Một 'NATO' cho Trung Đông sẽ được thành lập?

Phước Hải |

Gần đây, thông tin về một liên minh quân sự Trung Đông mới như NATO đang được lan truyền.

Bản đồ khu vực Trung Đông.

Bản đồ khu vực Trung Đông.

"NATO Trung Đông" sẽ được thành lập?

Cuối tuần trước, Quốc vương Jordan, Abdullah II đã gây chú ý khi nói rằng ông sẽ ủng hộ một liên minh quân sự ở Trung Đông tương tự như NATO.

"Tôi sẽ là một trong những người đầu tiên ủng hộ một liên minh tương tự như NATO ở Trung Đông. Tất cả chúng ta đang đến gần với nhau. Làm thế nào chúng ta có thể giúp đỡ lẫn nhau", Quốc vương Abdullah II nói với hãng truyền thông Mỹ CNBC.

Những tin đồn tương tự về việc thành lập một "NATO Trung Đông" cũng đến từ các khu vực khác.

Đầu tuần trước, Bộ trưởng Quốc phòng Israel, Benny Gantz, cho biết nước này đã tham gia một mạng lưới mới do Mỹ dẫn đầu mà ông gọi là Liên minh Phòng không Trung Đông (MEAD). Ông Gantz không nêu cụ thể các quốc gia đối tác, chi tiết về các cuộc tấn công bị ngăn chặn cũng như cơ chế của liên minh này.

Sau đó, vào đầu tuần này, tờ The Wall Street Journal đã đưa tin về các cuộc họp bí mật được tổ chức tại Ai Cập chứng kiến các quan chức quân sự từ Israel, Ả Rập Xê Út, Qatar, Jordan, Ai Cập, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và Bahrain cùng nhau thảo luận về hợp tác quốc phòng.

Liên minh vì hòa bình?

Mỹ, một nước bảo đảm an ninh chính ở Trung Đông, đã dần rút khỏi khu vực trong vài năm nay, Ahmed el-Sayed Ahmed, một chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chính trị và Chiến lược Al-Ahram ở Ai Cập cho biết.

"Người Ả Rập ngày càng nhận thức được rằng sự phụ thuộc của các nước trong khu vực vào các cường quốc phương Tây đặc biệt là Mỹ ở trong quá khứ có thể đã không thành công", ông Ahmed nói.

Vì thế để có thể giải quyết vấn đề khu vực Trung Đông, ông Ahmed cho rằng bây giờ các nước cần có một cách tiếp cận khác để đối phó với các vấn đề khu vực nhằm đạt được sự ổn định và cải thiện nền kinh tế, đặc biệt là sau đại dịch Covid-19 và trong bối cảnh bất ổn do xung đột Ukraine gây ra. Đây cũng là vấn đề mà các quốc gia trong khu vực mong muốn.

Việc Israel tham gia cũng đáng chú ý. Các quốc gia Ả Rập lo ngại cuộc tấn công trên không từ Iran nếu các lực lượng ủy nhiệm thân Iran có thể "đánh cắp" khả năng phòng không tối tân của Israel.

Vì thế, ông Ahmed cho rằng nên đưa Israel vào một liên minh quân sự ở Trung Đông. Đây sẽ là cơ hội để Israel nhích lại gần lại hơn với các nước Ả Rập. Từ đó dẫn đến "bình thường hóa" quan hệ giữa Israel và một số quốc gia Ả Rập.

Một NATO cho Trung Đông sẽ được thành lập: Sự thật như thế nào? - Ảnh 1.

Quốc vương Jordan Abdullah cho biết ông sẽ ủng hộ việc hình thành một liên minh quân sự Trung Đông tương tự như NATO. Ảnh: Getty

Sẽ khó thành lập

Các chuyên gia cho rằng bất kỳ liên minh phòng thủ nào như vậy rất có thể sẽ bao gồm các quốc gia đã có mối quan hệ nào đó với Israel. Điều đó bao gồm các bên ký kết Hiệp định Abraham vào năm 2020 như UAE, Bahrain, Sudan và Morocco cũng như Jordan và Ai Cập, các quốc gia đã có quan hệ ngoại giao hiện có với Israel.

Ả Rập Xê Út, Oman, Qatar và Kuwait cũng có thể đóng một vai trò trong liên minh và Mỹ chắc chắn cũng sẽ tham gia với tư cách là người dẫn dắt.

Tuy nhiên, bất chấp tất cả những phỏng đoán, các nhà quan sát khuyên nên thận trọng với việc gia nhập liên minh quân sự này vì nếu các nước Trung Đông tham gia thì sẽ phải "trung thành" giống như một NATO thật sự.

"Cần có một sự thúc đẩy lớn hơn đối với sự hợp tác khu vực rộng lớn hơn vào lúc này. Nhưng tôi vẫn nghĩ rằng ý tưởng về một 'NATO Trung Đông’ này là một điều quá xa vời", Becca Wasser, nhà phân tích chính trị tại RAND Corporation có trụ sở ở Mỹ, nhận định.

"Ý tưởng về một 'NATO Trung Đông' đã được đưa ra nhiều lần. Nhưng cho đến ngày nay, nó chưa bao giờ được hình thành và tôi nghĩ rằng trong thời gian ngắn, liên minh này sẽ không được thành lập", bà Wasser cho biết thêm.

Nhiều nỗ lực, nhiều thất bại

Mỹ - một quốc gia bảo đảm an ninh lớn ở Trung Đông, đã khuyến khích kiểu hợp tác quốc phòng này trong nhiều thập kỷ.

Ví dụ, vào những năm 1950, đã có Tổ chức Hiệp ước Trung ương (CENTO) được thành lập để đối đầu với Liên Xô. Nhưng kết quả tổ chức này đã bị giải thể vào năm 1979 vì hoạt động không hiệu quả.

Về mặt hậu cần, có những vấn đề về khả năng tương tác, nghĩa là các quốc gia khác nhau sử dụng các hệ thống vũ khí và máy bay khác nhau.

Có những lo ngại rằng các quốc gia lớn hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn, như Ả Rập Xê Út hay Ai Cập, sẽ thống trị liên minh nếu được tham gia. Và không phải mọi quốc gia Ả Rập đều coi Iran là kẻ thù lớn nhất của mình chẳng hạn như Ai Cập.

Vấn đề Israel-Palestine cũng tiếp tục là một trở ngại lớn đối với các quốc gia Ả Rập khi nói đến hợp tác với Israel. Ví dụ, Ả Rập Xê Út đã từ chối thiết lập mối quan hệ chặt chẽ hơn với Israel vì điều này.

"Các thành viên vẫn không tin tưởng lẫn nhau và mối quan hệ chính trị giữa họ rất xấu và không chắc chắn, nếu không có sự bình thường hóa của Ả Rập Xê Út-Israel sẽ khá khó khăn để tiến triển", Cinzia Bianco, chuyên gia nghiên cứu về Ả Rập tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại châu Âu ở Berlin cho biết.

Becca Wasser, thành viên trong Chương trình Quốc phòng tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ cho biết vẫn còn những lo ngại và cạnh tranh giữa nhiều quốc gia ở Trung Đông, bao gồm cả giữa các quốc gia vùng Vịnh.

Một liên minh phòng thủ như NATO sẽ đòi hỏi phải chia sẻ nhiều thông tin tình báo và thông tin. Nhưng đối với nhiều quốc gia liên quan, điều đó vẫn cực kỳ nhạy cảm và họ coi đó là tác động đến chủ quyền của chính họ", bà Wasser cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại