Lượng ô tô Trung Quốc xuất khẩu sang thị trường nước ngoài đã tăng gấp 5 lần sau 4 năm qua. Các tấm pin mặt trời đến từ đại lục thống trị thị trường toàn cầu, trong khi phân khúc ngành cần nhiều lao động như sản xuất đồ nội thất tăng trưởng chóng mặt.
Mỹ và châu Âu lo sợ làn sóng xuất khẩu như vũ bão này của Trung Quốc. Các nước đang phát triển như Ấn Độ và Brazil cũng bắt đầu đặt ra giới hạn mua hàng. Ai nấy đều lo ngại rằng nhà máy của mình sẽ không thể cạnh tranh với một đại lục tự động hoá, hiện đại hoá.
Theo The New York Times, Trung Quốc đã lắp đặt nhiều robot nhà máy hơn phần còn lại của thế giới cộng lại. Chuỗi cung ứng chi phí thấp sản xuất gần như mọi thứ trên đời. Bản thân Chủ tịch Tập Cận Bình cũng thúc đẩy các ngân hàng cho vay tiền nhiều hơn để xây dựng nhà máy. Trong khi đó, các công ty Trung Quốc nỗ lực tìm cách vượt qua các rào cản thương mại. Họ chia nhỏ lô hàng; mỗi kiện có giá trị vừa đủ để được miễn thuế.
Ô tô là mặt hàng xuất khẩu sôi động nhất của Trung Quốc. Chỉ trong vòng 4 năm, Trung Quốc đã trở thành nước xuất khẩu ô tô lớn nhất thế giới với gần 5 triệu chiếc vượt biên giới vào năm ngoái.
“Nhìn vào bản đồ, bạn có thể thấy rằng 80% thị trường có thể chấp nhận ô tô do Trung Quốc sản xuất”, Masashi Matsuyama, người đứng đầu đơn vị đầu tư của Nissan tại Trung Quốc, cho biết.
Được biết, Nissan, Ford, Tesla và BYD đang tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc. Động thái của họ nhấn mạnh căng thẳng địa chính trị đang định hình lại ngành công nghiệp ô tô như thế nào, từ đó thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô cập nhật chiến lược về nơi họ sẽ sản xuất và mua bán.
Thế giới ngày càng trở nên phân cực. Nhiều nhà sản xuất ô tô toàn cầu xem xét tăng cường xuất khẩu từ Trung Quốc chứ không phải Mỹ. Một số quốc gia tại Đông Nam Á và Trung Đông nằm trong danh sách được quan tâm. Các nhà sản xuất ô tô toàn cầu đều muốn định vị Trung Quốc như một trung tâm xuất khẩu.
Tesla xuất khẩu ô tô sản xuất tại Thượng Hải sang rất nhiều khu vực, bao gồm cả châu Á-Thái Bình Dương. Dữ liệu từ Hiệp hội Xe khách Trung Quốc cho thấy hãng đã xuất khẩu khoảng 344.000 xe ra nước ngoài vào năm ngoái, tăng 27% so với một năm trước đó. Ford, vốn đang vật lộn với doanh số bán hàng sụt giảm ở Trung Quốc, hiện đang nhắm tới thị trường Đông Nam Á và châu Mỹ. Họ cho biết đã xuất khẩu hơn 100.000 xe từ Trung Quốc vào năm ngoái.
Tại Thái Lan, thị phần của các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản truyền thống bao gồm Toyota và Nissan đã giảm xuống 78% vào năm 2023 từ mức 85% một năm trước đó. Nguyên nhân phần lớn do các thương hiệu Trung Quốc chiếm doanh số áp đảo. Thành công chủ yếu đến từ chính sách giá rẻ bất ngờ.
Theo The New York Times, động lực đẩy mạnh xuất khẩu của Trung Quốc một phần đến từ khao khát thoát thoát khỏi cuộc khủng hoảng nhà ở - nơi từng được coi là động lực của nền kinh tế Trung Quốc. Bong bóng nhà đất kéo dài hàng thập kỷ khiến giá căn hộ lao dốc. Hàng chục nhà phát triển bất động sản cạn tiền.
Bắc Kinh hy vọng doanh số khởi sắc cùng hoạt động đầu tư mạnh mẽ vào các nhà máy sản xuất sẽ bù đắp phần nào đà suy thoái hiện hữu. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy màn đặt cược của Bắc Kinh đang có kết quả. Nền kinh tế tăng trưởng với tốc độ hàng năm 6,6% trong ba tháng đầu năm nay, tức nhanh hơn dự kiến. Đầu tư sản xuất và xuất khẩu dẫn đầu.
“Chúng tôi dự báo xuất khẩu Trung Quốc sẽ tăng 2% vào năm 2024 sau khi giảm 5% trong năm 2023. Nếu xuất khẩu chậm hơn dự kiến, các nhà hoạch định chính sách sẽ chủ động thúc đẩy nhu cầu trong nước”, Larry Hu, chuyên gia kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Macquaria, cho biết.
Các ngân hàng Trung Quốc đang đổ tiền vào doanh nghiệp sản xuất. Chính sách vay lãi suất thấp đồng nghĩa với việc các công ty có thể đủ khả năng xây nhà máy và đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển.
Ngoài ra, nhiều thành phố lớn trên cả nước cũng đang cạnh tranh hỗ trợ các nhà sản xuất địa phương, trong đó, Thâm Quyến giúp các nhà sản xuất ô tô điện như BYD có được bảo hiểm xuất khẩu, mua tàu và thành lập các trung tâm nghiên cứu, phát triển ở nước ngoài. Cảng Thiên Tân cũng đang nâng cấp bến và đơn giản hóa thủ tục hải quan.
Theo Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc, bùng nổ xuất khẩu diễn ra khi Trung Quốc sở hữu năng lực sản xuất gần 1/3 hàng hóa thế giới - nhiều hơn cả Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc và Anh cộng lại.
Các nhà lãnh đạo châu Âu tại Brussels gần đây đã thực hiện các bước sơ bộ nhằm hạn chế thương mại đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngoài các sản phẩm năng lượng mặt trời, họ tập trung vào ô tô điện, tua bin gió và thiết bị y tế. Hôm thứ Tư, Tổng thống Joe Biden cũng kêu gọi tăng mạnh thuế đối với thép và nhôm từ Trung Quốc.
Tuy nhiên, kinh nghiệm từ những lần thực thi thuế quan trước đây đã giúp Trung Quốc sống sót. Bản thân nước này cũng ký kết 21 hiệp định thương mại tự do với 29 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam và Thái Lan - hai trong số những quốc gia mà phương Tây cũng đang theo đuổi. Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu sang Đông Nam Á đã tăng 75% trong 4 năm qua.
Các công ty Trung Quốc như Shein dần trở nên thành thạo hơn trong việc lách thuế quan, gửi các gói hàng trực tiếp đến Mỹ. Mỹ cho phép người dân nhập khẩu lượng hàng hóa trị giá lên tới 800 USD/ngày mà không phải trả thuế, hoặc gần 300.000 USD/năm.
Theo Ashutosh Sharma, Giám đốc nghiên cứu tại Forrester, Trung Quốc đã thành công trong việc xây dựng một chuỗi giá trị rộng lớn đến mức hầu hết mọi nguyên liệu và thành phần cần thiết đều có thể tìm mua trong nước. Sản xuất tại đại lục theo đó có tính cạnh tranh cao do chi phí thấp và được vận hành trên quy mô lớn.
Theo: The New York Times, WSJ