Trung Quốc nói sẽ giảm rủi ro nợ vì "Vành đai, Con đường"

Bình Giang |

Trung Quốc sẽ làm cho sáng kiến Vành đai Con đường trở nên bền vững và ngăn ngừa rủi ro nợ, Bộ trưởng Tài chính Trung Quốc Liu Kun hôm nay nói như vậy để trấn an những quan ngại về tính minh bạch và nặng nợ xung quanh dự án.

Reuters dẫn lời ông Liu phát biểu tại diễn đàn mở đầu hội nghị Vành đai Con đường (BRI) kéo dài 3 ngày tại Bắc Kinh rằng Trung Quốc sẽ hỗ trợ tài chính Vành đai Con đường thông qua nhiều kênh.

Ông Yi Gang, Thống đốc Ngân hàng trung ương Trung Quốc, phát biểu cũng tại diễn đàn này rằng các đồng tiền địa phương sẽ được dùng cho những dự án đầu tư liên quan đến kế hoạch hạ tầng chủ lực, nhằm hạn chế rủi ro trong hối đoái.

Ông Yi khẳng định Trung Quốc sẽ tuân thủ các nguyên tắc thị trường và dựa vào những nguồn tiền thương mại để tài trợ cho BRI, và rằng Trung Quốc sẽ cải thiện minh bạch của những dự án trong khuôn khổ sáng kiến.

2 cấu phần, 5 mảng hợp tác chính

Được Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nêu lần đầu tiên vào năm 2013, BRI trải dài từ châu Á sang châu Âu và có thể mở rộng ra châu Phi, châu Mỹ Latin. Hai cấu phần chính là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên bộ) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Hai cấu phần chính của BRI là Vành đai kinh tế con đường tơ lụa (trên biển) và Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21.

Vành đai kinh tế con đường tơ lụa: hình thành 6 tuyến hành lang kinh tế liên quốc gia, gồm: Hành lang đường bộ Á – Âu mới; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Mông Cổ - Nga; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Trung Á – Tây Á; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Đông Nam Á lục địa; Hành lang kinh tế Bangladesh – Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar; Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan.

Con đường tơ lụa trên biển thế kỷ 21 hình thành 2 tuyến hàng hải. Tuyến thứ nhất trải dài theo duyên hải Đông Nam Trung Quốc – biển Đông – Đông Nam Á - Ấn Độ Dương (gồm Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh) – rẽ 2 nhánh: (1) đến Đông Bắc Phi (Kenya, Ethiopia); và (2) qua vịnh Ba Tư,

Địa Trung Hải (Ai Cập, Hy Lạp) – đến Nam Âu (Italia, Thổ Nhĩ Kỳ).

Tuyến thứ hai kết nối duyên hải Trung Quốc – biển Đông – Nam Thái Bình Dương (Úc, New Zealand).

Trung Quốc đề xuất 5 mảng hợp tác chính trong khuôn khổ sáng kiến gồm:

Kết nối chính sách: tăng cường hợp tác giữa chính phủ các nước, tích cực xây dựng một cơ chế trao đổi nhiều cấp liên chính phủ để các bên thông hiểu các chính sách lớn của nhau, thúc đẩy tin tưởng nhau về chính trị, đạt được sự đồng thuận mới về hợp tác.

Kết nối cơ sở hạ tầng: Thúc đẩy xây dựng các tuyến giao thông xương sống quốc tế giữa các tiểu vùng trong châu Á và giữa châu Á, châu Âu với châu Phi.

Kết nối thương mại và đầu tư: Tạo thuận lợi cho thương mại; tạo thuận lợi cho đầu tư; và tăng cường hợp tác bảo về môi trường.

Kết nối tài chính – tiền tệ: Đi sâu hợp tác tài chính, thúc đẩy xây dựng hệ thống tiền tệ, hệ thống vốn và hệ thống tin dụng ở châu Á ổn định, mở rộng hoán đổi tiền tệ, phạm vi và quy mô thanh toán song phương; tăng cường mở rộng và phát triển thị trường chứng khoán châu Á; tăng cường hoạt động của Ngân hàng đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB); Ngân hàng BRICS; cơ cấu tiền tệ của Tổ chức hợp tác Thượng Hải; Quỹ Con đường tơ lụa; đi sâu hợp tác thực chất trong hệ thống liên ngân hàng Trung Quốc – Asean; hệ thống liên ngân hàng SCO; tăng cường hợp tác giám sát tài chính; hoàn thiện cơ chế ứng phó rủi ro và xử lý khủng hoảng; tăng cường hợp tác liên khu vực giữa các cơ quan, tổ chức tín dụng và các tổ chức đánh giá tài chính.

Kết nối con người: mở rộng hợp tác, giao lưu văn hóa, hóa thuật, báo chí, thanh niên...Trung Quốc sẽ cấp các suất học bổng cấp chính phủ cho các nước dọc tuyến đường...

Việt Nam hoan nghênh

Bộ Ngoại giao cho biết, Việt Nam hoan nghênh các sáng kiến thúc đẩy kết nối và hợp tác kinh tế khu vực, trong đó có BRI. Việc triển khai các sáng kiến trong BRI phải đảm bảo nguyên tắc hợp tác hòa bình, bình đẳng và cùng có lợi, tôn trọng nhau, phù hợp với luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên Hợp quốc, hướng đến mục tiêu đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng chung của tất cả các quốc gia.

Tháng 5/2017, cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã tham dự diễn đàn BRI lần thứ nhất và có bài phát biểu quan trọng, thể hiện quan điểm của Việt Nam về các nguyên tắc mà hợp tác cần bảo đảm để đóng góp cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực và thế giới.

Tháng 11/2017, nhân chuyên thăm Việt Nam của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hai bên đã ký biên bản ghi nhớ cấp chính phủ về thúc đẩy kết nối khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” của Việt Nam với BRI. Hai bên đang trong quá trình thảo luận để xây dựng kế hoạch chung về thực hiện bản ghi nhớ này.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại