Cờ Trung Quốc và cờ Na Uy. Ảnh: China Briefing.
5 năm trước, các nước Bắc Âu (trong bài này chỉ nói tới các nước Đan Mạch, Phần Lan, Na Uy và Thụy Điển) vẫn háo hức thúc đẩy quan hệ chặt chẽ hơn nữa với Trung Quốc. Mỗi nước Bắc Âu khi ấy đều tổ chức các cuộc gặp cấp cao thường xuyên với Trung Quốc, ký kết các bản ghi nhớ mới để mở rộng hợp tác song phương. Thậm chí các nước này còn cạnh tranh với nhau để thu hút đầu tư của Trung Quốc và hoan nghênh các sáng kiến đa phương do Trung Quốc dẫn dắt như là Ngân hàng Đầu tư Cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB) cũng như việc Trung Quốc tăng cường tham gia các hoạt động liên quan đến vùng Bắc cực.
Gió xoay chiều
Tuy nhiên, trong các năm gần đây, cách nhìn nhận của các nước Bắc Âu đối với Trung Quốc đã có sự thay đổi căn bản do các quan ngại liên quan đến an ninh và các vấn đề chính trị nhạy cảm. Bước phát triển này đặc biệt đáng lưu ý kể từ năm 2019 khi xảy ra cuộc tranh cãi về công ty viễn thông khổng lồ Huawei, vấn đề biểu tình ở Hong Kong và vấn đề Tân Cương.
Trên thực tế, họ đã xem Trung Quốc như một “đối thủ mang tính hệ thống” – thuật ngữ lần đầu được Ủy ban EU sử dụng vào tháng 3/2019, trong tài liệu về chiến lược đối với Trung Quốc. Gần đây cả chính quyền Phần Lan và Đan Mạch đều sử dụng thuật ngữ này để mô tả quan hệ giữa họ và Trung Quốc.
Đối với một số nước như Đan Mạch và Thụy Điển, trình trạng xấu đi tổng thể trong quan hệ với Trung Quốc đã trầm trọng hơn do các tranh cãi cụ thể với Trung Quốc.
Tại Đan Mạch, các lệnh trừng phạt của Trung Quốc áp đặt lên tổ chức phi chính phủ “Liên minh Dân chủ” có trụ sở ở Copenhagen đã làm xấu đi đáng kể quan hệ song phương.
Tại Thụy Điển, việc giới chức nước này thẳng thừng áp lệnh cấm lên hãng Huawei đã làm quan hệ giữa 2 nước xấu đi.
Chính phủ Phần Lan cũng đang ngày càng quan ngại về sự phát triển của Trung Quốc, thể hiện trong nhiều báo cáo chính thức. Vào năm 2021, người đứng đầu SUPO (cơ quan an ninh quốc gia của Phần Lan) đã cảnh báo về nguy cơ tiềm tàng từ Trung Quốc đối với cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Chính quyền Na Uy từng công khai cam kết vào năm 2016 “làm hết sức mình để tránh bất cứ tổn hại trong tương lai đối với quan hệ song phương” nhằm chấm dứt 6 năm bị Trung Quốc tẩy chay. Tuy nhiên, Na Uy gần đây đã vấp phải sự chỉ trích ngày càng tăng từ Đại sứ quán Trung Quốc ở Oslo do Na Uy đã xuất bản một số báo cáo của chính phủ bị Trung Quốc coi là “đầy thù địch với Trung Quốc và mang não trạng Chiến tranh Lạnh”.
Đại sứ quán Trung Quốc nói thêm rằng “tạo ra các kẻ thù tưởng tượng là cực kỳ thiếu trách nhiệm và nguy hiểm”.
Trung Quốc bị coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia
Các báo cáo đánh giá tình hình chính thức của các cơ quan an ninh quốc gia và tình báo quốc phòng các nước Bắc Âu giúp ta thấy được tình hình diễn biến gần đây trong quan hệ giữa đôi bên.
Vào năm 2017 (tức là cách đây 5 năm), Trung Quốc hầu như không bị đề cập với tư cách là mối đe dọa an ninh quốc gia trong các báo cáo này (ngoại trừ báo cáo của Đan Mạch). Tuy nhiên, hiện nay Trung Quốc ngày càng bị xem là một đối thủ với các ý đồ thù địch, thực tế này gieo rắc tâm lý thận trọng và thiếu tin tưởng vào quan hệ song phương giữa các nước Bắc Âu và Trung Quốc
Chẳng hạn, báo cáo của Thụy Điển nêu riêng Trung Quốc là “quốc gia thù địch nhắm tới mọi thứ của chúng ta từ quyền Hiến pháp và tự do đến Thịnh vương kinh tế, quá trình ra quyết định và chủ quyền lãnh thổ của chúng ta”.
Sau khi thay đổi cách nhìn nhận, các nước Bắc Âu đã lựa chọn các loại biện pháp đề phòng khác nhau để ngăn các công ty công nghệ của Trung Quốc như Huawei (Hoa Vi) tham gia phát triển cơ sở hạ tầng số trọng yếu của họ.
Cách đây vài năm, Huawei vẫn tham gia sâu vào việc phát triển và thử nghiệm các mạng lưới 5G trong quan hệ đối tác với các công ty viễn thông chính của Bắc Âu. Tuy nhiên, chính phủ Mỹ đã thực hiện một chiến dịch kiểm tra gắt gao đối với Huawei và rồi từ năm 2018, họ gia tăng áp lực lên các đồng minh Mỹ và đối tác để họ ngừng sử dụng thiết bị của Huawei. Trong bối cảnh ấy, các nước Bắc Âu cũng đã áp dụng nhiều chiến thuật khác nhau để đẩy Huawei ra khỏi các cơ sở hạ tầng số của họ.
Thí dụ, chính phủ Đan Mạch là nước Bắc Âu đầu tiên nghe theo Mỹ, công khai coi Huawei là một thách thức an ninh tiềm tàng vào cuối năm 2018 và đầu năm 2019 khi vấn đề an ninh 5G được đưa vào chương trình nghị sự công khai.
Đan Mạch đã huy động cơ quan tình báo quốc phòng để gây sức ép lên các nhà mạng di động chủ chốt trong nước, sau đó chính thức hóa vai trò của cơ quan này trong việc theo dõi mật và thực hiện phủ quyết đối với ngành viễn thông dựa trên cơ sở an ninh quốc gia. Từ đó Đan Mạch đã ngăn được Huawei khỏi tham gia vào các dự án cơ sở hạ tầng số của Đan Mạch và nước này không hề phải áp đặt một lệnh cấm toàn diện.
Một số nước khác xử lý vấn đề Huawei trên góc độ kỹ thuật-hành chính trong khuôn khổ pháp luật hiện hành.
Đề phòng cả hoạt động đầu tư và nghiên cứu của Trung Quốc
Ngoài ra, các chính phủ Bắc Âu cùng cảnh giác với các khoản đầu tư của Trung Quốc, đưa vào áp dụng các cơ chế giám sát đầu tư mới hoặc sửa đổi các luật hiện hành để cho phép giới chức địa phương lọc các khoản đầu tư nước ngoài thông qua lăng kính an ninh quốc gia.
Các mối quan ngại về an ninh thậm chí gần đây còn gây xáo trộn hợp tác nghiên cứu giữa đôi bên khi công chúng ồ ạt kêu gọi thắt chặt kiểm soát các vấn đề đó sau khi truyền thông thông tin về các mối quan hệ ngầm liên quan đến quân đội Trung Quốc và việc sử dụng sai các dự án nghiên cứu chung để củng cố biện pháp theo dõi của chính quyền Trung Quốc.
Trước đây các nước Bắc Âu chỉ đề cập nhẹ nhàng với Trung Quốc vấn đề nhân quyền. Nhưng nay họ nêu vấn đề này nhiều hơn hẳn.
Chẳng hạn, vào ngày 12/5/2021, các chính phủ Bắc Âu cùng với các đối tác Baltic đã ra thông cáo chung về “tình hình người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc Hồi giáo thiểu số gốc Turk ở Tân Cương”.
Bên cạnh đó, các nước này cũng thường xuyên nêu vấn đề biểu tình tại Hong Kong. Bắc Âu ủng hộ các tuyên bố của EU về vấn đề này.
Cho tới nay, vùng Bắc Âu đã gần như loại bỏ hoàn toàn các Viện Khổng Tử của Trung Quốc. Mới đây nhất, người ta cũng đã thông báo đóng cửa Viện Khổng Tử duy nhất của Phần Lan. Viện này trước đó nằm trong khuôn viên Đại học Helsinki.
Quan hệ giữa đôi bên ít khả năng sẽ sớm cải thiện do sự hiện diện của 2 động lực tiếp tục làm cho Trung Quốc và các nước Bắc Âu cách xa nhau.
Động lực thứ nhất là chính sách đối đầu của Mỹ đối với Trung Quốc, được áp dụng từ năm 2018. Động lực thứ hai là sự cứng rắn gia tăng của chính quyền Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình đối với các vấn đề Hong Kong và Tân Cương.
Hai nhân tố trên kết hợp lại tạo ra sự chia rẽ cấu trúc sâu rộng giữa Trung Quốc và các nước Bắc Âu./.