Trung Quốc nắm trong tay vũ khí khiến máy bay tàng hình Mỹ thành “sắt vụn”?

Anh Tuấn |

Theo tạp chí National Interest, nếu sở hữu công nghệ radar lượng tử, Trung Quốc có thể phát hiện và theo dõi hoạt động của bất kỳ loại phi cơ chiến đấu nào, kể cả máy bay tàng hình hiện đại nhất của Mỹ.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu Trung Quốc đã thực sự làm chủ công nghệ này hay chưa. Mặc dù ngành công nghiệp quốc phòng nước này khẳng định rằng họ đã đạt được bước đột phá trong việc phát triển công nghệ radar lượng tử, song nhiều chuyên gia Mỹ cho rằng hệ thống này sẽ chưa thể được ứng dụng ngay lập tức.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng sẽ gặp nhiều khó khăn để chế tạo một loại radar lượng tử đáng tin cậy chỉ để thử nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Trung Quốc nắm trong tay vũ khí khiến máy bay tàng hình Mỹ thành “sắt vụn”? - Ảnh 1.

Máy bay F-35 của Mỹ (hình trên) sẽ bị các radar lượng tử của Trung Quốc đe dọa?

Năm ngoái, Tập đoàn Công nghệ Điện tử Trung Quốc (CETC) đã công bố rằng họ vừa thử nghiệm một radar lượng tử có tầm hoạt động không lớn, vào khoảng 100 km. 

Một radar có thể xác định vị trí rõ ràng của một máy bay tàng hình đối phương trong phạm vi như vậy là một thành tựu đáng kinh ngạc. Phần lớn các radar hoạt động ở các dải tần số thấp như X hoặc Ku hiện nay chỉ có thể xác định vị trí của một máy bay tàng hình ở tầm ngắn.

Các nguồn tin Trung Quốc khẳng định rất có thể phiên bản radar lượng tử dùng trong quân đội sẽ có tầm hoạt động lớn hơn thế rất nhiều. “Con số trong các văn bản được chính phủ công bố thường thấp hơn so với thực tế”, một nhà nghiên cứu quân sự người Trung Quốc trả lời báo Hoa Nam buổi sáng vào năm ngoái.

Radar lượng tử có cơ chế hoạt động dựa trên các nguyên tắc vật lý lượng tử mà các nhà khoa học chỉ mới bắt đầu hiểu rõ trong thời gian gần đây. “Với mỗi cặp photon kết nối với nhau, thay đổi đối với một hạt sẽ ảnh hưởng đến hạt còn lại bất kể khoảng cách giữa hai hạt là bao xa”, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng viết.

“Radar lượng tử sẽ tạo ra nhiều cặp photon kết nối và bắn chúng và trong không khí, các hạt này khi tiếp cận máy bay đối phương sẽ truyền về những dữ liệu như hình dáng, vị trí, tốc độ, nhiệt độ và thậm chí là thành phần hóa học của lớp sơn máy bay qua các hạt photon”.

Tuy nhiên, ngay cả các nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng bày tỏ nghi ngại về thành tựu của hãng CETC. 

Nhà vật lý Ma Xiaosong hiện đang giảng dạy tại Đại học Nam Kinh (Trung Quốc) cho biết trong một radar lượng tử, hai hạt photon kết nổi phải liên tục xoay theo phương nhất định để có thể giữ được mối liên kết. 

Chúng hoàn toàn có thể bị cản trở bởi những tác nhân bên ngoài, và nó sẽ ảnh hưởng đến khả năng truyền dẫn tín hiệu cũng như tầm hoạt động tối đa của radar.

Tuy vậy, tuyên bố trên một lần nữa cho thấy rằng Bắc Kinh đang nỗ lực để phát triển công nghệ nhằm đối phó với các máy bay tàng hình, và họ đã đạt được những kết quả nhất định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại