Biển Đông: Trung Quốc lôi kéo Philippines đi nước cờ nguy hiểm

ĐỖ THIỆN |

Nếu cú bắt tay giữa Bắc Kinh và Manila thành công, đó sẽ là một tiền lệ nguy hiểm không chỉ với Philippines mà còn với các nước trong khu vực.

Hôm 10-9, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte cho biết Chủ tịch Trung Quốc (TQ) Tập Cận Bình đã đề nghị dành cho Manila cổ phần kiểm soát liên doanh năng lượng ở biển Đông nếu họ gạt sang một bên phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế chống lại Bắc Kinh.

“Ông Tập Cận Bình đã nói rằng (Philippines) hãy gác các phán quyết của Tòa trọng tài sang một bên, sau đó cho phép mọi người kết nối với các công ty TQ để khai thác (dầu khí). Nếu có tài nguyên, các ông giữ 60%, còn lại của họ (phía TQ) chỉ 40%. Đó là lời hứa của ông Tập” - Văn phòng tổng thống dẫn lại lời của ông Duterte nói với báo chí.

Cách làm ăn chưa có tiền lệ

Nói về ý định của Philippines trước lời đề nghị của TQ, Tổng thống Duterte khẳng định ông sẽ lờ phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế, vốn bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của Bắc Kinh trên biển Đông, để hợp tác khai thác dầu khí với TQ, theo hãng tin Bloomberg.

Trước đó không lâu, chính quyền Duterte cũng xác nhận sẽ không nhắc lại phán quyết năm 2016 vụ Manila kiện TQ với Bắc Kinh. Tờ The Inquirer dẫn lời phát ngôn viên tổng thống Philippines - ông Salvador Panelo hôm 30-8 khẳng định quan điểm cứng rắn của TQ là tín hiệu để ông Duterte không nên đề cập đến vấn đề này trong các buổi làm việc trong tương lai. “(Chúng tôi) sẽ không nhắc đến nữa. Chúng tôi đã nói về (phán quyết) rồi. Chúng tôi không muốn lặp lại điều đó” - ông Panelo khẳng định.

Thực tế trong lịch sử, việc các nước gác lại tranh chấp để cùng nhau khai thác chung trên biển không phải hiếm, thậm chí được xem là một giải pháp hiệu quả. Ví dụ, hai quốc gia có các vùng biển chồng lấn về yêu sách, tức là có tranh chấp; hoặc hai quốc gia dù đã phân định biên giới trên biển nhưng có nguồn tài nguyên vắt ngang biên giới hai bên.

Khi đó các bên có thể dựa vào Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) thực hiện các biện pháp hợp tác khác nhau để khai thác nguồn tài nguyên.

Tuy nhiên, trường hợp “gác tranh chấp, cùng khai thác” kiểu TQ đang làm và lôi kéo Philippines tham gia thì chưa từng có tiền lệ. Lý do là TQ dựa vào yêu sách đường chín đoạn ôm gần hết biển Đông để đơn phương tạo tranh chấp.

Phần lớn các khu vực mà TQ dùng đủ sức ép để đề nghị “gác tranh chấp, khai thác chung” đều nằm trên khu vực thuộc EEZ hoặc thềm lục địa của nước khác, điển hình là Philippines và Việt Nam. Như vậy, chấp nhận “ăn chia” với TQ đồng nghĩa với việc thừa nhận có tranh chấp với TQ, qua đó gián tiếp thừa nhận sự hiện diện của yêu sách đường chín đoạn, vốn đã bị tòa bác từ năm 2016.

Biển Đông: Trung Quốc lôi kéo Philippines đi nước cờ nguy hiểm - Ảnh 1.

Tổng thống Duterte và Chủ tịch Tập Cận Bình. Ảnh: CANADIAN INQUIRER

Lờ phán quyết là lờ công lý

Đại sứ Philippines Chito Sta Romana nói với báo chí tại Bắc Kinh hồi cuối tháng 8-2019 rằng hợp đồng khai thác chung giữa TQ và Philippines phải tuân thủ: (i) Hiến pháp Philippines; (ii) UNCLOS và (iii) Hiến pháp TQ. Tuy nhiên, cho đến lúc này các chỉ dấu về ý định “ăn chia” 60/40 cho thấy đó là “bộ ba bất khả thi”.

Philippines dưới thời người tiền nhiệm ông Duterte được cộng đồng quốc tế đánh giá rất cao về chủ trương thượng tôn pháp luật, sẵn sàng đưa mâu thuẫn ra Tòa trọng tài để giải quyết.

Nước này theo đuổi vụ kiện nhiều năm liền, bất chấp Bắc Kinh nhiều lần đe dọa và duy trì chính sách bốn không: Không tham gia, không công nhận thẩm quyền của tòa, không chấp nhận và không thi hành phán quyết của tòa. Thành quả là Philippines thắng kiện và được đông đảo quốc gia trên thế giới lên tiếng ủng hộ.

Tuy nhiên, Philippines dưới thời ông Duterte lại chọn cách tiếp cận đổi phán quyết để nhận các lợi ích kinh tế. Quyết định lờ phán quyết của tòa đi ngược lại với quyết tâm đưa TQ ra công luận quốc tế phân xử mà Manila từng theo đuổi. Điều đó tạo ra nhiều rủi ro. Thứ nhất, Philippines đã để TQ bước đầu thành công trong việc biến vùng biển của quốc gia khác thành vùng biển tranh chấp, qua đó lật lại yêu sách đường chín đoạn.

Ngoài ra, lờ phán quyết của tòa tức lờ tính công lý UNCLOS sẽ ảnh hưởng đến quyết tâm chung của khối ASEAN trong việc giải quyết vấn đề biển Đông bằng luật pháp quốc tế. Cần nhớ rằng Bộ quy tắc ứng xử ở biển Đông (COC) giữa TQ và ASEAN phải được xây dựng dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế mà UNCLOS là một trong những cơ sở tham chiếu đặc biệt quan trọng.

Đối với chính quyền Duterte, lờ phán quyết và làm ăn với TQ sẽ đặt chính phủ vào tình thế khó khăn khi tham chiếu hiến pháp và luật pháp Philippines. Ngoài ra, việc dư luận Philippines phản đối có thể tạo ra bất ổn chính trị.

Bài học từ sự kiện TQ chiếm bãi cạn Scarborough năm 2012 cho thấy chỉ cần Manila sơ hở dù rất nhỏ, TQ ngay lập tức dùng vũ lực để cát cứ. Ông Duterte cần phải thấm thía bài học này nếu không muốn bị TQ tiếp tục mở rộng kiểm soát vùng biển bên trong đường chín đoạn phi pháp.

Tất cả quốc gia ven biển Đông cần có hành động và giải pháp làm giảm căng thẳng, đóng góp vào duy trì, thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn trong khu vực, bao gồm quyền của các nước ven biển trong vùng nước của mình cũng như quyền tự do lưu thông hàng hải, hàng không trên biển Đông.

Tuyên bố chung của ANH - PHÁP - ĐỨC hôm 29-8

Bộ Quốc phòng Mỹ quan ngại sâu sắc trước những nỗ lực tiếp diễn của TQ khi vi phạm trật tự quốc tế dựa trên quy tắc xuyên suốt khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (…) Các hành động của TQ cũng đi ngược lại với tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương rộng mở và tự do, nơi tất cả các nước dù lớn hay nhỏ đều được bảo đảm an ninh chủ quyền, không bị chèn ép và có thể theo đuổi tăng trưởng kinh tế phù hợp với các quy tắc và chuẩn mực được quốc tế công nhận.

Thông cáo của BỘ QUỐC PHÒNG MỸ hôm 26-8

Trong những tuần gần đây, TQ đã thực hiện một loạt bước đi gây hấn để can thiệp vào hoạt động kinh tế lâu đời của các nước ASEAN nhằm ép họ từ chối hợp tác với những công ty dầu khí nước ngoài và chỉ làm việc với doanh nghiệp nhà nước TQ (…) Hành động của TQ làm suy yếu hòa bình, an ninh khu vực và chứng minh sự coi thường của TQ đối với quyền của các quốc gia thực hiện hoạt động kinh tế trong EEZ của họ.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ MORGAN ORTAGUS hôm 22-8

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại