Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân cho rằng: "Bám vào tâm lý Chiến tranh Lạnh sẽ dẫn đến đối kháng và đối đầu".
Ông Uông nói rằng Chiến tranh lạnh đã kết thúc từ hơn 3 thập niên trước nhưng điều đó không có nghĩa là hệ tư duy và tâm lý của nó cũng kết thúc. Bức tường Berlin đã bị phá bỏ nhưng hàng rào ý thức hệ và định kiến dựa trên các giá trị của nó vẫn còn đó.
Ông Uông nói: "Khối quân sự phương Tây thậm chí không ngừng tìm cách vươn ra ngoài khu vực và phạm vi phòng thủ truyền thống của mình, đồng thời gây căng thẳng và gây rắc rối ở châu Á-Thái Bình Dương".
Trung Quốc đến nay vẫn duy trì thái độ trung lập đối với cuộc khủng hoảng Ukraine bất chấp áp lực mạnh mẽ từ Mỹ và các đồng minh NATO.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân. Ảnh: Twitter
Trong khi đó, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã thông qua gói trừng phạt thứ 10 chống lại Nga hôm 24-2 liên quan đến hoạt động quân sự của Moscow ở Ukraine.
Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm hạn chế xuất khẩu chặt chẽ hơn đối với các mặt hàng và công nghệ sử dụng kép (cho dân sự và quân sự), cũng như các biện pháp chống lại thông tin sai lệch của Nga, theo thông báo của Thuỵ Điển, nước giữ vị trí Chủ tịch luân phiên Hội đồng Châu Âu.
Khối này cũng đồng ý áp đặt các hạn chế mới đối với các cá nhân và tổ chức được cho là đang hỗ trợ hoạt động quân sự, tuyên truyền hoặc vận chuyển máy bay không người lái mà Nga sử dụng ở Ukraine.
Trước đó cùng ngày, Mỹ, Anh, Úc và New Zealand đã công bố các biện pháp trừng phạt mới lên Nga.
Bất chấp việc các nhà lãnh đạo phương Tây nhấn mạnh biện pháp trừng phạt đang hiệu quả, nền kinh tế Nga chỉ giảm 2,1% vào năm ngoái, ít nghiêm trọng hơn nhiều so với mức 11,2% mà Ngân hàng Thế giới dự đoán vào tháng 4 năm ngoái.
Tổng thống Vladimir Putin trong tuần này cho rằng các biện pháp trừng phạt Nga của phương Tây đã phản tác dụng. Ông Putin nói trong thông điệp liên bang đầu tuần: "Họ đã tính toán sai và nền kinh tế Nga mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì phương Tây mong đợi".