Đây là năm thứ ba liên tiếp Bộ Chính trị Trung Quốc nhấn mạnh vấn đề "gia phong" trong hội nghị chuyên đề sinh hoạt dân chủ.
Trong bài phát biểu tại hội nghị của ông Tập Cận Bình có một nội dung được dư luận đặc biệt chú ý, đó là ông nhấn mạnh yêu cầu đối với các thành viên Bộ Chính trị “phải quản chặt con cái và các nhân viên công tác xung quanh, kiên quyết chống hiện tượng đặc quyền, xác lập gia phong, gia quy tốt”.
Hội nghị năm 2015 nhấn mạnh: “Đối với người nhà, con cái và nhân viên công tác xung quanh phải nghiêm khắc giáo dục, quản lý chặt, giám sát nghiêm, kịp thời phát hiện và nhắc nhở, kiên quyết uốn nắn”.
Hội nghị năm 2016 nhấn mạnh: các Ủy viên Bộ Chính trị “phải chống tư tưởng đặc quyền, không đặc thù hóa, tăng cường giáo dục quản lý người nhà, con cái và nhân viên công tác xung quanh”.
Hội nghị năm nay xác định: “Đối với cán bộ lãnh đạo, quan hệ gia phong không chỉ là sự tiến thoái của bản thân, vinh nhục của gia tộc mà còn liên quan đến “đảng phong, chính phong, quốc phong”. Đối với người lãnh đạo nắm giữ quyền lực, gia phong xấu thường dẫn đến việc bản thân và người thân dắt nhau vào nhà giam.
Xem xét các vụ án lớn, án nghiêm trọng đã được xét xử cho thấy: trong hành vi “vi pháp loạn kỷ” của những phần tử tham nhũng thường có nhân tố “gia tộc tha hóa”; đã xuất hiện các “đội cha con”, “kíp vợ chồng”, “bang anh em”, thậm chí “tổng động viên toàn gia”, biến quyền lực công thành thứ của riêng rồi đi vào con đường không lối thoát.
Đài truyền hình Trung Quốc (CCTV) và Tân Kinh Báo đã phân tích 6 vụ đại án tham nhũng của các “đại Hổ” cấp quốc gia Tô Vinh, Chu Vĩnh Khang, Quách Bá Hùng, Từ Tài Hậu, Lệnh Kế Hoạch, Tôn Chính Tài thấy đều có vấn đề “gia tộc tham nhũng”; trong đó chỉ 3 gia tộc Tô Vinh, Chu Vĩnh Khang, Lệnh Kế Hoạch đã có tới 32 người thân bị liên đới…
Gia tộc Tô Vinh 14 người dính án. Tô Vinh (nguyên Phó Chủ tịch Chính Hiệp) là điển hình của “hủ bại kiểu gia tộc”.
Theo báo chí, ngoài cá nhân Tô Vinh còn có 13 người thân dính líu đến tham nhũng, gồm vợ, con, anh em, cô dì chú bác cùng nhau kiếm chác, tuy nhiên danh sách cụ thể không được công khai. Trường hợp duy nhất được đề cập là Trình Đơn Phong, con rể Tô Vinh, nguyên Ủy viên thường vụ thành ủy, Phó Thị trưởng Trương Gia Giới bị công bố điều tra ngày 17/11/2015. Khi đưa tin, báo chí có nêu “đây là thành viên thứ 14 của gia đình Tô Vinh dính đến tham nhũng”.
Gia đình Lệnh Kế Hoạch 10 người bị buộc tội. Trong bản phán quyết Lệnh Kế Hoạch – nguyên Bí thư trung ương, Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương khóa 17; Phó Chủ tịch Chính Hiệp, Trưởng ban Mặt trận thống nhất trung ương khóa 18 - Tòa án Thiên Tân ngày 4/7/2016, đã 7 lần nhắc đến tên bà vợ Cốc Lệ Bình với nội dung nêu rõ Cốc Lệ Bình đã lợi dụng ảnh hưởng của chồng để nhận hối lộ của Lâu Trung Phúc, Thôi Hữu Ngọc, Phan Dật Dương, Lý Xuân Thành, Hoắc Khắc…Trong phán quyết cũng nhắc đến tên con trai Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Cốc.
Cốc đã nhận hối lộ của Ngụy Tân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phương Chính 6,43 triệu NDT (Lệnh Cốc đã bị tai nạn xe hơi chết hôm 18/3/2012 – từ vụ tai nạn bất thường này mới dẫn đến việc Lệnh Kế Hoạch bị lộ mặt tham nhũng).
Người anh thứ hai của Lệnh Kế Hoạch là Lệnh Chính Sách cũng bị điều tra từ 19/6/2014 và bị Tòa án Giang Tô kết án 12 năm 6 tháng tù hôm 16/12/2016 vì tội nhận hối lộ 16 triệu NDT; người em trai là Lệnh Hoàn Thành thì bỏ trốn sang Mỹ hiện chưa bắt được.
Gia tộc Chu Vĩnh Khang 8 người dính chàm. Trong bản phán quyết vụ án Chu Vĩnh Khang (nguyên Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, Bí thư Ủy ban Chính pháp khóa 17) nêu rõ 4 người liên đới phạm tội là: con trai Chu Bân, vợ là Giả Hiểu Diệp, em trai Chu Nguyên Thanh và cháu là Chu Phong.
Ngoài 4 người này, báo chí còn điểm danh thêm 4 người nữa dính líu đến vụ án này gồm: em gái vợ Giả Hiểu Hà, con dâu Hoàng Uyển, thông gia Chiêm Mẫn Lợi và em dâu là Chu Lệnh Anh. Chu Bân bị cáo buộc mượn danh cha để vòi và nhận hối lộ tới 124 triệu NDT và phải nhận án 18 năm tù.
Tội danh của bà vợ Giả Hiểu Diệp là nhận hối lộ và lợi dụng ảnh hưởng nhận hối lộ, bị nhận án 9 năm tù. Tội lỗi cụ thể của Chu Nguyên Thanh và Chu Phong đều chưa được công bố.
Ngoài 3 gia tộc này thì Từ Tài Hậu (nguyên Phó Chủ tịch Quân ủy) bị Ủy ban Kiểm tra kỷ luật Quân ủy kết luận: trực tiếp hoặc thông qua người thân nhận hối lộ, lợi dụng ảnh hưởng chức vụ để mưu lợi cho người khác rồi nhận hối lộ.
Quách Bá Hùng (nguyên Phó chủ tịch Quân ủy) trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ; con trai là Quách Chính Cương bị Viện Kiểm sát quân sự lập án điều tra vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Tôn Chính Tài (nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư thành ủy Trùng Khánh) bị UBKTKLTW kết luận: “bản thân hoặc thông qua nhân vật đặc biệt (người tình) nhận hối lộ số tiền cực lớn, giúp người thân hoạt động kinh doanh thu lợi lớn”. (Vụ án Tôn Chính Tài hiện đang được Viện Kiểm sát điều tra, chưa công bố kết quả cụ thể).
Ngoài 6 nhân vật có hàm bậc “cấp quốc gia” nói trên, một loạt cán bộ lãnh đạo cấp tỉnh, bộ khác như Chu Bản Thuận, Hoàng Hưng Quốc…trong thông báo xử lý cũng đều thấy xuất hiện hành vi vi phạm kỷ cương pháp luật: giúp người thân, con cái tìm kiếm lợi ích phi pháp.