“Made in 2025” được Bắc Kinh khởi động năm 2015, nhằm tăng năng lực cạnh tranh của nước này trong vòng 10 năm. Theo đó, chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp nội địa hoạt động trong một số ngành công nghệ cao như viễn thông, trí tuệ nhân tạo, năng lượng mới, công nghệ sinh học,…
Tuy nhiên, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ngày càng nhận thức được rằng việc triển khai chính sách này đã nhận phải phản ứng mạnh mẽ từ Mỹ. Tổng thống Donald Trump đã đe dọa đánh thuế hàng nhập khẩu Trung Quốc có tổng giá trị lên đến 450 tỉ USD.
Không những vậy, một quan chức còn tiết lộ chính quyền Washington đang cân nhắc ra quy định ngăn cản những doanh nghiệp có vốn sở hữu từ Trung Quốc chiếm từ 25% trở lên mua lại công ty Mỹ sở hữu công nghệ quan trọng.
Vì vậy, Bắc Kinh đã hạn chế đề cập “Made in China 2025”. Một quan chức cấp cao của phương Tây cho biết trong các cuộc gặp gần đây, giới chức Trung Quốc bắt đầu ít nói đến kế hoạch này. Họ nhấn mạnh rằng những khía cạnh của chính sách bị nước ngoài phản ứng chỉ đơn giản là đề xuất của giới học giả nước này.
Theo quan chức phương Tây: “Trung Quốc dường như đang bắt đầu thích nghi với tình trạng bị phản kháng do tuyên truyền quá đà. Nhưng họ sẽ không ngừng thực thi chính sách, mà chỉ nói rằng nó đang có thay đổi”.
Trang tin Tân Hoa Xã (cơ quan ngôn luận của chính quyền Trung Quốc) trong 5 tháng đầu năm 2018 đã có hơn 140 lần nhắc đến “Made in China 2025”, nhưng đã không còn làm vậy kể từ ngày 5.6.
Bắc Kinh bắt đầu hạn chế nhắc đến "Made in China 2025" - Ảnh: Reuters
Theo kế hoạch của Mỹ, đợt áp thuế đầu tiên sẽ bắt đầu có hiệu lực vào ngày 6.7 tới. Hơn 800 hàng hóa Trung Quốc (tổng giá trị 50 tỉ USD) có tầm quan trọng chiến lược sẽ phải chịu mức thuế suất 25%.