Drone và robot sẽ phục vụ bữa ăn và khử khuẩn, vệ sinh buồng cách ly tại Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu. Ảnh: AP
Ảnh chụp trên không Trạm Y tế Quốc tế Quảng Châu do truyền thông nhà nước Trung Quốc công bố cho thấy hàng dãy nhà ba tầng màu xám đang được hoàn thiện. Địa điểm này cách xa các khu vực đông dân cư của Quảng Châu. Theo kế hoạch, khu phức hợp này sẽ chuyên cách ly người từ nước ngoài vào Trung Quốc, với 5.000 phòng.
Tại đây, thiết bị bay không người lái (drone) và robot sẽ đảm nhận việc phân phát bữa ăn, vệ sinh buồn từng phòng. Mỗi phòng cũng sẽ được bố trí hệ thống điều hòa, thông gió hoàn chỉnh, bảo đảm dịch vụ cách ly phi tiếp xúc trực tiếp. Trong khu này cũng có đủ 2.000 giường cho nhân viên sống, sinh hoạt ngay tại chỗ và họ cũng sẽ phải trải qua quy trình cách ly sau quá trình làm việc luân phiên một tháng.
Trạm y tế này có chi phí xây dựng lên đến 250 triệu USD và là khu vực cách ly, ngăn chặn dịch bệnh lây lan từ nguồn nhập khẩu. Trạm sẽ thay thế hệ thống cách ly bằng khách sạn vốn tồn tại nhiều bất cập, không đảm bảo tiêu chuẩn chống dịch. Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng những cơ sở tương tự trên khắp cả nước.
Đó không phải là tín hiệu cho thấy quốc gia đông dân nhất thế giới đang chuẩn bị có các bước đi để sống chung với COVID-19. Ngược lại, Trung Quốc vẫn quyết tâm theo đuổi chiến lược “không COVID” (Zero COVID).
Phó Thủ tướng Trung Quốc Tôn Xuân Lan (Sun Chunlan) trong tuần này đã kêu gọi các cấp chính quyền thực thi biện pháp kiểm soát dịch bệnh “tăng cường và có mục tiêu” khi mùa đông đang đến gần. Một số thành phố tại Trung Quốc cũng đã bắt đầu triển khai tiêm mũi tăng cường cho một số nhóm đối tượng người dân, ví dụ như nhân viên làm việc tại sân bay.
Nhân viên y tế chuẩn bị lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho người dân tại Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. Ảnh: THX/TTXVN
Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ không dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (G20) tại Rome, Italy vào cuối tháng này cũng như Hội nghị thượng đỉnh của Liên hợp quốc về Biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) diễn ra ở Glasgow, Anh vào đầu tháng sau. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chưa hề ra nước ngoài kể từ khi dịch bùng phát.
Giới ngoại giao và lãnh đạo các doanh nghiệp tại Trung Quốc ngầm bày tỏ rằng Trung Quốc sẽ đóng cửa biên giới thêm ít nhất là 6 tháng nữa. Còn hạn chế với người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài có thể phải tính bằng năm. Đây có thể là tin buồn với nhiều nước, trong đó có Australia, muốn đón dòng khách du lịch Trung Quốc khi mở cửa trở lại, gỡ rối cho ngành du lịch.
Ngay cả kỳ Olympic mùa Đông diễn ra từ ngày 4-20/2/2022 cũng không phải là ngoại lệ. Vận động viên và giới phóng viên, truyền thông quốc tế nhập cảnh vào Trung Quốc sẽ phải sống trong điều kiện “bong bóng” giám sát cẩn trọng, với nhiều quy định hạn chế khắt khe hơn so với kỳ Olympic Tokyo vừa qua.
Tại Trung Quốc, không hề có thảo luận công khai về kế hoạch dài hạn nhằm quản trị COVID-19. Những nhà khoa học có ngụ ý muốn Trung Quốc học cách cùng tồn tại với dịch bệnh thường sẽ bị bêu danh là kẻ thù của nhà nước. Zhang Wenhong, chuyên gia dịch tế hàng đầu ở Thượng Hải, từng bị chỉ trích dữ dội hồi tháng 8 vừa qua khi ông lên tiếng khuyến nghị Trung Quốc cần phải xem xét cách tiếp cận chung sống với virus.
Tuy nhiên, công chúng tại đại lục về cơ bản ủng hộ các chính sách chống dịch của chính quyền - điều giúp tránh được tình cảnh đóng cửa và tổn thất nhiều về người mà nhiều nơi trên thế giới phải trải qua. Dịch COVID-19 bùng phát đầu tiên tại Vũ Hán, nhưng Trung Quốc đã tránh được các làn sóng dịch diện rộng sau đó. Tính kể từ đầu dịch cho đến ngày 13/10, Trung Quốc ghi nhận 4.636 ca tử vong. Đây là con số nhỏ so với nhiều nước, ví dụ như Mỹ.
Biến thể Delta đã một vài lần chọc thủng hệ thống phòng ngự COVID-19 ở Trung Quốc. Ổ dịch nghiêm trọng nhất khởi phát từ sân bay tại Nam Kinh, tỉnh Giang Tô hồi tháng 7 và lây sang nhiều thành phố khác. Chính quyền các thành phố phản ứng bằng việc đóng cửa sân bay, bến cảng và cuối cùng là đóng cửa toàn diện các thành phố và nhờ đó chặn được đợt dịch quy mô lớn, khi số ca mắc theo ngày chỉ ở mức hai con số.
Đặc khu Hong Kong cũng bị mắc kẹt với chiến lược “Zero COVID” của Trung Quốc. Chính sách này đã tạo ra cơn ác mộng đối với các doanh nhân, chuyên gia quốc tế sống và làm việc tại Hong Kong. Nhiều người Australia, do bực bội với viễn cảnh bắt buộc phải cách ly từ 2-3 tuần nếu có kế hoạch di chuyển, đi lại khỏi Hong Kong, đang tính đến giải pháp rời bỏ vùng đất này.
Nguy cơ khủng hoảng y tế từ COVID-19 tại Trung Quốc hiện thấp hơn ở nhiều khu vực trên thế giới. Nhưng liệu khả năng chống cự dịch bệnh bền vững kéo dài trong bao lâu là điều còn chưa rõ.