Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi ‘trồng’ turbine gió trên mây: Vị trí cao kỷ lục 5.200m, 140.000 hộ gia đình đủ điện dùng cả năm, giảm thiểu 60.000 tấn than/năm

Anh Dũng |

Để thúc đẩy năng lượng sạch, Trung Quốc đang thử thách giới hạn của turbine gió bằng cách đưa chúng lên dãy núi cao hùng vĩ Himalaya, nơi có đỉnh Everest với không khí loãng.

Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi ‘trồng’ turbine gió trên mây: Vị trí cao kỷ lục 5.200m, 140.000 hộ gia đình đủ điện dùng cả năm, giảm thiểu 60.000 tấn than/năm - Ảnh 1.

Tại khu tự trị Tây Tạng, giai đoạn hai của Trang trại gió Zhegu đã được đưa vào hoạt động từ ngày 4/10. Trang trại này nằm ở chân đồi phía bắc của dãy Himalaya với 15 turbine gió mới lắp đặt đã được hoà vào lưới điện địa phương.

Đây là dự án do Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc hậu thuẫn. Zhegu được ca ngợi là trang trại gió cao nhất Trung Quốc. Các turbine nằm ở độ cao lên tới 5.200 m so với mực nước biển.

15 turbine mới, với công suất mỗi chiếc lên tới 3,6 megawatt (MW), là một thành quả kỷ lục đối với các trang trại gió trên cao ở Trung Quốc. Các turbine này dự kiến sẽ sản xuất 200 triệu KWh điện sạch mỗi năm.

Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi ‘trồng’ turbine gió trên mây: Vị trí cao kỷ lục 5.200m, 140.000 hộ gia đình đủ điện dùng cả năm, giảm thiểu 60.000 tấn than/năm - Ảnh 3.

Theo tuyên bố của Tập đoàn Tam Hiệp trên mạng xã hội WeChat, con số này tương đương với mức tiêu thụ điện hàng năm của 140.000 hộ gia đình địa phương, tương đương 10% tổng số hộ gia đình ở Tây Tạng.

Theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã, hoạt động sản xuất điện của trang trại gió này nếu làm việc đều đặn có thể giúp tiết kiệm hơn 60.000 tấn than mỗi năm, giảm 173.000 tấn khí thải CO2 và 20 tấn khí thải SO2.

Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu của dự án vào năm 2021, Uỷ ban Quản lý và Giám sát Tài sản Nhà nước Trung Quốc cho biết: “[Trang trại gió] dự kiến sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế và xã hội địa phương, cải thiện cơ cấu năng lượng trong khu vực và thúc đẩy du lịch đến Hồ Zhegu. Điều này sẽ có tác động tích cực đến quá trình hồi sinh nông thôn của đất nước”.

Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi ‘trồng’ turbine gió trên mây: Vị trí cao kỷ lục 5.200m, 140.000 hộ gia đình đủ điện dùng cả năm, giảm thiểu 60.000 tấn than/năm - Ảnh 5.

Trung Quốc hiện là nhà sản xuất năng lượng tái tạo lớn nhất thế giới. Theo báo cáo tháng 7 của Hội đồng Điện lực Trung Quốc, tính đến năm 2022, Trung Quốc đã tạo ra 36,2% điện năng từ nhiên liệu phi hóa thạch. Trong đó, 8,8% điện năng của Trung Quốc đến từ gió.

Công suất lắp đặt turbine gió của Trung Quốc đạt 365 gigawatt (GW) vào năm 2022, chiếm 40% tổng sản lượng toàn cầu, đồng thời dẫn đầu thế giới trong 13 năm liên tiếp.

Đài truyền hình CCTV dẫn lời người giám sát dự án địa phương Wang Liang: “Chúng tôi đang xoá bỏ quan niệm sai lầm rằng việc phát triển các trang trại gió trên cao nguyên là không hiệu quả”.

Lượng năng lượng gió mà turbine tạo ra có liên quan đến mật độ không khí và tốc độ gió. Thế nên hiệu suất của turbine sẽ giảm khi không khí ở khu vực cao bị loãng.

Do đó, để tăng khả năng phát điện, các turbine mới lắp có đường kính cánh quạt là 160 m, dài hơn khoảng 20 m so với các turbine ở khu vực khác. Điều này làm tăng chu vi của các cánh quay lên gần 30%.

Giám đốc kỹ thuật Li Chunshan của dự án cho biết, để hoạt động hiệu quả trong môi trường khắc nghiệt, tất cả các turbine đều được sơn lớp phủ đàn hồi, mô-đun chống tia cực tím và chống sét cũng như dây cáp dày.

Việc mở rộng trang trại gió Zhegu bổ sung thêm ít nhất 48 MW vào tổng công suất lắp đặt của Trung Quốc, góp phần đạt mục tiêu cả năm là 430 GW. Nhờ đó, Trung Quốc tiến gần hơn đến mục tiêu trung hoà carbon mà Bắc Kinh đặt ra vào năm 2060.

Trung Quốc khiến thế giới ngỡ ngàng khi ‘trồng’ turbine gió trên mây: Vị trí cao kỷ lục 5.200m, 140.000 hộ gia đình đủ điện dùng cả năm, giảm thiểu 60.000 tấn than/năm - Ảnh 7.

Tây Tạng là khu vực thí điểm trong nỗ lực thúc đẩy phát triển năng lượng xanh. Năng lượng sạch được tạo ra ở đây sẽ được người dân địa phương sử dụng và gửi đến các tỉnh khác. Dự kiến, khu vực này sẽ truyền tải 1,82 tỷ KWh điện tới 12 địa điểm khác trong năm nay. Đồng thời, các dự án này sẽ tạo ra lợi nhuận khoảng 500 triệu nhân dân tệ (68,5 triệu USD).

Theo một báo cáo năm 2022 của Trung tâm Khí hậu Quốc gia Trung Quốc, cao nguyên Thanh Hải-Tây Tạng là một trong 3 khu vực năng lượng gió lớn của Trung Quốc. Tiềm năng tài nguyên gió tại đây chiếm khoảng 26% tổng nguồn năng lượng của cả nước.

Tập đoàn Tam Hiệp Trung Quốc, công ty vận hành cả đập thuỷ điện lớn nhất nước này, cũng đã hoàn thành một trang trại gió khác ở tỉnh Phúc Kiến. Công suất lắp đặt của dự án này là 11 MW. Turbine ngoài khơi của tập đoàn này được cho là có công suất đơn lớn nhất thế giới với 16 MW.

Theo SCMP

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại