Trung Quốc lo ngại Anh xây căn cứ ở Đông Nam Á

Bình Giang |

Việc Anh có kế hoạch xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Đông Nam Á được giới phân tích ở Trung Quốc cho là sẽ càng làm phức tạp hơn tình hình ở khu vực vốn đã căng thẳng vì những tranh chấp chủ quyền trên biển và cạnh tranh địa chính trị giữa Bắc Kinh và Washington.

Kế hoạch Anh xây căn cứ hải quân ở Đông Nam Á được Bộ trưởng quốc phòng Gavin Williamson tiết lộ trong cuộc trả lời phỏng vấn báo Anh The Sunday Telegraph vào tuần này. Singapore và Brunei có thể được lựa chọn.

Nếu kế hoạch này được triển khai, giới phân tích ở Trung Quốc cho rằng sẽ phủ bóng lên quan hệ của Trung Quốc với các nước láng giềng châu Á và có thể sẽ khiến quan hệ Bắc Kinh và London căng thẳng hơn sau vụ một tàu chiến của Anh tiến gần quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) trên biển Đông.

“Đây rõ ràng là động thái phô trương sức mạnh cơ bắp nhằm vào Trung Quốc và cho thấy sự tham gia nhiều hơn của các cường quốc bên ngoài vào tranh chấp trên biển Đông”, báo SCMP dẫn lời ông Xu Liping, giáo sư tại Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Khoa học xã hội Trung Quốc.

Trung Quốc lo ngại Anh xây căn cứ ở Đông Nam Á  - Ảnh 1.

ộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson. (Ảnh: SCMP)

BBộ trưởng Williamson nói rằng Anh sẽ mở 2 căn cứ quân sự mới “trong vài năm tới ”, trong đó có 1 căn cứ ở Caribbean, nhằm giúp Anh trở lại vị trí “cường quốc toàn cầu thực sự” sau khi rời khỏi EU.

“Đây là thời điểm quan trọng nhất với đất nước chúng ta kể từ khi Thế chiến 2 kết thúc, khi có thể trở lại theo một cách khác, chúng ta có thể thực sự đóng vai trò trên vũ đài thế giới theo cách thế giới chờ đợi chúng ta”, ông Williamson nói.

Bước đi này sẽ đánh dấu bước chuyển về chính sách sau khi Anh rút khỏi các căn cứ quân sự ở Đông Nam Á và vịnh Ba Tư trong những năm 1960.

Ông Ni Lexiong, một chuyên gia về biển tại ĐH Luật và Khoa học chính trị Thượng Hải, cho rằng kế hoạch này của Anh là một bằng chứng nữa cho thấy Anh và các đồng minh chủ chốt khác của Mỹ đang ngày càng sát cánh hơn với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong chiến lược cứng rắn hơn với Trung Quốc.

“Đây là bước đi bổ sung cho chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương của Mỹ và Washington sẽ rất hài lòng” ông Ni nói về kế hoạch của Tổng thống Trump nhằm tăng cường hợp tác kinh tế và an ninh ở khu vực vào thời điểm quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp lịch sử.

Bắc Kinh lâu nay vẫn coi những hoạt động quân sự của Washington trên biển Đông tranh chấp là mối đe dọa đối với ổn định khu vực, và lo ngại chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương do Mỹ đi đầu là một phần trong nỗ lực của Washington nhằm kiềm chế tham vọng trở thành siêu cường của Trung Quốc.

Ông Xu cho rằng dù không hào hứng với việc đóng vai trò lãnh đạo toàn cầu khi ông Trump giương cao ngọn cờ “Mỹ là trên hết”, chính Washington nhưng đứng sau kế hoạch xây căn cứ quân sự mới của London.

“Anh ngày càng chủ động hơn trên biển Đông” vào thời điểm Mỹ có thể lo ngại việc đối đầu trực tiếp với Trung Quốc ở khu vực, ông Xu đánh giá.

Quan hệ Trung – Anh được mô tả là đang ở “kỷ nguyên vàng” cách đây vài năm, nhưng đã nguội lạnh sau khi Anh bắt đầu thách thức những đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc trên vùng biển đóng vai trò chiến lược quan trọng, giống như cách Mỹ đã và đang làm.

Bắc Kinh cho rằng Anh đã “khiêu khích” họ sau khi một tàu chiến của Anh cuối tháng 8 năm ngoái đi gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam mà Trung Quốc đang chiếm đóng nhằm khẳng định tự do hàng hải.

Kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự của Anh có thể là tin tốt với các nước đồng minh và đối tác của Mỹ ở khu vực, trong bối cảnh những nước này đang lo ngại vì Washington miễn cưỡng đóng vai trò dẫn dắt nhằm thách thức các hành động quyết liệt của Trung Quốc trên biển Đông.

Nhưng đối với Trung Quốc, kế hoạch này có thể là báo hiệu cho những thách thức gay gắt hơn đối với cân bằng an ninh khu vực, nguy cơ gia tăng căng thẳng hay thậm chí đối đầu, ông Ni nhận định.

Ông Xu còn cho rằng dù kế hoạch của Anh vẫn ở giai đoạn sớm nhưng sẽ thử thách quan hệ của Trung Quốc với Singapore và Brunei, hai nước từng là thuộc địa của Anh.

Bắc Kinh lâu nay luôn tìm cách lôi kéo Brunei bằng chương trình hợp tác kinh tế trong khuôn khổ sáng kiến Vành đai Con đường. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Brunei vào tháng 11 năm ngoái để thắt chặt quan hệ.

Trong khi đó, quan hệ của Trung Quốc với Singapore, nước không liên quan đến tranh chấp trên biển Đông, cũng bị thử thách trong vài năm gần đây khi Bắc Kinh cáo buộc Singapore đứng về phe Mỹ trong vấn đề biển Đông .

Các chuyên gia Trung Quốc còn nghi ngờ tính khả thi của dự án xây căn cứ hải quân mới của Anh.

Dù Anh có tham vọng khôi phục địa vị ảnh hưởng toàn cầu, ông Ni cho rằng vẫn phải chờ xem liệu London có đủ khả năng chi trả cho các căn cứ ở nước ngoài không khi nước này vẫn đang chật vật duy trì ngân sách bảo đảm năng lực răn đe quốc phòng mạnh.

Chi tiêu quốc phòng của Anh tăng nhẹ trong năm 2018 nhưng quân đội Anh đã giảm gần một nửa kể từ sau Thế chiến 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại