Một năm sau khi Nga tiến hành chiến dịch đặc biệt, Moscow đã phải hứng chịu hàng nghìn lệnh trừng phạt chưa từng có của phương Tây và phải đóng cửa phần lớn với nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, Trung Quốc - quốc gia tuyên bố "hợp tác không có giới hạn" với Nga - đã mang lại cho Điện Kremlin những lợi thế lớn để giảm tác động của các lệnh trừng phạt.
Theo CNN, dưới đây là ba cách mà Trung Quốc đã và đang hỗ trợ nền kinh tế Nga:
1. Mua năng lượng
Các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với Moscow bao gồm lệnh cấm bán dầu và giới hạn giá dầu thô, từ chối truy cập của nước này vào SWIFT - hệ thống nhắn tin quốc tế cho phép giao dịch ngân hàng - và đóng băng tài sản của ngân hàng trung ương ở nước ngoài.
Những động thái này nhằm mục đích làm suy yếu khả năng tài chính của Nga.
Chúng đã có tác động nhất định. Nền kinh tế Nga rơi vào suy thoái vào năm 2022, và theo ước tính gần đây nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), nó đã giảm tới 4,5%.
Nhưng theo chính phủ Nga, doanh thu tài chính của Moscow đã tăng lên. Điều đó chủ yếu nhờ vào giá năng lượng cao và những nỗ lực của Nga trong việc chuyển hướng xuất khẩu sang những khách hàng khác, chẳng hạn như Ấn Độ và Trung Quốc.
Tổng giao dịch thương mại giữa Trung Quốc và Nga đạt mức cao kỷ lục mới vào năm 2022, tăng 30% lên 190 tỷ USD, theo số liệu của hải quan Trung Quốc. Đặc biệt, thương mại năng lượng đã tăng lên rõ rệt kể từ sau chiến dịch.
Trung Quốc đã mua lượng dầu thô trị giá 50,6 tỷ USD từ Nga từ tháng 3 đến tháng 12, tăng 45% so với cùng kỳ năm trước. Nhập khẩu than tăng 54% lên 10 tỷ USD. Các giao dịch mua khí đốt tự nhiên bao gồm khí đốt đường ống và LNG, tăng vọt 155% lên 9,6 tỷ USD.
Đó là một lợi ích cho cả hai bên. Đối với Nga, nước này rất cần những khách hàng mới vì nhiên liệu hóa thạch của nước này đang bị phương Tây xa lánh. Đối với Trung Quốc, hiện đang tập trung vào việc đưa nền kinh tế thoát khỏi suy thoái, đang cần năng lượng giá rẻ để cung cấp cho ngành sản xuất khổng lồ.
Hai bên đang có kế hoạch mở rộng quan hệ đối tác hơn nữa, bao gồm thỏa thuận giữa tập đoàn Gazprom của Nga và Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC) để cung cấp thêm khí đốt cho Trung Quốc trong 25 năm tới.
"Với việc nền kinh tế Trung Quốc mở cửa vào năm 2023, chúng ta có thể mong đợi sự gia tăng hơn nữa xuất khẩu của Nga sang Trung Quốc, bao gồm xăng dầu và các sản phẩm tinh chế dầu khác", Anna Kireeva, phó giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Nhà nước Moscow, đánh giá về triển vọng hợp tác Nga-Trung.
2. Trung Quốc thay thế các nhà cung cấp phương Tây
Như được nêu chi tiết trong báo cáo của Cơ quan Nghiên cứu Quốc hội Mỹ từ tháng 5 năm ngoái, Nga cũng đã chi hàng tỷ USD để mua máy móc, thiết bị điện tử, kim loại cơ bản, phương tiện, tàu và máy bay từ Trung Quốc.
Nga cũng cần tìm những sản phẩm thay thế cho hàng nhập khẩu từ các thị trường phương Tây, chẳng hạn như ô tô và đồ điện tử.
Theo dữ liệu gần đây nhất từ công ty nghiên cứu Autostat của Nga, các thương hiệu xe hơi Trung Quốc, bao gồm Havel, Chery và Geely, đã có thị phần tại Nga tăng từ 10% lên 38% trong một năm sau khi các thương hiệu phương Tây rút lui. Và tỷ lệ đó trong năm nay có thể sẽ tăng thêm.
Trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng, các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 40% thị trường điện thoại thông minh vào cuối năm 2021. Một năm sau, theo công ty nghiên cứu thị trường Counterpoint, họ gần như chiếm lĩnh ngành với thị phần lên tới 95%.
3. Cung cấp giải pháp thay thế cho đồng đô la Mỹ
Sau khi một số ngân hàng Nga bị cắt khỏi SWIFT, Moscow đã ngừng dùng đồng USD và trao đổi với đồng nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các công ty Nga đã và đang sử dụng nhiều nhân dân tệ hơn để tạo thuận lợi cho việc gia tăng thương mại với Trung Quốc. Theo Kireeva, các ngân hàng Nga cũng đã tiến hành nhiều giao dịch bằng đồng nhân dân tệ hơn để bảo vệ họ khỏi rủi ro bị trừng phạt.
Truyền thông Nga dẫn lời người đứng đầu Sàn giao dịch Moscow cho biết thị phần của đồng nhân dân tệ trên thị trường ngoại tệ của Nga đã tăng từ mức dưới 1% vào tháng 1/2022 lên 48% vào tháng 11.
Nga đã từng trở thành trung tâm giao dịch nước ngoài lớn thứ ba thế giới đối với đồng nhân dân tệ vào tháng 7 năm ngoái, sau Hồng Kông (Trung Quốc) và Vương quốc Anh, theo số liệu do SWIFT công bố. Kể từ đó, Nga vẫn là 1 trong 6 thị trường giao dịch nhân dân tệ hàng đầu — trước chiến dịch đặc biệt, Nga thậm chí còn không nằm trong top 15.
Bộ tài chính Nga cũng đã tăng gấp đôi tỷ lệ dự trữ nhân dân tệ mà nước này có thể nắm giữ lên 60%, sau khi một phần lớn tiền tiết kiệm của nước này bị đóng băng do lệnh trừng phạt quốc tế.
Với nhiều dự trữ nhân dân tệ hơn, Moscow có thể sử dụng đồng tiền của Trung Quốc để ổn định đồng rúp và thị trường tài chính của nước này. Đồng rúp đã giảm hơn 40% so với đồng euro và USD trong năm qua, và chỉ số chứng khoán chính của Nga đã giảm hơn 1/3.
Tháng trước, Bộ tài chính Nga tuyên bố sẽ nối lại các can thiệp ngoại hối bằng cách bán nhân dân tệ và mua đồng rúp.