Tục lệ cưới có từ hàng nghìn năm của Trung Quốc gần đây đôi khi bị biến tướng đến mức cực đoan
Mặc dù tổng số người kết hôn đã giảm theo dữ liệu của chính phủ, ngành công nghiệp cưới ở Trung Quốc vẫn đang bùng nổ.
Một cuộc khảo sát được các chuyên gia về đám cưới của Trung Quốc đưa ra hồi năm ngoái cho thấy, 42% các cặp vợ chồng mới cưới đã chi từ 50.000 đến 100.000 nhân dân tệ (tương đương 7.000 - 14.000 USD) cho ngày trọng đại của họ.
Bên cạnh đó, 23% dành một phần ngân sách từ 100.000 đến 200.000 nhân dân tệ trong khi 5% số cặp đôi chi tiêu hơn 300.000 nhân dân tệ cho đám cưới.
Nhiều hiện tượng bị đưa vào “tầm ngắm”
Đám cưới của người Trung Quốc có những nghi thức và tục lệ phức tạp được duy trì hàng nghìn năm, nhưng hiện nay, lễ cưới hiện đại đã vượt ngoài tầm kiểm soát, với xu hướng cạnh tranh để có những đám cưới xa hoa hơn, quà tặng đắt tiền và các nghi thức thử thách cực đoan để “chăm sóc” cô dâu và chú rể.
Một số nghi thức ban đầu được xem như một cách để xua đuổi các linh hồn ma quỷ, nhưng gần đây đã biến tướng tới mức cực đoan khi chú rể, cô dâu và phù dâu đôi khi phải chịu những trò đùa bạo lực.
Hồi tháng 11-2018, một người đàn ông ở miền Nam Trung Quốc đã nhập viện sau khi bị một chiếc xe đâm vào khi anh ta cố gắng thoát khỏi trò thử thách của bạn bè mình.
Đó là chưa kể nạn “hét” tiền thách cưới, như tại Hồ Bắc, số tiền mà nhà trai phải đưa cho nhà gái gần 30.000 USD - tương đương với mức thu nhập 10 năm của người dân trong khu vực.
Một báo cáo của ngành công nghiệp tiết lộ rằng, dự kiến chi tiêu cho các buổi lễ sang trọng ở Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi lên 3 nghìn tỷ NDT (440 tỷ USD) vào năm 2021.
Năm ngoái, mức chi tiêu này vào khoảng 1,47 nghìn tỷ NDT và dự kiến sẽ tăng hơn 24% vào năm 2018, theo một nghiên cứu được ASKCI, một công ty nghiên cứu thị trường có trụ sở tại Thâm Quyến công bố.
Tờ Kinh tế Nhật báo cho biết, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã đưa vào “tầm ngắm” một số hiện tượng như quà tặng “trên trời”, một kiểu “chơi trội” với hàng xóm và những trò thử thách dẫn đến bạo lực nguy hiểm.
“Những vấn đề này không chỉ cản trở tăng trưởng và giảm nghèo ở nông thôn mà còn ảnh hưởng đến sự thuận hòa của các gia đình và sự phát triển lành mạnh của xã hội”, Bộ này cho biết trong một hội nghị quốc gia cuối tuần trước tại Tế Nam, tỉnh Sơn Đông ở miền Đông Trung Quốc.
Siết chặt bằng lệnh hành chính liệu có hiệu quả?
“Chúng tôi sẽ tận dụng lợi thế của các tổ chức cơ sở ở nông thôn để đưa ra các hướng dẫn về quy trình đám cưới và mức quà tặng bằng tiền mặt.
Chúng sẽ được chuẩn hóa theo hình thức công ước của làng xã về đám cưới và tang lễ”, quan chức của Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết. Đơn cử, một huyện ở tỉnh Hà Nam trong năm 2017 đã có quy định đám cưới chỉ mời tối đa 200 khách và cấm đem xe hơi và nhà làm quà cưới.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghi ngờ người dân khó thay đổi thái độ qua những mệnh lệnh như vậy.
“Những nghi lễ truyền thống này, đã được thực hành trong nhiều năm và ngày càng trở nên phổ biến, không thể bị cấm bởi một lệnh hành chính”, bà Xu Anqi, thuộc Học viện Khoa học Xã hội Thượng Hải cho biết.
Chuyên gia này cho rằng ủy ban đám cưới và tang lễ, được tạo ra ở các vùng nông thôn trong những năm gần đây để chống lại các nghi thức lãng phí chứng tỏ không phải là một giải pháp hiệu quả vì hầu hết không hoạt động.
Đây không phải là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc kêu gọi những thay đổi trong hành vi xã hội của công dân.
Đầu năm nay, chính quyền tỉnh Giang Tây ở phía Đông Nam đã áp dụng chính sách “không chôn cất”, quy định đám tang chỉ hỏa táng vì các nghĩa địa đều đã quá tải.
Tuy nhiên, điều này đã châm ngòi cho những phản ứng dữ dội ở các vùng của Trung Quốc, khi một số chính quyền địa phương “làm quá”, phá quan tài mà nhiều cư dân cao tuổi đã sử dụng tiền tiết kiệm của họ để mua.