Nhà Thanh là triều đại phong kiến Trung Quốc cuối cùng kéo dài 276 năm (1636-1912).
Ba vị hoàng đế nhà Thanh được xem là có ảnh hưởng lớn nhất đến sự phát triển và phồn vinh của thời kỳ này là Khang Hi (trị vì 1661–1722), Ung Chính (trị vì 1722–1735) và Càn Long (trị vì 1735–1796).
Tuy nhiên, trong gần 300 năm lịch sử nhà Thanh, từ thời Đa Nhĩ Cổn cho đến khoảnh khắc Phổ Nghi ký chiếu thư thoái vị, triều đại này trải qua tổng cộng 12 đời Hoàng đế với 13 niên hiệu. Mỗi vị Hoàng đế gắn với một giai đoạn lịch sử, một cuộc đời và sự nghiệp khác nhau.
Thế nhưng có một sự thật rằng, trong Cố cung hiện nay chỉ lưu giữ 11 bài vị của Hoàng đế nhà Thanh. Tại sao lại như vậy?
Những năm cuối của nhà Thanh, liên quân tám nước ồ ạt kéo vào Bắc Kinh, lấy đi rất nhiều văn vật quan trọng và làm hư hại vô số cung điện, ngay cả bài vị của Càn Long cũng mất đi, thất lạc trong dân gian bên ngoài.
May thay, bài vị của Càn Long đế vô tình nằm trong tay của một vị linh mục người Đức. Thế là vật quan trọng này đã “chu du nước ngoài”, cuối cùng nằm ở một góc trong kho của vị linh mục vì ông không biết đây là bài vị của một Hoàng đế nhà Thanh.
Tuy nhiên, cũng nhờ được cất kỹ trong kho mà bài vị không bị hư hại nhiều, cứ thế tồn tại qua nhiều thập kỷ.
Như tìm về với ánh sáng, bài vị của Càn Long xuất hiện trong một buổi đấu giá ở đất nước phương Tây với “thân phận” là món đồ cổ thuộc về triều đình phong kiến Trung Quốc. Một người Trung Quốc nhận ra đó là vật quan trọng của quốc gia nên đã chi nhiều tiền để sở hữu nó, sau đó gửi về nước để “đoàn tụ” với bài vị của những Hoàng đế khác.
Bài vị được lập nên khi một Hoàng đế băng hà. Nhà Thanh có 12 vị Hoàng đế nhưng chỉ có 11 tấm bài vị. Không thiếu, cũng không mất, vốn dĩ chỉ có 11 bài vị. Do đó, có thể một trong số 12 Hoàng đế không được lập bài vị để thờ phụng trong Tử Cấm Thành.
Rất dễ đoán, người đó chính là Phổ Nghi - Hoàng đế cuối cùng của nhà Thanh.
Sau khi Tân Trung Hoa được thành lập, Phổ Nghi trở thành một công dân bình thường, không còn là Hoàng đế sở hữu Tử Cấm Thành nguy nga nữa. Bản thân Tử Cấm Thành cũng được gọi bằng cái tên khác là Cố cung, trở thành di tích văn hóa, mở cửa cho du khách tham quan.
Do đó, khi Phổ Nghi qua đời, cũng như bao công dân bình thường khác, nhiều nhất là ông chỉ được gia đình lập bài vị để thờ phụng, tưởng nhớ trong nhà, chứ không được lưu giữ trong Tử Cấm Thành như những vị Hoàng đế trước đó.
Đây chính là lý do Cố cung chỉ lưu giữ 11 bài vị Hoàng đế nhà Thanh.
Thật ra, khi lâm bệnh nặng sắp nhắm mắt xuôi tay, Phổ Nghi từng gửi đơn đề nghị với nhà nước rằng ông muốn lấy về những tấm bài vị của tổ tiên ông để thờ phụng. Nhưng những bài vị Hoàng đế này là minh chứng lịch sử, thuộc về văn vật, cổ vật quốc gia, hàm chứa ý nghĩa lịch sử trọng đại, không còn thuộc về bất kỳ cá nhân hay gia tộc nào. Vậy nên nhà nước đã từ chối lời đề nghị của Phổ Nghi.
Nhiều người có thể nói hoàng cung đã trở thành tài sản chung của đất nước, vậy thì ít nhất bài vị tổ tiên cũng nên trở về bên Phổ Nghi.
Nhưng nếu nghĩ lại một cách thực tế hơn, Phổ Nghi là công dân bình thường, ông không có thực lực kinh tế, điều kiện cũng không đủ, làm sao có thể lưu giữ và giúp những văn vật này được toàn vẹn?
Nghĩ cũng thật chua xót! Phổ Nghi về thăm Cố cung cũng phải mua vé, vậy thì có tư cách nào để khi qua đời được lập bài vị và đặt chung hàng với 11 vị Hoàng đế khác.
Nguồn: Sohu