Tờ China Daily đưa tin theo tuyên bố của Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, các đoàn kiểm tra sẽ được cử đến làm việc tại Quốc hội và Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân.
Ngoài ra, CCDI cũng sẽ cử đoàn kiểm tra tới các bộ như Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Văn phòng Kiểm toán Quốc gia cùng các cơ quan chính phủ phụ trách những vấn đề lập pháp và vấn đề liên quan đến Hong Kong, Macao và người Trung Quốc ở hải ngoại.
Một số cơ quan đảng như Ban Mặt trận thống nhất trung ương, Ban liên lạc đối ngoại trung ương cũng sẽ bị kiểm tra.
Ngoài ra, đoàn kiểm tra cũng sẽ tới làm việc tại các tỉnh Hồ Bắc, Giang Tây và Hồ Nam và tái thanh tra tỉnh Thiên Tân.
Trong buổi họp công bố chiến dịch mới hôm 22-6, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Wang Qishan cho biết các đoàn kiểm tra làm việc dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và sẽ tập trung vào các vấn đề như quá trình xây dựng đảng, các biện pháp chống tham nhũng và thực hiện chính sách của đảng và nhà nước tại các đơn vị.
Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) dẫn lời ông Wang Qishan nói: "Kiểm tra là cách thức quan trọng để tiến hành giám sát trong nội bộ đảng.
Các đoàn sẽ làm việc theo hướng dẫn của Chủ tịch Tập Cận Bình và kiểm tra xem những chính sách và nghị quyết của đảng có được thực thi theo hướng tuân thủ lãnh đạo của đảng hay không".
Theo SCMP, đây là đợt kiểm tra chống tham nhũng thứ 10 tại Trung Quốc, trong đó có cả Hong Kong và Macao, kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền vào cuối năm 2012. Sau đợt truy quét nạn chống tham nhũng gắt gao, hàng chục quan chức cấp cao đã sa lưới.
Quyết định tiến hành kiểm tra ở cả các đặc khu hành chính như Hong Kong hay Macao diễn ra chỉ vài ngày sau khi một quan chức Trung Quốc phụ trách các vấn đề về hai đặc khu này của Quốc vụ viện bị phát hiện đã vi phạm quy định khi mời bạn bè dùng bữa tại một khách sạn bằng tiền công.
Nhận xét về đợt kiểm tra mới nêu trên, nhà quan sát Johnny Lau Yui-siu nói:
"Đó là tín hiệu cho thấy chính phủ Trung Quốc thực sự coi vấn đề chống tham nhũng là một ưu tiên cần phải giải quyết và không có bộ ngành nào ngoại lệ.
Trong quá khứ, họ có thể không nhắm tới Văn phòng phụ trách các vấn đề Hong Kong và Macao hay Ủy ban về luật cơ bản của Hong Kong.
Tuy nhiên, điều này không đồng nghĩa với việc hai cơ quan này không có những vấn đề liên quan tới tham nhũng”.