Tào Tháo quý trọng hiền tài vẫn nhất quyết xử tử "thần đồng" 17 tuổi: Sau khi cha nói một câu, Tào Phi mới hiểu

Minh Hằng |

Tào Tháo nổi tiếng trong Tam Quốc là người quý trọng nhân tài. Tuy nhiên, vị quân chủ này vẫn thẳng tay xử tử "thần đồng" 17 tuổi. Điều này ắt hẳn phải có nguyên nhân.

Tào Tháo là một chính trị gia, nhà quân sự nổi tiếng vào cuối thời Đông Hán và thời Tam Quốc. Ông cũng chính là người đã đặt cơ sở cho thế lực quân sự cát cứ ở phương Bắc Trung Quốc, lập nên chính quyền Tào Ngụy thời Tam Quốc.

Tào Tháo là một trong ba "ông chủ" quyền lực nhất thời Tam Quốc, bên cạnh Lưu Bị và Tôn Quyền. Xuất phát điểm có nhiều thuận lợi, ngoài tài thao lược, mưu trí cả về chính trị và quân sự, một trong những bí quyết thành công của Tào Tháo trong quá trình gây dựng cơ nghiệp là vị quân chủ này đã chiêu mộ được rất nhiều nhân tài. Lúc sinh thời, Tào Tháo rất khao khát chiêu mộ nhân tài, ngay cả khi họ từng là kẻ thù.

Tuy nhiên, Tào Tháo lại có một nhược điểm chí mạng, đó là quá đa nghi. Vị quân chủ này thà "giết nhầm" một số nhân tài mà ông nghi ngờ, còn hơn là để họ ngầm phát triển và ảnh hưởng tới đại nghiệp thống nhất thiên hạ của mình.

"Thần đồng" 17 tuổi từng khiến Tào Tháo tán thưởng

Trong số này, có một nhân tài đặc biệt chỉ mới 17 tuổi nhưng Tào Tháo vẫn nhất quyết diệt trừ để tránh hậu họa về sau. Người này chính là Chu Bất Nghi, người được coi như "thần đồng" hiếm có lúc bấy giờ. Chu Bất Nghi là cháu của quan Biệt giá Lưu Tiên dưới trướng của Lưu Biểu.

Thông minh hơn người, Chu Bất Nghi được Lưu Tiên gửi gắm đến thụ giáo Lưu Ba, người trở thành Thượng thư của nhà Thục Hán sau này. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, Lưu Ba phải thừa nhận rằng ông không đủ tài năng để truyền thụ cho Chu Bất Nghi.

Tào Tháo sau khi biết tới Chu Bất Nghi, còn so sánh nhân tài này không kém con trai thiên tài là Tào Xung. Do đó, ông đã tạo điều kiện cho Chu Bất Nghi được tiếp xúc và trở thành bạn thân của Tào Xung.

Tào Tháo quý trọng hiền tài vẫn nhất quyết xử tử thần đồng 17 tuổi: Sau khi cha nói một câu, Tào Phi mới hiểu - Ảnh 1.

Tào Xung là con trai rất thông minh của Tào Tháo, được coi như "thần đồng" trong Tam Quốc.

Tào Tháo có rất nhiều con trai. Tuy nhiên, khi còn sống, Tào Tháo tâm đắc nhất với hai người con. Cụ thể, một người là Tào Phi, người sau này trở thành hoàng đế lập ra nhà Tào Ngụy. Một người còn lại là Tào Xung, được coi là "thần đồng" thời Tam Quốc. Tuy nhiên, đến năm 208, Tào Xung lại bất ngờ mắc bệnh nặng một cách kỳ lạ và qua đời khi mới 12 tuổi. Tào Tháo từng đích thân cầu trời cứu mạng cho con trai mình. Tuy nhiên, người con trai tài hoa này lại không may qua đời.

Khi Tào Xung chết, Tào Tháo đã vô cùng đau buồn. Bởi Tào Xung tuy là người ít tuổi nhất trong số những người con tài hoa của Tào Tháo, nhưng lại là đứa con tài năng nổi tiếng thông minh khiến ông yêu quý và hãnh diện nhất.

Khi Tào Phi an ủi cha, Tào Tháo nói rằng: "Đây là bất hạnh của ta, nhưng lại là may mắn của các ngươi". Vừa nói câu này, ông vừa rơi nước mắt. Câu nói này cũng cho thấy rằng Tào Tháo ban đầu quả thực từng cân nhắc tới việc chọn Tào Xung làm người thừa kế, mặc dù cậu con trai này không phải là con trưởng.

Tào Tháo quý trọng hiền tài vẫn nhất quyết xử tử thần đồng 17 tuổi: Sau khi cha nói một câu, Tào Phi mới hiểu - Ảnh 3.

Tào Tháo từng rất đau buồn trước sự ra đi của Tào Xung khi còn quá trẻ.

Việc Tào Xung xuất chúng như vậy lại đột ngột qua đời đương nhiên cũng có lợi rất nhiều với Tào Phi trong cuộc chạy đua để trở thành người kế nghiệp của Tào gia.

Vì Tào Xung qua đời khi còn quá trẻ nên Tào Tháo đau khổ vô cùng, đặc biệt là việc chưa cưới vợ cho con trai khi còn sống.

Do con gái của Tư không Bỉnh Nguyên cũng vừa mới chết yểu cách đó không lâu, nên Tào Tháo bèn đề nghị cho hai nhà làm thông gia, để hai con hợp táng, kết nghĩa vợ chồng. Tuy nhiên, Bỉnh Nguyên đã không đồng ý. Thời gian sau đó, khi nghe nói nhà hộ Chân cũng có một con gái chết yểu nên Tào Tháo đã đến xin. Hai bên gia đình đã chọn ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới và sau đó hợp táng cho hai đứa trẻ.

Vì sao Tào Tháo nhất quyết giết chết kỳ tài hiếm có?

Lúc còn sống, Tào Xung và Chu Bất Nghi là bạn thân. Chu Bất Nghi cũng thông minh chẳng kém người con "thần đồng" của Tào Tháo là Tào Xung.

Do đó, sau khi Tào Xung qua đời, Chu Bất Nghi đang là "thần đồng" bỗng nhanh chóng trở thành "cái gai" đối với Tào Tháo. Điều này quả thực mâu thuẫn với một người nổi tiếng yêu mến hiền tài như Tào Tháo.

Tuy nhiên, việc Tào Tháo quyết định trừ khử Chu Bất Nghi hóa ra là có nguyên nhân sâu xa.

Sau khi biết tin Tào Tháo đang lên kế hoạch để trừ khử Chu Bất Nghi, Tào Phi đã vội chạy tới ngăn cản cha mình. Tuy nhiên, Tào Tháo trách mắng rằng: "Kẻ này vốn không phải là người mà con có thể khống chế".

Nghe xong câu này, Tào Phi mới hiểu ra ý đồ của Tào Tháo, cũng như nhận ra mối nguy hiểm của một thiên tài xuất chúng nhưng không nghe lời như Chu Bất Nghi.

Tào Tháo cả đời tung hoành khắp nơi nên sớm nhìn ra được mối hậu họa này. Chu Bất Nghi tuy là "thần đồng" nhưng cũng chỉ tuân theo một thiên tài hiếm có như Tào Xung. Ngược lại, Tào Phi tuy có tài nhưng xét về trí thông minh và tài hoa thì vẫn thua xa Tào Xung. Do đó, một người từng dám cãi lệnh Tào Tháo như Chu Bất Nghi làm sao có thể sẵn sàng phục tùng hay quy thuận Tào Phi?

Chính vì vậy, Tào Tháo không còn lựa chọn nào khác ngoài việc trừ khử "thần đồng" không thể kiểm soát này.

Tào Tháo quý trọng hiền tài vẫn nhất quyết xử tử thần đồng 17 tuổi: Sau khi cha nói một câu, Tào Phi mới hiểu - Ảnh 6.

Trong suy nghĩ của Tào Tháo, Tào Phi không phải là người kiềm chế được thiên tài Chu Bất Nghi.

Theo ghi chép trong Tam Quốc chí, Chu Bất Nghi lúc còn sống không những có tài văn chương mà tài năng quân sự còn vượt qua cả mưu kế của Tào Tháo. Đơn cử như việc Chu Bất Nghi từng hiến 10 kế giúp Tào Ngụy vượt trở ngại trong việc tấn công Liễu Thành năm 206. Điều này khiến Tào Tháo vừa tán thưởng nhưng cũng vừa ngầm ghen tị. Tuy nhiên, thời điểm đó Tào Xung vẫn còn sống. Do đó, Tào Tháo nghĩ rằng với một người thông minh như Tào Xung thì hoàn toàn có thể kiềm chế được Chu Bất Nghi.

Đáng tiếc, Tào Xung lại chết trẻ. Tào Tháo nhận ra không còn ai có thể kiềm chế được "thần đồng" 17 tuổi. Do đó, vị quân chủ này đã quyết định trừ khử nhân tài. Tào Phi mặc dù can gián nhưng cũng không ngăn được quyết tâm của Tào Tháo. Ông cũng hiểu nguyên nhân sâu xa khiến cha nhất quyết làm như vậy. Sau khi lên ngôi hoàng đế, Tào Phi càng thấm thía và hiểu rõ điều này hơn.

Đến năm 209, Tào Tháo cho người ám sát Chu Bất Nghi, đây cũng là cái kết bi thảm của "thần đồng" yểu mệnh thời Tam Quốc.

Bài viết tham khảo nguồn: Sohu, Baidu

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại