Trung Quốc có kế hoạch phóng một vệ tinh có thể thu hồi được, chứa nửa tấn "dạng sống", lên không gian để xem liệu có thể sản xuất được những mùa vụ tốt hơn ở trên đó hay không.
Những "hành khách" của vệ tinh có thể được phóng vào đầu năm sau này sẽ bao gồm hơn 240kg hạt giống và cây trồng, cũng như một số dạng sống khác như vi khuẩn chẳng hạn.
Tất cả những thứ đó là một phần trong thí nghiệm lớn nhất thế giới nhằm tạo nên đột biến sinh học nhờ bức xạ vũ trụ - theo lời các nhà nghiên cứu của chính phủ Trung Quốc.
Và đó có thể là một hành trình dữ dội. Chuyến bay nhiều khả năng diễn ra trong khoảng 2 tuần, trong quãng thời gian đó các hạt giống sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu không khí, nhiệt độ gần mức 0 tuyệt đối, và bức xạ năng lượng cao.
Các dạng sống khác như các cây giống có thể vẫn còn một ít không khí và nhiệt, nhưng vẫn sẽ bị phơi nhiễm bức xạ bất kể được lưu trữ trong điều kiện ra sao, nhằm gây ra những đột biến mà trong điều kiện thông thường sẽ không thể hoặc mất nhiều thời gian hơn mới hình thành được.
Buồng chứa có thể thu hồi từ Shijian 8 - vệ tinh đầu tiên trên thế giới được thiết kế để gây đột biến sinh học - sẽ mang về kết quả thử nghiệm
Sau chuyến bay, một buồng chứa sẽ mang các "hành khách" trở về Trái đất để các nhà khoa học gieo trồng, theo dõi sự phát triển của chúng và đánh dấu những đặc tính dị thường như sản lượng cao hơn hay các màu sắc mới, từ đó xác định những ứng viên để đưa vào khai thác thương mại. Một vài trong số những biến thể đó có thể mang lại những mùa vụ tốt hơn, theo lời các nhà nghiên cứu.
An ninh lương thực hiện là một vấn đề lớn đối với Trung Quốc, vốn là quốc gia chiếm gần 20% dân số thế giứi nhưng chỉ sở hữu 9% diện tích đất có thể canh tác được.
Qua nhiều thập kỷ, nhiều quốc gia đã gửi cây trồng vào không gian để kích thích đột biến nhằm tạo ra những giống có sản lượng cao hơn, nhưng chưa có chương trình nào đọ được với Trung Quốc xét về sự kiên trì và quy mô cả.
Những thông tin chi tiết thu được từ chương trình không gian của Trung Quốc đã giúp sản lượng sản xuất ngũ cốc hàng năm tăng 1,3 triệu tấn, tức khoảng 1kg trên mỗi người dân Trung Quốc.
"Đột biến là động lực dẫn đến sự tiến hóa" - Tiến sỹ Li Jingzhao, một nhà khoa học tham gia vào chương trình với Liên minh Cải tiến Công nghiệp Chăn nuôi Vũ trụ, một tổ chức phi lợi nhuận tại Bắc Kinh, vốn tham gia vào chương trình này không gian của chính phủ, cho biết. "Đột biến tăng lên sẽ dẫn đến đa dạng sinh học cao hơn".
Ông nói thêm rằng mất đi đa dạng sinh học, hay các giống loài bị tuyệt chủng, đã trở thành một mối đe dọa cho ngành nông nghiệp.
Theo Tổ chức Nông lương thế giới (FAO), khoảng 75% đa dạng sinh học cây trồng đã mất đi trên toàn cầu bởi quá trình canh tác một vụ.
Điều đó khiến quá trình sản xuất thực phẩm dễ bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu và nhiều vấn đề khác.
"Câu hỏi là, liệu chúng ta có nên đi theo nhịp điệu của tự nhiên, hay cho nó một cú hích nhỏ?" - ông nói.
Khi Trung Quốc phóng Shijian 8 - vệ tinh đầu tiên trên thế giới được thiết kế chủ yếu để gây giống đột biến - vào năm 2006, mang theo khoảng 200kg rau củ, trái cây, ngũ cốc, và hạt cotton, cộng đồng quốc tế đã tỏ ra nghi ngờ.
Một số nhà nghiên cứu tại Mỹ nói rằng những lợi ích việc này mang lại chẳng đáng so với chi phí bỏ ra. Họ xem vụ phóng tàu này là một màn kịch của Trung Quốc.
Các chuyến bay lên không gian rất đắt đỏ, tốn khoảng 10.000 USD/pound hàng hóa, nhưng chương trình của Trung Quốc đã gửi lên rất nhiều loại thực vật và hạt giống với sự hỗ trợ từ ngân sách chính phủ. Các cơ sở nghiên cứu đã được thành lập để nghiên cứu những đột biến thu được, và nước này cũng đã bổ nhiệm nhiều nhà khoa học lẫn các quan chức để dẫn dắt chương trình.
Đối với nhiệm vụ sắp tới, Trung Quốc sẽ làm nhiều việc để giảm chi phí. Các nhà nghiên cứu cho biết khoang chứa sẽ có thể tái sử dụng, được thiết kế để dùng đến 15 lần phóng, giảm chi phí cho các sứ mệnh không gian trong tương lai.
Đến cuối năm ngoái, các đồn điền thương mại được lập nên để trồng các chủng loại thu về từ các chương trình không gian này đã đạt quy mô 2,4 tỷ hectares, mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp vượt mức 200 tỷ Nhân dân tệ (28 tỷ USD).
Một bản báo cáo từ Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) hồi tháng 4 năm nay cho biết loại lúa mỳ đột biến được sử dụng nhiều thứ hai tại Trung Quốc, Luyuan 502, đã được phát triển bằng cách cho đột biến trong không gian, và có năng suất cao hơn 11% so với loại truyền thống.
Nó còn chống chịu tốt hơn với hạn hán và các loại dịch bệnh lớn khác.
IAEA và FAO hiện đang hợp tác với Trung Quốc để đưa công nghệ của họ sang các nước khác, với mục tiêu phát triển những mùa vụ mới.
Trung Quốc đã tạo ra hơn 1.000 loại thực vật đột biến, chiếm 1/4 trong cơ sở dữ liệu thự vật đột biến trên toàn thế giới của IAEA/FAO - nhiều hơn bất kỳ quốc gia nào khác.
Các nhà khoa học cũng đang kết hợp công nghệ sinh học khác như giải trình tự gene, gán nhãn phân tử, và chỉnh sửa gene để giúp cải thiện tính hiệu quả của các giống cây trồng mới.
Giáo sư Liu Zhiyong, một nhà nghiên cứu tại Viện Gene và Phát triển sinh học tại Học viện Khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói rằng sự sụt giảm đa dạng sinh học là tin không mấy hay ho đối với hệ sinh thái toàn cầu.
"Các dự án cây trồng không gian có ý nghĩa bởi nó sẽ tạo ra nhiều giống mới cho nghiên cứu khoa học" - ông Liu nói.
Tham khảo: AbacusNews