướng tới mục tiêu năm 2050, các khu vực nông thôn sẽ có các ngành công nghiệp thịnh vượng, mức sống của nông dân được nâng cao, nhưng các địa phương này sẽ không phải trả giá vì tổn hại môi trường.

Mục đích cuối cùng là để Đảng Cộng sản Trung Quốc xây dựng thành công một đất nước xã hội chủ nghĩa hiện đại, đạt được các tiêu chí thịnh vượng, mạnh mẽ, dân chủ, tiến bộ về văn hóa và hài hòa vào thời điểm nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa kỷ niệm 100 năm thành lập (năm 2049).

Đưa nguyên tắc ưu tiên nông thôn vào luật pháp

Để thực hiện tư tưởng mà Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đề ra, Bắc Kinh đang soạn thảo một đạo luật để củng cố chiến dịch đầy tham vọng nhằm hồi sinh các khu vực nông thôn.

Ủy ban Các vấn đề nông nghiệp và nông thôn của Quốc hội Trung Quốc dự kiến ​​sẽ đưa ra dự thảo để tham khảo ý kiến ​​các chuyên gia pháp lý, các cơ quan chính phủ và cơ quan lập pháp địa phương trong năm nay và dự luật sẽ được giới thiệu cho các nhà lập pháp vào năm tới.

Phát biểu tại Bắc Kinh cuối tuần trước, ông Chen Xiwen, một nhà lập pháp về các vấn đề nông nghiệp và nông thôn của Quốc hội cho biết, luật mới sẽ đưa ra các nguyên tắc hướng dẫn ưu tiên phát triển các khu vực nông thôn của Trung Quốc.

Ông Chen nói rằng, nhà lãnh đạo Tập Cận Bình đã làm cho công cuộc phục hồi nông thôn trở thành ưu tiên hàng đầu của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tuyên bố sẽ giải quyết khoảng cách giữa nông nghiệp và công nghiệp, giữa thành thị và nông thôn và cải thiện hệ thống chính trị để thúc đẩy phát triển nông thôn.

Đại biểu Quốc hội này cũng cho biết, tất cả những nguyên tắc chỉ đạo nêu trên sẽ được quy định trong luật pháp. Đồng thời, đạo luật mới cũng nhằm ngăn chặn sự tàn phá môi trường ở các vùng nông thôn Trung Quốc, bao gồm cả việc mất đất nông nghiệp để phát triển công nghiệp và hủy hoại môi trường nước và không khí.

Theo ông Chen, những ảnh hưởng về môi trường là thực tế phổ biến mà các khu vực nông thôn thường phải chịu trong quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa. Vì vậy, Trung Quốc cần có các những chính sách và luật pháp không chỉ thúc đẩy sự hồi sinh ở nông thôn mà còn hạn chế và điều chỉnh hành vi gây hại cho môi trường.

Nhận định về điểm mới này, GS. Zhao Xijun tại Đại học Renmin (Trung Quốc) cho rằng, việc đưa chiến dịch hồi sinh nông thôn vào trong luật sẽ giúp đảm bảo nó được thực hiện trong nhiều năm, ngay cả có sự thay đổi lãnh đạo.

Theo ông Zhao, đã có sự phân bổ không đồng đều các nguồn lực ủng hộ công nghiệp hóa trong nhiều thập kỷ và việc cố gắng giải quyết những vấn đề này trong một thời gian ngắn là không thực tế.

“Một kế hoạch dài hạn là cần thiết và luật pháp là cách tốt nhất để sắp xếp ổn định, có hệ thống, đảm bảo cho các chính sách và hành động được nhất quán”, GS. Zhao nhận xét.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại