Trung Quốc quyết tâm ngăn các doanh nghiệp công nghệ tài chính “bành trướng” quá mức

Trung Mến |

Theo quan điểm của giới chức Trung Quốc, những loại hình kinh doanh kiểu này tiềm ẩn mối rủi ro với hệ thống tài chính Trung Quốc.

Trung Quốc đang hạn chế các công ty Internet lớn của nước này sử dụng “dữ liệu lớn” cho hoạt động tín dụng, quản lý tiền bạc và nhiều hoạt động kinh doanh tương tự.

Như vậy kỷ nguyên tăng trưởng nhanh chóng của các công ty dịch vụ tài chính Trung Quốc đã chính thức kết thúc, theo quan điểm của giới chức Trung Quốc, những loại hình kinh doanh kiểu này tiềm ẩn mối rủi ro với hệ thống tài chính Trung Quốc.

Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc và nhiều nhà quản lý khác đã yêu cầu khoảng 13 công ty, trong đó có cả những tên tuổi lớn nhất trong ngành công nghệ, tuân thủ quy định quản lý dữ liệu và tín dụng.

Mục tiêu của động thái mới nhất, theo nhận định của các chuyên gia phân tích, chính là để ngăn mô hình kinh doanh mới phát triển. Theo mô hình đó, các công ty công nghệ lớn phát triển và sử dụng hệ thống thông tin của hàng trăm triệu người dùng.

Nhóm các công ty bị yêu cầu tái cơ cấu bao gồm tập đoàn Tencent sở hữu ứng dụng chat WeChat nổi tiếng; công ty ByteDance sở hữu ứng dụng chia sẻ video ngắn TikTok; công ty vận chuyển hàng hóa Meituan; công ty sở hữu ứng dụng chia sẻ xe Didi Chuxing Technology và công ty thương mại điện tử JD.com.

Phát ngôn viên của công ty Tencent, Meituan, Didi và JD.com không phản hồi đề nghị bình luận. ByteDance từ chối trả lời. Theo Tân Hoa Xã đưa tin, đến cuối ngày thứ Năm, toàn bộ 13 công ty đã đồng ý sẽ thay đổi phương thức kinh doanh của họ.

Như vậy động thái mới nhất là một phần trong nỗ lực của giới chức Trung Quốc để tác động đến cái gọi là kinh tế nền tảng hay còn gọi là các hoạt động kinh doanh dựa trên mạng Internet trong thập kỷ qua đã phát triển trong bối cảnh các quy định kiểm soát còn lỏng lẻo.

Trong năm ngoái, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã trực tiếp chặn đợt IPO của công ty Alibaba. Theo quan điểm của một số quan chức Trung Quốc, kế hoạch IPO của Jack Ma đã để lộ ra cái mà nhiều người cho rằng đó là những vấn đề “thâm căn cố đế” có thể gây tổn hại đến an ninh tài chính của nước này.

Việc siết chặt các biện pháp quản lý được đưa ra khi mà các nhà lãnh đạo Trung Quốc đưa ra đòi hỏi chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp công nghệ, buộc họ phải tuân thủ mục tiêu và ưu tiên của nhà nước.

Các công ty công nghệ Trung Quốc với nền tảng dữ liệu mạnh và sức ảnh hưởng lớn đến mọi mặt của nền kinh tế Trung Quốc đã khiến cho Bắc Kinh không khỏi lo sợ về rủi ro an ninh quốc gia.

Vào ngày thứ Năm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ra tuyên bố về những vấn đề trong các doanh nghiệp công nghệ, trong đó có việc cung cấp dịch vụ ngân hàng và nhiều loại dịch vụ tài chính khác mà không có giấy phép, quản trị doanh nghiệp kém và tham gia vào cạnh tranh không lành mạnh. Ngân hàng yêu cầu toàn bộ 13 công ty tài chính cần phải rà soát tổng thể các hoạt động kinh doanh dựa trên luật pháp và quy định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại