- Ngũ cốc, dầu, đồng, coban và quặng sắt chỉ là một trong số những tài nguyên và khoáng sản quan trọng mà Trung Quốc đã tích lũy gần đây.
- Các nhà phân tích nhận định rằng việc chuẩn bị cho chiến tranh chỉ là một phần của vấn đề dự trữ tổng thể.
- "Trọng tâm ít hướng vào cuộc chiến có thể xảy ra mà tập trung nhiều hơn vào khả năng phục hồi lâu dài và định vị chiến lược", một chuyên gia cho biết.
Ngũ cốc, dầu, đồng, coban và quặng sắt có điểm gì chung?
Hãng tin CNA (Singapore) ngày 18/7 trích dẫn các báo cáo tin tức gần đây cho biết, ngũ cốc, dầu, đồng, coban và quặng sắt chỉ là một trong số những tài nguyên và khoáng sản quan trọng mà Trung Quốc đã ồ ạt tích lũy gần đây, khiến một số nhà quan sát và siêu cường đối thủ Mỹ phải lo ngại.
Điều quan trọng nhất là mối lo ngại của Washington rằng việc tích trữ của Bắc Kinh có thể là tiền đề cho nỗ lực quân sự - đặc biệt là đối với đảo Đài Loan mà Trung Quốc coi là vùng lãnh thổ không tách rời của Đại lục, cần được thống nhất bằng mọi giá, kể cả dùng vũ lực - như đã được chỉ ra trong phiên điều trần hồi tháng trước của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung, một cơ quan độc lập của chính phủ Mỹ.
Tuy nhiên, các nhà phân tích của CNA nhận định rằng việc chuẩn bị cho chiến tranh chỉ là một phần của vấn đề dự trữ tổng thể - và thậm chí khi đó, việc này có thể chỉ nằm ở vị trí thấp trong danh sách ưu tiên.
Thay vào đó, Trung Quốc coi việc tăng cường dự trữ quốc gia mới nhất chủ yếu nhằm mục đích đảm bảo nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẵn sàng đối phó với những cú sốc tiềm tàng phát sinh từ môi trường địa chính trị bất ổn, biến đổi khí hậu và thiên tai.
Andy Mok - nhà nghiên cứu cấp cao tại Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa có trụ sở tại Bắc Kinh - cho biết: "Trọng tâm ít hướng vào cuộc chiến có thể xảy ra mà tập trung nhiều hơn vào khả năng phục hồi lâu dài và định vị chiến lược."
"Bằng cách tích lũy các nguồn lực quan trọng, Trung Quốc gửi đi một tín hiệu rõ ràng về sự chuẩn bị và quyết tâm duy trì vị thế toàn cầu của mình", Mok nói.
Các kho dự trữ là bí mật quốc gia
Theo CNA, các kho dự trữ của Trung Quốc được quản lý bởi Cục Dự trữ Chiến lược và Lương thực Quốc gia Trung Quốc. Chúng là bí mật quốc gia và được bảo vệ chặt chẽ, rất khó khăn để đánh giá chứ đừng nói đến việc theo dõi mức tồn kho.
Tuy nhiên, các báo cáo tin tức gần đây cho thấy rằng việc tích lũy tài nguyên ở một mức độ nào đó đang được thực hiện.
Lấy dầu làm ví dụ. Theo công ty phân tích năng lượng Vortexa (Anh) và các nguồn giao dịch, Trung Quốc đã yêu cầu các công ty dầu mỏ nhà nước của mình bổ sung 8 triệu tấn dầu, tương đương gần 60 triệu thùng dầu thô vào kho dự trữ khẩn cấp của nước này để tăng cường an ninh nguồn cung.
Reuters đưa tin, nếu việc này hoàn thành, đây sẽ là kho dự trữ lớn nhất của Trung Quốc trong những năm gần đây.
Bắc Kinh cũng để mắt đến coban - kim loại quan trọng trong pin xe điện. Một ước tính từ nhà kinh doanh chuyên nghiệp Darton Commodities (Anh) cho biết, họ dự đoán Trung Quốc sẽ sở hữu hoặc điều hành tới 60% nguồn cung coban toàn cầu vào năm 2025.
Reuters và Bloomberg dẫn nguồn tin cho biết, Trung Quốc có thể mua khoảng 15.000 tấn coban từ các nhà sản xuất địa phương của nước này trong vài tháng tới để dự trữ trong nước.
Các kho dự trữ đồng và quặng sắt - hai kim loại được Trung Quốc nhập khẩu nhiều - cũng đang tăng lên.
Đối với đồng, lượng tồn kho đăng ký trên Sàn giao dịch Thượng Hải (SHFE) đã tăng lên mức cao nhất trong vòng 51 tháng qua là 339.964 tấn trong tuần tính đến ngày 7/6/2024.
Trong khi đó, Trung Quốc đã nhập khẩu mức cao kỷ lục 1,18 tỷ tấn quặng sắt vào năm ngoái, Reuters đưa tin trích dẫn dữ liệu hải quan.
Đối với ngũ cốc, công ty dự trữ nông nghiệp nhà nước Trung Quốc Sinograin cho biết trong một thông báo vào đầu tháng 6 rằng, họ và các đơn vị liên kết sẽ tăng cường mua lúa mì sản xuất trong năm nay từ các vùng trồng trọt chính để dự trữ.
Hầu hết các nhà phân tích của CNA đều tin rằng có đủ bằng chứng để kết luận rằng Bắc Kinh đã tăng cường dự trữ trong thời gian gần đây, nhưng họ đồng ý rằng rất khó để xác định chính xác là bao nhiêu.
Đồng thời, họ cho rằng Trung Quốc không xa lạ với việc dự trữ và việc này cũng không chỉ xảy ra ở Trung Quốc. Chuyên gia Mok lưu ý: "Tất cả các quốc gia thận trọng đều dự trữ các nguồn lực thiết yếu để đảm bảo an ninh quốc gia và ổn định kinh tế."
Về mặt dự trữ, Trung Quốc có định nghĩa cao hơn về những gì được coi là mức an toàn tối thiểu, Han-Shen Lin - cố vấn cấp cao và giám đốc quốc gia Trung Quốc của công ty tư vấn chiến lược The Asia Group có trụ sở tại Washington - nói với CNA và cho biết thêm rằng: "[Việc này] có thể được coi là đáng báo động đối với các quốc gia khác."
Thật vậy, theo CNA, tín hiệu cảnh báo đã được đưa ra trong phiên điều trần của Ủy ban Đánh giá Kinh tế và An ninh Mỹ-Trung (USCC) vào tháng 6. Trong phiên họp kéo dài khoảng 5 tiếng rưỡi, các thành viên USCC đã được nghe ý kiến từ một nhóm chuyên gia đưa ra quan điểm của họ về việc Trung Quốc chuẩn bị cho xung đột, với một số ý kiến cho rằng các hoạt động dự trữ có thể báo hiệu một cuộc tấn công nhắm vào đảo Đài Loan sắp xảy ra.
Nỗi lo sợ về động thái quân sự của Trung Quốc không phải là không có cơ sở, ít nhất là theo ông Gregory Wischer - người sáng lập và giám đốc của Dei Gratia Minerals, một công ty tư vấn khoáng sản quan trọng có trụ sở tại Mỹ.
Trong một tuyên bố với USCC, Wischer lưu ý rằng việc dự trữ khoáng sản có thể cho thấy ý định tiến hành một cuộc tấn công quân sự, vì khoáng sản là cần thiết để sản xuất các khí tài quân sự, trước và trong một cuộc xung đột.
Nhưng Einar Tangen - thành viên cao cấp tại tổ chức nghiên cứu Viện Taihe có trụ sở ở Bắc Kinh - không cho rằng như vậy. Ông nói với CNA rằng: "Do Mỹ không biết Trung Quốc đã dự trữ những gì nên [các báo cáo khẳng định về kế hoạch chiến tranh] rất có thể chỉ là hành động hù dọa bằng cách sử dụng đòn ưa thích của Washington đối Trung Quốc".
Tuy nhiên, chuyên gia Han từ The Asia Group nhấn mạnh sự lo ngại về việc hàng nhập khẩu của Trung Quốc "bị lệch hẳn" về chip, dầu thô và sắt - những mặt hàng có tính lưỡng dụng.
Theo ông Han, những mặt hàng như vậy chủ yếu được sử dụng với mục đích dân sự, nhưng có thể có ứng dụng quân sự hoặc thậm chí có khả năng được sử dụng làm tiền thân hoặc thành phần của vũ khí hủy diệt hàng loạt.
"Người ta nghi ngờ rằng mức nhập khẩu vượt quá nhiều nhu cầu của nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc và do đó phải trực tiếp hỗ trợ việc xây dựng quân sự của Trung Quốc hoặc gián tiếp hỗ trợ nỗ lực công nghiệp hóa chiến tranh của Nga thông qua thương mại", Han nói thêm.