Các nhà khảo cổ học tại Viện Nghiên cứu Di tích Văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Bắc vừa tiến hành một cuộc khai quật quy mô lớn tại nghĩa trang Hậu Bách Gia Bắc ở Hàm Đan. 463 ngôi mộ, 2 cỗ xe ngựa và hơn 2.400 di chỉ đã được khai quật, bước đầu xác định nghĩa trang là di tích tiêu biểu nền văn hóa nhà Triệu thời Chiến Quốc, là minh chứng cho sự thăng trầm của thành phố Hàm Đan.
Là kinh đô của nước Triệu thời Chiến quốc, Hàm Đan có bề dày lịch sử lâu đời với những di tích văn hóa rực rỡ. Nghĩa trang Hậu Bách Gia Bắc nằm ở phía bắc của làng Hậu Bách Gia, thành phố Hàm Đan. Các cuộc khai quật khảo cổ được bắt đầu từ những năm 50 của thế kỉ XX.
Tháng 1/2021, dưới sự phê duyệt của Cục Di sản Văn hóa Nhà nước, Viện Nghiên cứu Di tích văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Bắc cùng với Viện Bảo vệ Di tích Văn hóa thành phố Hàm Đan đã thành lập một nhóm khảo cổ và tiến hành khai quật nghĩa trang Hậu Bách Gia Bắc.
Địa điểm khai quật nghĩa trang ở Hàm Đan
Theo ông Wei Shuguang - Chủ nhiệm Văn phòng Nghiên cứu Khảo cổ Thương Chu thuộc Viện Nghiên cứu Di tích văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Bắc, làng Hậu Bách Gia cách thành phố Hàm Đan 2,3 km về phía đông, nằm bên ngoài thành cổ Hàm Đan.
Các phát hiện khảo cổ học cho thấy nghĩa trang Hậu Bách Gia Bắc gồm các lăng mộ thời Chiến Quốc, từ nhà Hán đến triều đại Tào Ngụy. Trong đó, có 219 ngôi mộ đã được khai quật trong thời kỳ Chiến Quốc. Đây được coi là căn cứ quan trọng trong việc nghiên cứu trình tự, thứ bậc của các lăng mộ ở Hàm Đan.
Ngoài việc khai quật được 219 ngôi mộ thời Chiến Quốc, các nhà khảo cổ phát hiện 178 ngôi mộ thời nhà Hán, có hai loại mộ đất và mộ đá được tạo nên với nhiều hình dạng khác nhau; có 31 ngôi mộ dưới triều đại nhà Tùy và nhà Đường, hầu hết trong số đó là những ngôi mộ hầm đất hình bầu dục. Bên cạnh đó, quá trình khai quật cũng tìm thấy một số lăng mộ của thời nhà Minh và nhà Thanh.
Địa điểm khai quật nghĩa trang ở Hàm Đan |
"Cuộc khai quật lần này được coi là hoạt động khảo cổ lớn nhất ở Hàm Đan trong những năm gần đây. Việc phát hiện ra nghĩa trang Hậu Bách Gia Bắc đã đặt nền tảng cho việc nghiên cứu văn hóa - lịch sử, sự phát triển xã hội và phong tục tang lễ của Hàm Đan thời Chiến Quốc. Đồng thời, nó cũng đem lại những kinh nghiệm quý báu cho sự phát triển của khảo cổ học ở Hàm Đan” - Zhang Peng - Trưởng nhóm điều hành nhóm khảo cổ tại nghĩa trang Hậu Bách Gia Bắc thuộc Viện Nghiên cứu Di tích văn hóa và Khảo cổ tỉnh Hà Bắc, cho biết.