Trung Quốc gặp riêng 8 nước trước Đối thoại Shangri-La

N.V |

Đô đốc Tôn Kiến Quốc, Phó Tham mưu trưởng Quân đội Trung Quốc hôm 3.6 được cho là đã gặp riêng những quan chức an ninh từ 8 quốc gia trước Đối thoại Shangri-La.

Hội nghị Thượng đỉnh An ninh Châu Á diễn ra giữa lúc hầu hết những nước thành viên ASEAN đang ngày càng lo lắng về điều được nhìn nhận là những hành động ngày càng hung hăng và việc quân sự hóa quần đảo Hoàng SaTrường Sa ở Biển Đông.

Những phái đoàn chính thức, những nhà phân tích an ninh và những học giả từ hơn 50 quốc gia vào ngày 4.6 sẽ mổ xẻ những phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter và Đô đốc Tôn Kiến Quốc về việc Trung Quốc quân sự hóa những đảo nhỏ đang tranh chấp ở Biển Đông.

Trung Quốc cáo buộc Mỹ quân sự hóa biển Đông bằng việc thực hiện những cuộc tuần tra "tự do hàng hải" bằng tàu thuyền và máy bay.

Hội nghị này ở Singapore diễn ra trước khi có một phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế về vụ kiện chủ quyền của Philippines nhắm vào Trung Quốc.

Bắc Kinh đã tuyên bố là họ sẽ không tuân hành phán quyết của tòa án ở The Hague và coi quá trình này là bất hợp pháp.

Một nhà lập pháp có ảnh hưởng của Mỹ, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa John McCain, chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng viện, cho biết ở Singapore hôm 3.6 rằng có thể có những hậu quả nếu Bắc Kinh làm đúng như họ đe dọa là bác bỏ phán quyết của tòa án Liên Hợp Quốc.

Thượng nghị sĩ McCain kêu gọi các nước trong khu vực ủng hộ những phát biểu của Washington rằng phán quyết của tòa án nên có tính ràng buộc.

"Mỹ và thế giới đang trông cậy vào những quốc gia Đông Nam Á một lần nữa vận dụng sức mạnh và sự quyết tâm của mình cho việc duy trì một hệ thống mà nền an ninh và sự thịnh vượng chung của chúng ta phụ thuộc vào" - ông McCain nói trong một bài phát biểu tại Đại học Công nghệ Nanyang.

Ông Carl Thayer, giáo sư chính trị danh dự tại Đại học New South Wales, nói rằng những luật sư quốc tế không cho rằng tòa án sẽ thực sự đưa ra phán quyết về tính hợp pháp của "đường chín đoạn" của Trung Quốc bao phủ một phần lớn Biển Đông mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền,

Trả lời câu hỏi của VOA về những lo ngại rằng Trung Quốc đã sẵn sàng tuyên bố "một vùng nhận dạng phòng không" (ADIZ) ở Biển Đông, ông Thayer, tại Đối thoại Shangri-La, nói, "Trung Quốc không có khả năng làm việc đó... họ chỉ chỉ đang chơi trò đấu trí mà thôi".

ADIZ là một khu vực, được tuyên bố công khai, vượt ra ngoài lãnh thổ quốc gia nơi mà những máy bay không khai báo danh tính có thể bị truy vấn qua điện đài và có thể bị chặn lại để xác định danh tính trước khi bay vào không phận có chủ quyền.

Vào năm 2013, Trung Quốc áp đặt một ADIZ ở Biển Hoa Đông bên trên một quần đảo do Nhật Bản kiểm soát, được gọi là Senkaku trong tiếng Nhật và Điếu Ngư trong tiếng Trung Quốc.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại