Mỹ nói sắp bị Trung Quốc đuổi kịp trong những lĩnh vực công nghệ trọng yếu, Trung Quốc nói làm gì có

Tấn Minh |

Viên chức quốc phòng Mỹ nói rằng Trung Quốc đang cạnh tranh kịch liệt và sắp vượt mặt nước này về trí tuệ nhân tạo, 5G, không gian, và các lĩnh vực công nghệ khác.

Các chuyên gia Trung Quốc mới đây đã phủ nhận tuyên bố đưa ra bởi một viên chức cấp cao Lầu Năm Góc rằng Mỹ đang tụt hậu đằng sau Trung Quốc trong một số công nghệ quan trọng có tính ứng dụng cả trong đời sống lẫn quân sự.

Michael Brown, giám đốc bộ phận cải tiến của Bộ Quốc phòng Mỹ, phát biểu tại một cuộc họp hồi đầu tuần này rằng Trung Quốc đang cạnh tranh kịch liệt, hoặc sắp vượt mặt Mỹ trong các lĩnh vực gồm siêu âm, trí tuệ nhân tạo, khoa học lượng tử, mạng di động 5G, biến đổi gene, và không giang.

Trừ siêu âm, những công nghệ này vẫn chưa được ứng dụng trong quân sự, nhưng chúng vẫn đóng vai trò then chốt đối với sự thịnh vượng kinh tế xét về lâu về dài, khiến chúng trở nên quan trọng đối với tương lai của cuộc đấu giữa Mỹ - Trung Quốc - Brown nói.

"Tôi tin là an ninh quốc gia và an ninh kinh tế có mối liên kết chặt chẽ" - Brown nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington.

Nhưng các chuyên gia Trung Quốc thì nói rằng tiến trình phát triển của nước họ đã bị phóng đại thái quá, và nhiều thành tựu họ đạt được chỉ là những thành công nhỏ nhoi mà thôi.

Nhà bình luận quân sự Hồng Công, Song Zhongping, nói rằng Mỹ, "không còn gì để tranh cãi, thành công hơn và có nhiều kinh nghiệm hơn, vượt xa trước bất kỳ nước nào khác" về công nghệ không gian. "Cứ nhìn vào dự án Apollo và chương trình tàu con thoi mà xem - nhiều thập kỷ sau, vẫn chưa có quốc gia nào khác bì kịp những thành tựu đó" - ông nói.

Mặc cho những đột phá trên nhiều lĩnh vực nhất định như 5G, giữa công nghệ điện tử và thông tin số của Trung Quốc với các quốc gia dẫn đầu thế giới về công nghệ nhìn chung vẫn còn một lằn ranh rõ rệt - theo chuyên gia hàng hải người Bắc Kinh, Li Jie.

Trên lĩnh vực siêu âm, Trung Quốc có thể đã đạt được những cột mốc như tạo ra được các thiết bị lượn, nhưng khi xét đến một công nghệ quan trọng khác - động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) - chưa có bằng chứng nào cho thấy nước này đã có những đột phá lớn, và Mỹ vẫn có kinh nghiệm vượt trội so với Trung Quốc trong lĩnh vực này - theo lời Zhao Tong, làm việc tại Trung tâm Carnegie-Tsinghua về Chính sách toàn cầu.

Tại cuộc diễu hành nhân ngày Quốc khánh vào tháng trước, Trung Quốc đã trình diễn các loại tên lửa và drone siêu âm, và họ cũng vừa triển khai một mạng di động thương mại thế hệ 5 (5G) hôm thứ 6 vừa qua, cũng là mạng di động lớn nhất thế giới.

Mỹ nói sắp bị Trung Quốc đuổi kịp trong những lĩnh vực công nghệ trọng yếu, Trung Quốc nói làm gì có - Ảnh 1.

Drone quân sự DJ-11 trong cuộc diễu hành ngày Quốc khánh Trung Quốc vừa qua

Huawei, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc, đã giành được các bản hợp đồng phát triển hạ tầng 5G cho nhiều quốc gia, dù cho phía Mỹ liên tục thực hiện các chiến dịch nhằm kêu gọi cấm trang thiết bị của Huawei vì lý do an ninh.

Brown nói rằng Trung Quốc "hiện đã vượt mặt Mỹ về khoa học lượng tử" - cụ thể là việc nước này triển khai vệ tinh viễn thông lượng tử đầu tiên trên thế giới mang tên Micius hồi năm 2016. Trung Quốc, trong bối cảnh đẩy mạnh chương trình không gian, cũng đã thực hiện nhiều cuộc phóng thiết bị vào không gian hơn Mỹ trong năm 2018.

Brown nói thêm rằng Mỹ từng sử dụng trang thiết bị của Trung Quốc cho các dự án liên quan chỉnh sửa gene, có nghĩa là Trung Quốc đã nắm giữ nhiều dữ liệu về gene của cư dân Mỹ hơn cả bản thân nước Mỹ, và Mỹ cũng đang chơi trò đuổi bắt với công nghệ nhận dạng khuôn mặt dựa trên AI mà Trung Quốc là một trong những quốc gia triển khai sớm nhất thế giới.

Trong 50 - 80 năm qua, Mỹ đã dẫn dắt và đặt ra những chuẩn mực cho hầu hết mọi công nghệ và ngành công nghiệp quan trọng, ông nói. Qua đó, Mỹ có thể xây dựng và định hình một hệ sinh thái toàn cầu và tận hưởng những lợi thế của hệ sinh thái đó từ cuối Chiến tranh thế giới thứ 2.

Nhưng, Brown cảnh báo, mọi thứ sẽ thay đổi nếu Trung Quốc nắm giữ vị thế như Mỹ đang nắm giữ hiện nay, liên quan những công nghệ đó.

"Hãy tưởng tượng thế giới sẽ ra sao nếu Trung Quốc là nước thiết lập các chuẩn mực. Dần dần, điều đó có nghĩa chúng ta sẽ mất những đòn bẩy dùng để định hình những thứ Mỹ muốn làm, cả từ quan điểm công nghệ toàn cầu và những giá trị đang được đề cao trên toàn thế giới như những mục tiêu phải đạt được"

Ni Lexiong, một nhà bình luận quân sự gốc Thượng Hải, nói rằng Brown có ý đồ của riêng mình khi đưa ra những bình luận như vậy.

"Quân đội Mỹ muốn có thêm ngân sách, thêm trang bị mới, thêm các dự án R&D mới. Và giả thuyết về một mối đe dọa xuất phát từ Trung Quốc, tất nhiên, là một lý do khéo léo" - Ni nói.

Tham khảo: AbacusNews

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại