Hôm 11-9 nhân dịp kỷ niệm 74 năm Quốc khánh Việt Nam tại Mỹ, Phó Trợ lý Tổng thống Pottinger nhấn mạnh quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ hiện trên đà phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Cũng tại sự kiện, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, ông David Stilwell, cho rằng hai nước đang cùng hợp tác xử lý các thách thức ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, trong đó có các thách thức an ninh khu vực, đóng góp duy trì một khu vực hòa bình và thịnh vượng. Trợ lý ngoại trưởng này cũng khẳng định cam kết của Mỹ ủng hộ một Việt Nam mạnh mẽ, độc lập và đảm nhận các vai trò quan trọng trên trường quốc tế giữa lúc căng thẳng trong khu vực.
Ông Gregory B. Poling, Giám đốc Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định các diễn biến căng thẳng gần đây tại biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang cố gắng ngăn chặn việc khai thác dầu khí của các nước láng giềng ở bất cứ nơi nào nằm trong đường 9 đoạn phi lý. Chuyên gia này cũng cảnh báo Philippines có thể phải đối mặt với tình trạng tương tự tại biển Đông.
Lo ngại chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte mềm mỏng với Trung Quốc, Phó Tổng thống Philippines Leni Robredo hôm 12-9 chỉ trích Tổng thống Duterte "cực kỳ vô trách nhiệm" khi ông cân nhắc bỏ qua phán quyết của tòa trọng tài quốc tế để đổi lấy thỏa thuận khí đốt với Trung Quốc. Theo hãng tin Reuters, bà Robredo cho rằng dù tham gia bất kỳ thỏa thuận nào cũng không nên trả giá bằng quyền lợi của đất nước.
Phó Tổng thống Philippines đưa ra phản ứng trên hai ngày sau khi ông Duterte cho biết Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đề nghị Manila bỏ qua phán quyết của tòa trọng tài quốc tế về vấn đề biển Đông để đổi lấy thỏa thuận khí đốt. Theo đó, ông Tập muốn Philippines phớt lờ phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực ở The Hague, đổi lại Trung Quốc sẽ đồng ý trở thành đối tác liên doanh để thăm dò và khai thác khí đốt trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Philippines.
Tham vọng của Trung Quốc còn được lộ rõ hôm 12-9 khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị cho biết Trung Quốc và Malaysia đồng ý thiết lập cơ chế đối thoại chung về biển Đông. Cơ chế đối thoại này được xem là động thái mới nhất của Bắc Kinh nhằm tìm cách giải quyết tranh chấp ở biển Đông trên cơ sở "một đối một".
Trước Malaysia, Trung Quốc từng có các thỏa thuận song phương tương tự với Philippines, Brunei và đang thúc đẩy Bộ Quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) với các nước ASEAN. Bản dự thảo COC đầu tiên được đưa ra vào tháng 8 năm ngoái và đến tháng 11 cùng năm, các bên liên quan đã cam kết hoàn thiện bộ quy tắc trước năm 2021.
Tuy nhiên đến nay, tiến độ diễn ra chậm chạp khi Bắc Kinh từ chối đưa ra một bộ luật ràng buộc về mặt pháp lý khiến các quốc gia khác lo ngại nó chỉ được dùng để tăng cường sự tin tưởng giả tạo trong khu vực mà không thể giải quyết tranh chấp.
Nhằm thách thức những hành động ngang ngược của Trung Quốc trong khu vực, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông), Hải quân Mỹ quyết định triển khai các tàu chiến tuần duyên (LCS) đã được nâng cấp đến châu Á. Chương trình nâng cấp LCS của Mỹ đã trở thành chủ đề gây chú ý khi USS Gabrielle Giffords, tàu chiến tuần duyên thứ 9, lên đường từ TP San Diego - Mỹ tới Singapore trong đợt triển khai luân phiên tại Tây Thái Bình Dương cùng một tàu chiến khác là USS Montgomery. Tàu USS Montgomery từng tham gia cuộc tập trận hàng hải giữa Mỹ và ASEAN hồi tháng 8.
Giới phân tích nhấn mạnh dù việc triển khai hai tàu chiến tuần duyên cùng một lúc là động thái đáng chú ý nhưng điều quan trọng hơn hết là USS Gabrielle Gifford là tàu tác chiến tuần duyên đầu tiên triển khai ra nước ngoài được trang bị tên lửa tấn công hải quân mới.