Người đàn ông rải cánh hoa lên biển trong lễ hải táng tại Thiên Tân, Trung Quốc. Ảnh: Guardian
Nhưng trong vài năm trở lại đây, địa điểm kinh doanh của Xiao Hu lại thu hút kiểu khách hàng mới, bắt nguồn từ việc nơi đây khá gần biển và Phổ Đà Sơn - được mệnh danh là một trong tứ đại danh sơn Phật giáo ở Trung Quốc.
Lần đầu tiên khi một khách hàng đề nghị thuê thuyền để rải tro cốt người thân xuống biển, Xiao Hu đã từ chối. Khi đó cô cảm thấy không thoải mái. Nhưng sau đó, một người đàn ông lớn tuổi nhiều lần đề nghị phía công ty của Xiao Hu giúp thực hiện hải táng cho ông. Sau khi cân nhắc, Xiao Hu quyết định "giúp ước nguyện của ông thành sự thật".
Từ tháng 3/2022, Xiao Hu tự mở công ty riêng và không còn làm cho gia đình. Công ty của cô tập trung vào xu hướng quan tâm ngày càng tăng đến hải táng tại Trung Quốc. Cô thường ra biển 2-3 lần/tuần nhưng trong những giai đoạn bận rộn có thể lên đến 30 lần/tháng. Sau khi cựu Chủ tịch Trung Quốc Giang Trạch Dân qua đời và tro cốt của ông được rải tại sông Dương Tử vào tháng 12/2022, công ty của Xiao Hu nhận được yêu cầu tăng gấp 3 lần.
Tờ Guardian (Anh) cho biết trong những năm gần đây, tình trạng đô thị hóa nhanh và dân số già hóa đã khiến các nghĩa trang, đặc biệt ở thành phố, ngày càng khan hiếm chỗ trống. Một vị trí tại nghĩa trang có thể đạt mức giá trên 100.000 nhân dân tệ (14.550 USD). Giới chức Thượng Hải dự đoán rằng dựa trên xu thế chôn cất hiện nay, các nghĩa trang sẽ cạn kiệt chỗ trống trong vòng 15 năm.
Trung Quốc đại lục ghi nhận 10,41 triệu người tử vong trong năm 2022. Tính đến cuối năm 2021, dân số trên 60 tuổi chiếm 18,9% tổng dân số Trung Quốc. Theo Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, tỷ lệ này dự kiến đến năm 2035 sẽ vượt 30%.
Trước thực trạng này, chính phủ Trung Quốc bắt đầu khuyến khích người dân lựa chọn các giải pháp mai táng thay thế khác. Theo Bộ Dân chính Trung Quốc, vào năm 2021, tỷ lệ hỏa táng tại nước này đạt gần 59%, tăng so với mức 47% của năm 2015. Tuy nhiên, tro cốt người đã khuất vẫn được chôn tại các nghĩa trang. Do đó, một số chính quyền địa phương đã bắt đầu hỗ trợ tiền cho những người lựa chọn rải tro cốt người thân trên biển hoặc chôn theo phương thức "sinh thái học" như trong các hộp đựng phân hủy sinh học.
Một buổi lễ hải táng tại Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh (Trung Quốc). Ảnh: Guardian
Tờ Global Times đưa tin một số thành phố tại Trung Quốc đã lên kế hoạch tổ chức hải táng nhóm trong tháng 4 và tháng 5 với phí dịch vụ do cơ quan dân chính địa phương đảm nhận để quảng bá chôn cất thân thiện môi trường.
Chính quyền thành phố Tô Châu, tỉnh Giang Tô gần đây đã thuê một chiếc thuyền để chở gia quyến của người quá cố ra biển từ biệt với 79 người mới khuất. Mỗi gia quyến được nhận 2.000 nhân dân tệ trợ cấp khi tham gia chương trình này.
Thành phố Hohhot tại Khu tự trị Nội Mông sẽ tổ chức lễ hải táng nhóm từ 9-10/5 trên biển gần thành phố Thanh Đảo, tỉnh Sơn Đông. Cơ quan dân chính thành phố Hohhot cho biết người tham gia chỉ cần trả phí vận tải và chỗ ở, còn tất cả các chi phí liên quan đến hải táng sẽ do cơ quan này chi trả.
Tỉnh Thiểm Tây cũng dự định tổ chức hải táng nhóm đầu tiên vào cuối tháng 4 tại Thanh Đảo. Người dân thành phố Tây An, tỉnh Thiểm Tây không phải trả phí dịch vụ và thậm chí còn được nhận 5.000 nhân dân tệ (725 USD) trợ cấp khi tham gia. Trong khi người dân từ những khu vực khác của Thiểm Tây có thể đăng ký nhận trợ cấp từ cơ quan dân chính địa phương.
Thành phố Tế Nam, tỉnh Sơn Đông vào 20/4 đã tổ chức hải táng cho 91 cư dân địa phương qua đời. Các thành phố ven biển như Thanh Đảo, Phúc Châu và Đại Liên đều cung cấp dịch vụ hải táng miễn phí và thường xuyên cho người dân địa phương kèm trợ cấp chi phí để khuyến khích tập tục chôn cất thân thiện môi trường.
Đối với những người lựa chọn hải táng riêng như với công ty của Xiao Hu, chi phí có thể lên tới 10.000 nhân dân tệ. Tuy nhiên, mức phí này vẫn khá rẻ so với chôn cất trên đất liền.
Các chuyên gia cho biết Trung Quốc đã quảng bá mai táng xanh trong nhiều năm và bảo vệ môi trường bằng việc giảm sử dụng vật liệu đá không phân hủy được.
Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chính sách Dân số và Phát triển thuộc Đại học Fudan – ông Peng Xizhe ngày 23/4 nhận định với tờ Global Times rằng việc khuyến khích người dân chọn mai táng xanh đồng nghĩa với giảm lượng đất trồng trọt sử dụng trong chôn cất truyền thống. Điều này sẽ giúp duy trì khu vực đất nông nghiệp của Trung Quốc trên lằn ranh đỏ 120 triệu ha.