Tuần trước, truyền thông Trung Quốc đưa tin cho biết, khả năng chiến đấu của tàu Liêu Ninh đã được nâng cấp. Giờ đây tàu Liêu Ninh có thể chứa được 20 máy bay chiến đấu, giúp Bắc Kinh có thêm sức mạnh quân sự trên biển trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Một phi cơ J-15 của Trung Quốc cất cánh trên tàu Liêu Ninh
Vào ngày 8/8, một số đoạn phim được công bố cho thấy tàu Liêu Ninh đang chở 8 máy bay chiến đấu J-15, cùng với một chiếc trực thăng Z-18 và Z-9. Đây là lần đầu tiên tàu Liêu Ninh có trên boong một số lượng máy bay lớn như vậy, và điều này cho thấy Trung Quốc đang có tham vọng nâng cao tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình, Chuẩn đô đốc Trung Quốc Yin Zhou cho biết: “Một khi toàn bộ 8 phi cơ chiến đấu cùng cất cánh, chúng có thể chiến đấu rất hiệu quả”. Ông cũng nói rằng Liêu Ninh có thể chở được 20 máy bay, và truyền thông Trung Quốc nhận định rằng đây là dấu hiệu cho thấy tiến bộ vượt bậc của hải quân nước này.
Với tốc độ tối đa 2.551 km/h và tầm hoạt động vào khoảng 3.500 km, J-15 có thể hoạt động bí mật, cũng như khả năng đánh chặn và tấn công máy bay đối phương từ xa. Cùng với các loại trực thăng cảnh báo sớm Z-18J và Z-18F, sức mạnh trên không của Trung Quốc được nhiều chuyên gia coi là không có đối thủ trong khu vực.
Thông tin tàu Liêu Ninh có thể chở nhiều loại máy bay quân sự hơn trước được đưa ra sau khi tòa trọng tài quốc tế tại La Hay đã tuyên bố Bắc Kinh không có chủ quyền lịch sử ở Biển Đông. Không chỉ có vậy, các nước trong khu vực đã lên tiếng yêu cầu Trung Quốc ngừng các hoạt động cải tạo và xây dựng đảo.
Trung Quốc nói rằng tòa trọng tài không có thẩm quyền định đoạt vụ việc và do đó không công nhân phán quyết trên. Thêm vào đó, Trung Quốc cũng đang ngày càng chịu sức ép lớn trước việc Mỹ đưa tàu chiến đến tuần tra ở Biển Đông cũng như việc Hàn Quốc chấp thuận bố trí hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD tại lãnh thổ nước này.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo nguồn tin từ Sputnik, hãng thông tấn mới của Nga khai trương ngày 10/11/2014, có quy mô toàn cầu để cạnh tranh trên thị trường truyền thông thế giới. Sputnik thay thế các dịch vụ truyền thông tiếng nước ngoài của hãng thông tấn RIA Novosti và đài phát thanh Tiếng nói nước Nga.