Trung Quốc mới có vẻn vẹn 17 “cá mập yếu đuối” J-15

Thiên Nam |

Qua hàng chục năm trời phát triển, Trung Quốc mới sản xuất được vẻn vẹn 17 chiếc tiêm kích hạm J-15, hiện đang biên chế trên tàu sân bay Liêu Ninh.

Trung Quốc mới có khoảng 17 chiếc tiêm kích hạm J-15

Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc bị coi là bản sao kém chất lượng của dòng máy bay chiến đấu trên hạm của Liên Xô trước đây là Su-33 (hiện Nga đã thay thế bằng MiG-29K), hiện là loại tiêm kích hạm chủ lực trên tàu sân bay CV-16 Liêu Ninh của Trung Quốc.

Tàu sân bay này được tu sửa, nâng cấp từ tàu sân bay Varyag được Bắc Kinh mua lại từ Ukraine. Nó được Liên Xô khởi đóng ở nhà máy đóng tàu Nikolaiev-Crimea (thuộc Ukraine trước đây, nay thuộc Nga) trong thập niên 1980 và bị đình chỉ sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, khi nó còn chưa hoàn thiện.

Sau khi Nga từ chối bán tiêm kích hạm Su-33 cho Trung Quốc trong thập niên 90 của thế kỷ trước, cuối cùng Bắc Kinh cũng đã mua "chui" được 1 phiên bản huấn luyện Su-33 đã cũ của Ukraine là T-10K về mổ xẻ và học hỏi kỹ thuật, để cho ra đời "cá mập bay" J-15.

Dự kiến, J-15 và phiên bản nâng cấp của nó sẽ được sử dụng trên tàu sân bay Liêu Ninh và cả những hàng không mẫu hạm quốc nội mà nước này đang đóng (hiện đang đóng 2 chiếc và trong tương lai sẽ chế tạo ít nhất 3 chiếc).

Từ khi được đưa vào sử dụng đến nay, số lượng tiêm kích hạm được coi là phiên bản "nhái" của Su-33 mà Trung Quốc đã sản xuất được là một vấn đề bí ẩn, do không có những thông báo chính thức từ giới chức quân sự nước này.

Tuy nhiên, cư dân mạng Trung Quốc đã đưa ra những số liệu phân tích chính xác về số lượng J-15 đã được sản xuất, sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng số hiệu trên thân những chiếc máy bay đã xuất hiện.

Trung Quốc mới có vẻn vẹn 17 “cá mập yếu đuối” J-15  - Ảnh 1.

Nguyên mẫu thử nghiệm J-15 cất cánh trên tàu sân bay Liêu Ninh

Gần đây, trong các chuyên mục quân sự của Đài truyền hình trung ương Trung Quốc, chiếc tiêm kích hạm J-15 mang số hiệu 117 đã lần đầu tiên xuất hiện. Theo thống kê của cư dân mạng Trung Quốc, điều này cho thấy, ít nhất là nước này đã sản xuất được 17 chiếc J-15.

Theo thống kê, các máy bay thuộc loại sản xuất hàng loạt (phân biệt bởi màu sơn xám) đã xuất hiện 11 chiếc, bao gồm các số hiệu 100, 102, 103, 104, 105, 107, 108, 112, 113, 114, 117.

Cùng với các máy bay nguyên mẫu dùng để thử nghiệm kỹ thuật bao gồm 6 chiếc, được đánh số từ 551-556, lực lượng không quân của hải quân Trung Quốc đã sở hữu ít nhất là 17 chiếc tiêm kích hạm loại này.

Ngoài ra, Trung Quốc còn đang chế tạo một phiên bản J-15 hai chỗ ngồi, được định danh là J-15S. Thông thường các phiên bản dạng này được sử dụng trong công tác huấn luyện (giống như J-10 cũng có phiến bản huấn luyện 2 chỗ ngồi là J-10S), hoặc là các phiên bản đa nhiệm.

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ chiếc máy bay nào thuộc loại này lộ diện nên không có cách nào xác định được Trung Quốc đã sản xuất được bao nhiêu chiếc.

J-15 là bản sao kém chất lượng của Su-33 Liên Xô

Được biết, công tác nghiên cứu chế tạo tiêm kích hạm "Cá mập bay" J-15 đã được tiến hành trong 10 năm. Tiêm kích hạm J-15 của Trung Quốc được cho là sao chép từ máy bay cùng loại là Su-33 của Liên Xô, sản xuất trên nền tảng máy bay chiến đấu Su-27.

Moscow cảm thấy rất không hài lòng về vấn đề này, chuyên gia hàng không Nga cũng công khai chê bai máy bay chiến đấu J-15, bày tỏ hoài nghi về khả năng Trung Quốc sao chép được bộ phận quan trọng của Su-33 - mà chính loại máy bay cũng bị coi là tính năng kém.

Thực tế như thế nào vẫn còn phải chờ quan sát, nhưng khả năng tác chiến của máy bay chiến đấu J-15 của Trung Quốc sẽ không thể bằng nguyên bản Su-33, mà hiện nay Nga đã từ bỏ Su-33, chuyển sang sử dụng tiêm kích hạm rẻ hơn mà lại có tính năng tốt hơn là MiG-29K.

J-15 có chiều dài 21,9 m (72 ft), sải cánh: 14,7 m (48,25 ft), sải cánh khi gấp lại là 7,4 m (24,25 ft), chiều cao: 5,9 m (19,5 ft), diện tích cánh: 62,04 m2 (667,80 ft2).

Nó có trọng lượng không tải là 17.500 kg (38.600 lb), trọng lượng chất tải thông thường 27.000 kg (60.000 lb), trọng lượng cất cánh tối đa là 32.000 kg (71.000 lb).

J-15 sử dụng 2 động cơ máy bay phản lực đốt sau không điều khiển vector do nước này tự sản xuất là WS-10A Thái Hành, mỗi chiếc có lực đẩy ban đầu 89,17 kN (20.050 lbf) mỗi chiếc, sau khi đốt trong là 135 kN (33.000 lbf).

Loại động cơ này giúp J-15 có thể bay đạt vận tốc cực đại Mach 2,4, phạm vi tác chiến 3.500 km (2.050 mi), trần bay 20.000 m (65.700 ft), vận tốc leo cao 325 m/s (64.000 ft/phút).

Trung Quốc mới có vẻn vẹn 17 “cá mập yếu đuối” J-15  - Ảnh 2.

Phiên bản biên chế chính thức của J-15 trên tàu sân bay Liêu Ninh

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Nga và cả của Trung Quốc đều nhận định rằng, động cơ WS-10A của Trung Quốc thực tế có lực đẩy thấp hơn so với công bố, độ linh hoạt không cao, kém tin cậy nên tính năng thực tế của nó không đúng như công bố của Trung Quốc.

Về trang bị, J-15 có thể mang theo hơn 3 tấn vũ khí, bao gồm 1 pháo GSh-30-1 30 mm, 12 giá treo vũ khí, có thể mang theo tối 8 tên lửa không đối không PL-12 hoặc R-77 và 4 quả PL-9 hoặc R-73 hoặc mang tên lửa chống hạm và chống radar hoặc mang hỗn hợp cả tên lửa cùng với các loại bom. Ngoài ra, máy bay có thể mang theo các thiết bị đối kháng điện tử (ECM).

Tuy nhiên, do không có máy phóng, động cơ yếu nên J-15 không thể cất cánh với tải trọng hữu ích tầm 12 tấn. Đồng thời, do trọng lượng máy bay lớn nên cần mang tải nhiều nhiên liệu cho hành trình bay nên để bay đạt tầm bay tối đa là 700 km, J-15 chỉ mang được tối đa 2 tấn vũ khí.

Ngược lại, nếu mang tải tối đa vũ khí, J-15 sẽ phải giảm bớt lượng nhiên liệu, dẫn tới bán kinh tác chiến của nó sẽ rút ngắn đi một nửa. Với bất cứ tình huống nào, Trung Quốc cũng sẽ phải cần rất nhiều tiêm kích hạm J-15 cho một nhiệm vụ đơn nhất.

Do đó, tính năng thực tế của J-15 còn kém xa nguyên mẫu của nó là Su-33, chưa nói đến loại tiêm kích hạm thế hệ mới nhất, có tính năng hàng đầu thế giới của Nga và Ấn Độ là MiG-29K, có khả năng mang theo cả tên lửa hành trình chống hạm Kh-35UE.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại