Trung Quốc nới lỏng phòng dịch COVID-19, nhiều loại thuốc cảm sốt cháy hàng, từ sáng đến tối tăng giá gần gấp đôi

Hữu Hiển |

Tại thị trường Trung Quốc, nhiều loại thuốc cảm sốt đang bị thiếu hụt trầm trọng. Người dân muốn mua nhưng nhiều hiệu thuốc không có hàng để bán. Hiện tượng nâng giá đã xuất hiện, thậm chí một ngày nâng giá ba lần.

Ibuprofen hết hàng ở nhiều hiệu thuốc

Gần đây, các tỉnh thành ở Trung Quốc như Bắc Kinh, Liêu Ninh, Sơn Đông, Nam Xương… đã điều chỉnh, tối ưu hóa các chính sách phòng chống dịch COVID-19 nhằm tạo thuận lợi cho việc đi lại, sinh hoạt của người dân, và các quy định mua thuốc cũng được điều chỉnh.

Theo quy định mới, người dân Trung Quốc có thể mua 4 loại thuốc như hạ sốt, ho, chống nhiễm trùng, điều trị khô và đau họng tại các hiệu thuốc hoặc cửa hàng trực tuyến. Việc đăng ký tên thật không còn cần thiết, và nhu cầu về thuốc của người dân địa phương đã tăng vọt.

Phóng viên của Nhật báo China Star Market đã đến một số hiệu thuốc để tìm hiểu và được biết rằng, trong số các loại thuốc, thuốc kháng viêm Ibuprofen và Liên Hoa Thanh Ôn - một loại thuốc chống cảm lạnh thông thường và là loại thuốc được khuyên dùng trong điều trị COVID-10 - là bán chạy nhất.

Một nhân viên hiệu thuốc mô tả: "Ngày hôm kia chúng tôi vừa nhập hàng, ngày mai và ngày mốt lại nhập hàng, nhưng chúng tôi không biết còn hàng để nhập nữa hay không."

Phóng viên Nhật báo China Star Market đến một hiệu thuốc khác cách đó khoảng 1 km. Tương tự như "Chuyên mục tư vấn COVID-19" và "Gian hàng chuyên bán thuốc điều trị COVID-19" đã ra mắt trên một số nền tảng thương mại điện tử, nhà thuốc cũng mở một quầy chuyên biệt cho "thuốc cảm sốt".

"Ibuprofen đã hết hàng. Khách hàng thường mua 3-5 hộp/lần. Một số khách hàng thấy rằng các nhà thuốc khác đã bán hết nhưng nhà thuốc của chúng tôi vẫn còn hàng nên họ đến đây để mua", nhân viên hiệu thuốc cho biết.

Ngoài ra, trong hiệu thuốc còn một loại thuốc khác có tác dụng tương tự như Ibuprofen, vẫn còn 2 hộp. "Cần thì mua ngay, kẻo lát nữa sẽ hết ", nhân viên hiệu thuốc nói.

Một nhân viên chuyển phát nhanh đến từ một nền tảng thương mại điện tử nói với phóng viên Nhật báo China Star Market rằng, nhìn vào các đơn đặt hàng cơ bản, rõ ràng là có nhiều đơn đặt hàng vận chuyển thuốc hơn trong vài ngày qua. “Một số đơn hàng đến hiệu thuốc vẫn không lấy được thuốc”.

Trung Quốc nới lỏng phòng dịch COVID-19, nhiều loại thuốc cảm sốt cháy hàng, từ sáng đến tối tăng giá gần gấp đôi - Ảnh 1.

Quầy thuốc cảm sốt trống rỗng trong một nhà thuốc ở Thượng Hải. Ảnh: QQ

Các công ty dược chuẩn bị mở rộng sản xuất

Theo dữ liệu của Cục Quản lý Dược phẩm Nhà nước Trung Quốc, Ibuprofen là thuốc kháng viêm. Tại thị trường Trung Quốc, có hơn 500 công ty dược đã được phê duyệt sản xuất Ibuprofen, bao gồm Xinhua Pharmaceutical, Renhe Pharmaceutical, Yifan Pharmaceutical và Yuekang Pharmaceutical...

Lấy danh nghĩa là nhà đầu tư, phóng viên Nhật báo China Star Market đã liên hệ với một số công ty dược.

"Trước đây, nhu cầu đối với các sản phẩm Ibuprofen còn hạn chế và chúng tôi không đầu tư nhiều cho dây chuyền sản xuất Ibuprofen. Nhưng giờ đây, nhu cầu thị trường đối với Ibuprofen đang tăng lên", đại diện Yuekang Pharmaceuticals nói với phóng viên.

Yifan Pharmaceutical thì nói: "Năng lực sản xuất của dây chuyền sản xuất chuyên dụng cho Ibuprofen là vài triệu viên và có thể mở rộng sản xuất cho các dây chuyền không chuyên dụng." Đại diện Yifan Pharmaceutical còn cho biết thêm, đối với nguyên liệu thô, công ty cũng đã căn cứ theo các đơn hàng và làm tốt việc dự trữ. Công ty tiết lộ rằng không khó để sản xuất Ibuprofen hàng loạt.

Tính đến thời điểm bài viết được đăng, phóng viên Nhật báo China Star Market đã có thể mua Ibuprofen trên các nền tảng thương mại điện tử lớn.

Liên Hoa Thanh Ôn “một ngày ba giá”

Đối với Liên Hoa Thanh Ôn, lượng tiêu thụ cũng đang bùng nổ.

Trung Quốc nới lỏng phòng dịch COVID-19, nhiều loại thuốc cảm sốt cháy hàng, từ sáng đến tối tăng giá gần gấp đôi - Ảnh 2.

Liên Hoa Thanh Ôn là một loại thuốc chống cảm lạnh thông thường và được khuyên dùng trong điều trị COVID-10. Ảnh: bjd.com

Tại Ninh Ba, một số hiệu thuốc cho biết, Liên Hoa Thanh Ôn đã hoàn toàn hết hàng. Lý Dục – một người dân địa phương nói với phóng viên China Star Market rằng, sau khi chính sách phòng chống dịch COVID-19 dần được nới lỏng ở nhiều nơi, sau khi tan làm, anh đã đến ngay hiệu thuốc trước cổng khu dân cư của mình để mua thuốc, nhưng được thông báo rằng viên nang Liên Hoa Thanh Ôn đã hết hàng.

Lê Phương Viên - một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải nói với phóng viên China Star Market rằng, cô thấy trên nền tảng thương mại điện tử trực tuyến, Liên Hoa Thanh Ôn một ngày nâng giá ba lần.

"Sáng mùng 5, tôi thấy nhiều nơi đã nới lỏng chính sách phòng dịch nên định tích trữ một ít Liên Hoa Thanh Ôn trên mạng để phòng trường hợp khẩn cấp. Lúc đó khoảng 9 giờ, các cửa hàng Ali Health và Yiling đều đã hết hàng, vì vậy tôi chỉ có thể đặt hàng tại cửa hàng First Medicine trên Taobao". Lê Phương Viên nói rằng, khoảng 3 giờ chiều, các hiệu thuốc lớn trên trang thương mại điện tử Taobao gần như đã cháy hàng, chỉ còn lác đác vài cửa hàng bày bán.

"Không chỉ vậy, giá cả cũng tăng lên. Buổi sáng, bạn có thể mua hộp 36 viên với giá 41 Nhân dân tệ (khoảng 140.000 VNĐ). Vào buổi chiều, bạn có thể thấy rằng hộp 24 viên về cơ bản là khoảng 50 Nhân dân tệ (171.000 VNĐ)." Lê Phương Viên cho biết thêm, vào buổi tối, hộp 24 viên Liên Hoa Thanh Ôn được bán với giá 75 Nhân dân tệ (256.000 VNĐ) và một số cửa hàng còn hạn chế số lượng hoặc bán chung với các loại thuốc khác.

Về vấn đề này, phóng viên China Star Market đã gửi thư cho Yiling Pharmaceutical - nhà sản xuất chính của Liên Hoa Thanh Ôn - nhưng vẫn chưa nhận được hồi âm. Đồng thời, trên nhiều nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc, Liên Hoa Thanh Ôn vẫn hết hàng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại