Trung Quốc muốn vực lại tăng trưởng
Ngày 21/1, Reuters dẫn số liệu của Tổng cục Thống kê quốc gia Trung Quốc cho biết, GDP quý IV năm 2018 của nước này tăng với tốc độ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, giảm xuống 6,4%/năm so với mức dự kiến 6,5% trong quý III.
Điều này kéo tăng trưởng cả năm xuống còn 6,6% - mức thấp nhất kể từ năm 1990. Tăng trưởng GDP năm 2017 của Trung Quốc là 6,8%.
Với các biện pháp hỗ trợ dự kiến sẽ mất một thời gian để khởi động, hầu hết các nhà phân tích tin rằng tình trạng có thể trở nên tồi tệ hơn và tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm 2019 có thể giảm xuống còn 6,3%.
Trước tình hình này, trong thời gian qua, chính quyền Bắc Kinh đã chuyển hướng ưu tiên từ việc giảm nợ công đang ở mức 34,000 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 5,1 tỷ USD) sang mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hiện đang ở mức thấp nhất kể từ năm 2009.
Mục tiêu này đã được Chủ tịch Tập Cận Bình một lần nữa nhấn mạnh khi ông yêu cầu nền kinh tế Trung Quốc cần duy trì tăng trưởng ở mức ổn định, đồng nghĩa với việc áp dụng trở lại các biện pháp đòn bẩy kinh tế.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy sự thay đổi trong chính sách của Trung Quốc, bản báo cáo hàng quý của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã không đề cập nhiều đến mục tiêu giảm tăng trưởng tín dụng đang ở mức cao và xoá bỏ một số nội dung liên quan đến vấn đề ngừng áp dụng đòn bẩy tài chính.
"Vào năm 2018, nền kinh tế Trung Quốc đã bị ảnh hưởng bởi hai yếu tố bao gồm các chính sách ngừng áp dụng đòn bẩy tài chính và chiến tranh thương mại", ông Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng tại Macquarie Securities Ltd. Theo ông Hu, trong năm 2019, Bắc Kinh có thể sẽ một mặt vừa duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức vừa phải, vừa tiếp tục các chính sách hỗ trợ tăng trưởng khi cần thiết.
Liệu có thành công?
"Trung Quốc quyết định áp dụng trở lại các biện pháp đòn bẩy tài chính nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế," Iris Pang, chuyên gia kinh tế tại Ngân hàng ING NV tại Hong Kong nhận định.
Nhưng câu hỏi được đặt ra là liệu nỗ lực của Trung Quốc liệu có thành công? Các phân tích từ Bloomberg cho thấy sức chịu đựng của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã đi đến giới hạn.
"Các nhà điều hành kinh tế Trung Quốc đang triển khai một quyết sách mạo hiểm thông qua việc thúc đẩy tăng trưởng bằng cách gia tăng các khoản vay tín dụng. Điều này có thể dẫn đến tình trạng tăng trưởng tín dụng nóng từng xảy ra quá khứ", Giám đốc công ty nghiên cứu Seafarer Capital Partners có trụ sở tại California Nicholas Borst cho hay.
Những con số đáng ngại được nêu lên: các khoản nợ bằng đồng Nhân dân tệ trong tháng 1 đầu năm đã tăng kỉ lục lên 3,232 tỷ Nhân dân tệ (481 tỷ USD); lần đầu trong vòng 11 tháng các hoạt động cho vay phi chính thức tăng trưởng trở lại, trong khi tỉ lệ tăng trưởng các khoản vay liên ngân hàng đã tăng cao nhất trong 6 tháng trở lại đây.
Những số liệu này hoàn toàn ngược lại với thời điểm gần 2 năm trước khi Trung Quốc dừng áp dụng các biện pháp đòn bẩy tài chính kích thích tăng trưởng, giảm tăng trưởng kinh tế và đẩy nền kinh tế vào vòng xoáy hoạt động cho vay ngầm phi chính thức.
Tổng nợ của Trung Quốc sẽ tăng tương đối so với GDP của nước này trong năm nay, sau một năm 2017 không biến động và giảm vào năm 2018, Wang Tao - người đứng đầu Bộ phận nghiên cứu kinh tế Trung Quốc tại UBS Group AG tại Hong Kong cho biết.
Ông Wang cũng cảnh báo rằng, việc tái sử dụng lại đòn bẩy có thể làm tăng mối lo ngại về cam kết của Trung Quốc trong việc đảm bảo sự ổn định tài chính.