Các nhà du hành không gian của Trung Quốc đang cố gắng làm được việc mà Matt Damon đã làm được tại phòng thí nghiệm viễn tưởng của ông trong phim The Martian (tạm dịch: Người về từ sao Hỏa) – đó là trồng cây trong không gian.
Lần đầu tiên trong lịch sử, các nhà chức trách quản lý chương trình không gian của Trung Quốc có kế hoạch trồng khoai tây và nuôi giun trên mặt trăng. Thông tin này được đăng tải trên tờ Chongqing Morning Post (một tờ báo uy tín tại Trung Quốc) hôm thứ Ba.
Một thùng chứa sinh thái nhỏ 3kg của nhóm nghiên cứu do Trường đại học Trùng Khánh dẫn đầu sẽ được vận chuyển tới mặt trăng bằng tàu thăm dò mặt trăng Chang’e 4 (dự kiến sẽ thực hiện chuyến bay vào năm 2018).
Zhang Yuanxun, nhà thiết kế chính của chiếc thùng chứa này cho biết:
“Thùng chứa sẽ gửi khoai tây, hạt arabidopsis và trứng tằm đến bề mặt của mặt trăng. Các trứng sẽ nở thành tằm, có thể sản sinh ra khí các-bon dioxit, trong khi khoai tây và hạt giống thải ra oxy thông qua quang hợp. Cùng nhau, chúng có thể thiết lập một hệ sinh thái đơn giản trên mặt trăng”.
Trong bộ phim The Martian năm 2015, Damon đóng vai một phi hành gia sống sót qua bốn năm trên sao Hỏa bằng cách trồng khoai tây trên hành tinh này.
Theo Zhang, tham vọng của Trung Quốc là trồng cây trên mặt trăng. Kiểm soát nhiệt độ và cung cấp năng lượng là những thách thức lớn nhất đối với việc thiết lập một hệ sinh thái ở đó.
Nhiệt độ thích hợp để cây cối và côn trùng tồn tại và phát triển là từ 1 đến 30 độ Celsius. Nhưng nhiệt độ bề mặt mặt trăng trung bình là -170 độ C vào ban đêm và 120 độ C vào ban ngày.
Để giải quyết vấn đề này, thùng chứa sẽ được trang bị một lớp cách điện và các ống dẫn ánh sáng để đảm bảo sự phát triển của cây cối và côn trùng bên trong. Pin được thiết kế đặc biệt để lắp đặt và cung cấp năng lượng thích hợp cho thùng chứa.
Xie Gengxin, nhà thiết kế chính của dự án cho biết thêm nhiệm vụ của họ là chuẩn bị cho việc đổ bộ mặt trăng trong tương lai và người dân có thể sống tại đây. Ông nói: “Chúng tôi sẽ phát trực tiếp sự phát triển của thực vật và côn trùng trên mặt trăng đến toàn thế giới”.
Nguồn: Scmp