Trung Quốc lo Hàn Quốc "mở cửa" cho Nhật ở bán đảo Triều Tiên

Hải Võ |

Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin Quân sự (GSOMIA) mà Nhật Bản và Hàn Quốc "suýt ký" năm 2012 đang trở lại là vấn đề nóng trong vài ngày qua.

Tờ Dong-A Ilbo ngày 19/10 cho hay, GSOMIA giữa Nhật Bản và Hàn Quốc cho đến nay vẫn ở những bước đầu tiên.

Những ngày vừa qua, trên truyền thông Hàn Quốc rộ lên quan điểm kêu gọi chính phủ Tổng thống Park Geun Hye xem xét chấp nhận thỏa thuận với Tokyo, nhằm củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật-Hàn.

Năm 2012, chính phủ hai nước đã sẵn sàng ký GSOMIA, nhưng Seoul đã hoãn việc này vào phút chót do vấp phải sự phản đối của công chúng vì vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo Dokdo/Takeshima. Cho đến nay, Washington và Tokyo vẫn hối thúc phía Hàn ký kết thỏa thuận.

Đối với chính phủ Hàn Quốc, tiếp nhận GSOMIA nghĩa là Seoul chấp thuận máy bay quân sự của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản (JSDF) hiện diện trên không phận bán đảo Triều Tiên.

Dong-A phân tích, củng cố quan hệ hợp tác Mỹ-Nhật-Hàn là điều kiện tiên quyết để đối phó với "mối đe dọa gia tăng" từ chương trình hạt nhân của CHDCND Triều Tiên. 

Tờ này thừa nhận, trên thực tế nếu không có sự phối hợp của Tokyo, Mỹ và Hàn Quốc không có khả năng chiến thắng trong cuộc đối đầu Bình Nhưỡng cùng "đồng minh lớn" Trung Quốc.

Hãng Yonhap (Hàn Quốc) cũng cho rằng, Seoul không thể "chia sẻ tình báo" một cách tích cực với Tokyo sẽ là cục diện đáng tiếc.

Nguồn tin từ chính phủ Hàn Quốc cho hay, hồi tháng 9 vừa qua chiến đấu cơ của Nhật đã "gần" tiến vào không phận Hàn Quốc, khi Mỹ đề nghị chiến đấu cơ 3 nước cùng bay ngày 13/9 để phô trương "tinh thần đoàn kết" và gây sức ép lên Bình Nhưỡng sau vụ thử hạt nhân hôm 9/9.

Tuy nhiên Seoul đã kêu gọi 2 máy bay của quân đội Nhật không xâm nhập không phận Hàn Quốc để tránh gây ảnh hưởng xấu trong dư luận.

Trung Quốc lo Hàn Quốc mở cửa cho Nhật ở bán đảo Triều Tiên - Ảnh 1.

Từ trái qua: Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung Se cùng người đồng cấp Nhật Fumio Kishida và Mỹ, ông John Kery trong cuộc gặp ở New York hôm 18/9/2016. (Ảnh: AP)

Trang Đa Chiều (Mỹ) cho hay, trước đó ở Hàn Quốc có nhiều quan điểm lo ngại rằng nếu Nhật Bản được phép thực thi "quyền tự vệ" ở Hàn Quốc thì JSDF sẽ được quyền triển khai binh sĩ trên bán đảo Triều Tiên trong tình huống khẩn cấp, thậm chí tham gia hành động tác chiến khi có sự kêu gọi từ Mỹ.

Trong bối cảnh Trung Quốc "bắt tay" Nga phản đối triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ tại Hàn Quốc và dọa trả đũa, việc Washington kỳ vọng khuôn khổ liên minh 3 nước sẽ bao gồm JSDF hiện diện trên bán đảo đã trở thành một viễn cảnh thiết thực.

Điều này khiến chính phủ của bà Park Geun Hye khó có thể phớt lờ GSOMIA thêm nữa bởi chính Seoul đã gánh chịu những hậu quả kinh tế đầu tiên từ các biện pháp hạn chế thương mại, du lịch mà Bắc Kinh ban hành.

Không thể phủ nhận, "trục trặc" quan hệ Seoul-Tokyo khiến liên minh Mỹ-Nhật-Hàn không thể hợp tác đối phó Nga-Trung là điều khiến Mỹ nuối tiếc.

Vào thời điểm "nhạy cảm" này, quyết định ký kết GSOMIA với Nhật Bản nhiều khả năng sẽ tạo ra bước ngoặt quan trọng.

Một mặt, Seoul tiến thêm một bước trong tháo gỡ căng thẳng với Tokyo. Mặt khác, động thái này có thể gây sức ép lên Trung Quốc và buộc Bắc Kinh phải tính toán lại về chính sách với Hàn, bởi nước này hoàn toàn không hy vọng có thêm một lực lượng đáng gờm xuất hiện trên bán đảo Triều Tiên.

Tổng thống Park Geun Hye dự kiến thăm Nhật vào tháng 12 tới và Tokyo đã có ý định thúc đẩy ký kết GSOMIA, nhưng giữa hai bên vẫn còn trở ngại lớn trong vấn đề "úy an phụ".

Ngoại trưởng hai nước đã đạt được thoả thuận đột phá vào cuối tháng 12/2015, bao gồm một lời xin lỗi bằng văn bản từ Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và cam kết của Tokyo cung cấp 8,9 triệu USD cho một quỹ do Seoul thành lập nhằm giúp đỡ những nạn nhân còn sống.

Thỏa thuận vẫn chưa được thực thi triệt để. Hôm 3/10 vừa qua, ông Abe vẫn nói trước Ủy ban ngân sách Thượng viện Nhật rằng ông không có ý định "gửi thư xin lỗi" Hàn Quốc về vấn đề "úy an phụ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại