Trung Quốc lập danh sách ‘thực thể nước ngoài không đáng tin cậy’, doanh nghiệp Mỹ lo lắng

PHƯƠNG ANH |

Bộ Thương mại Trung Quốc đang soạn thảo một danh sách các thực thể nước ngoài không đáng tin cậy, sau khi Mỹ đưa 70 công ty Trung Quốc vào danh sách đen.

Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết hôm 31/5 rằng họ đang làm việc về một "danh sách thực thể không đáng tin cậy" - bao gồm một nhóm các cá nhân và thực thể nước ngoài bị coi là làm hại đến các công ty Trung Quốc. Động thái "học hỏi" quyết định đưa 70 công ty Trung Quốc vào danh sách đen của Mỹ, bao gồm cả công ty viễn thông khổng lồ Huawei.

Bộ cho biết sẽ sớm nêu thông tin chi tiết, xác định những người vi phạm các quy tắc thị trường và nghĩa vụ hợp đồng. Họ cũng sẽ chỉ ra các bên thực hiện các biện pháp phân biệt đối xử, chẳng hạn như tẩy chay để gây tổn hại đến quyền và lợi ích kinh doanh của Trung Quốc, hoặc đặt ra các mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Trung Quốc.

Wang Hejun, một quan chức cấp cao của Bộ, cho biết danh sách này có thể được thay đổi theo thời gian và những người có tên sẽ có quyền tự bào chữa.

Hội đồng Thông tin Nhà nước Trung Quốc cho biết trong một tuyên bố vài giờ sau khi mức tăng thuế trả đũa được thực thi, rằng Trung Quốc sẽ đưa ra quan điểm về đàm phán thương mại với Mỹ trong một sách trắng và tổ chức một cuộc họp báo hiếm hoi về vấn đề này vào lúc 10 giờ sáng 2/6 (giờ địa phương). Thứ trưởng Bộ Thương mại Wang Shouwen cũng sẽ trả lời các câu hỏi, theo tuyên bố.

Các nhà quan sát cho biết, hơn cả thuế quan, Trung Quốc sẽ tìm ra những cách khác để đánh trả trong các cuộc chiến thương mại và công nghệ với Mỹ, khiến các công ty Mỹ ở Trung Quốc có nguy cơ cao bị vướng vào xung đột.

Hôm 1/6, mức thuế cao hơn của Bắc Kinh đối với khoảng 60 tỷ USD các sản phẩm của Mỹ có hiệu lực, một động thái được thực hiện để đáp lại quyết định của Washington về việc tăng thuế đối với 200 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Giáo sư quan hệ quốc tế của Đại học Renmin, Shi Yinhong cho biết Trung Quốc buộc phải xem xét các biện pháp phi thuế quan vì không thể theo kịp Mỹ về thuế nhập khẩu.

"Tất cả những biện pháp đều có hai mặt. Nếu chúng tôi đi quá xa, điều đó có thể làm tổn thương những nỗ lực của Trung Quốc để thu hút vốn nước ngoài và mở cửa. Nhưng tại thời điểm này, điều quan trọng nhất là đánh trả và trả đũa trong cuộc chiến thương mại với Mỹ", ông Shi nói.

Một doanh nhân người Mỹ sống ở Trung Quốc hàng chục năm cho biết Bắc Kinh có thể sử dụng tiềm năng thị trường của đất nước này làm đòn bẩy. Ông nói rằng Bắc Kinh hiểu tầm quan trọng của đầu tư nước ngoài đối với nền kinh tế của mình, và các công ty nước ngoài sẽ không muốn từ bỏ các cơ hội thị trường lớn trong nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Các nguồn tin cho biết các quan chức Trung Quốc tìm kiếm sự hỗ trợ từ các công ty Mỹ khi cuộc chiến thuế quan nổ ra vào mùa hè năm 2018, nhưng quá trình liên lạc từ đó suy giảm. Hầu hết các công ty Mỹ không đồng ý với chính quyền Mỹ về việc sử dụng thuế quan trừng phạt, nhưng họ hy vọng Tổng thống Mỹ Donald Trump có thể buộc Trung Quốc thực hiện các thay đổi cơ cấu đáng kể.

Lu Xiang, chuyên gia về Mỹ thuộc Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc, cho biết danh sách thực thể không đáng tin cậy của Trung Quốc sẽ không chỉ là một cảnh báo cho các công ty Mỹ, với các biện pháp trừng phạt có thể giáng một đòn chí mạng vào các công ty này. "Hầu hết các sản phẩm của Mỹ tại Trung Quốc đều không phải là không thay thế được. Thị phần của họ có thể nhanh chóng rơi vào tay người khác", ông Lu nói. Những tổn thất cho các công ty Mỹ sẽ không thể đảo ngược.

Ông nói rằng hành động của Mỹ đối với Huawei và các công ty công nghệ khác của Trung Quốc vượt ra ngoài phạm vi thương mại, cho phép Trung Quốc mở rộng các biện pháp đối phó bên cạnh thuế quan. "Trung Quốc từng bị hạn chế trong hành động của mình và chân thành trong việc bảo vệ các công ty nước ngoài bao gồm các công ty Mỹ. Tuy nhiên, sự leo thang hơn nữa của căng thẳng chắc chắn sẽ làm tổn thương một số người trong số họ".

Video: Mỹ tự tin thắng trong chiến tranh thương mại

Video: Mỹ tự tin thắng trong chiến tranh thương mại

Hy vọng giảm căng thẳng trở nên mờ nhạt dù cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có thể diễn ra bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 tại Nhật Bản. Một đại diện Mỹ cho biết chưa có sự chuẩn bị nào cho các cuộc đàm phán thực sự giữa ông Trump và ông Tập, và triển vọng tốt nhất sẽ là một thỏa thuận nối lại đàm phán.

He Weiwen, cựu cố vấn kinh tế và thương mại tại lãnh sự quán Trung Quốc ở New York và San Francisco, cho biết Mỹ sẽ cần thể hiện sự chân thành và tôn trọng để trở lại bàn thảo luận. "Mỹ không được lạm dụng an ninh quốc gia để đưa các công ty Trung Quốc vào danh sách đen. Quả bóng đang ở sân của Mỹ. Nếu họ muốn leo thang tình hình, chúng tôi không ngại chiến đấu"- ông He nói.

Theo SCMP, hai nguồn tin chính phủ cho biết giới lãnh đạo cao nhất đã ra lệnh cho các cơ quan chức năng chuẩn bị cho cuộc đối đầu toàn diện với Mỹ, bao gồm cả tác động tẩy chay công nghệ và thất nghiệp.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại