Tham vọng của Trung Quốc
Theo mạng quân sự Sina, Hải quân Trung Quốc vừa đưa vào biên chế chiếc tàu khu trục Type 052D mới nhất, mang số hiệu 175 Ngân Xuyên - chiếc thứ 4 thuộc Type 052D, lớp Lữ Dương III.
Các tàu trước đó là 172 Côn Minh, 173 Trường Sa, 174 Hợp Phì đã lần lượt được biên chế cho lực lượng hải quân nước này từ năm 2014 đến nay. Tàu khu trục Ngân Xuyên được biên chế cho Hạm đội Nam Hải và đồn trú tại một quân cảng ở thành phố Tam Á, thuộc tỉnh Hải Nam.
Với chức trách nhiệm vụ mới của mình, chiếc khu trục hạm được cho là một trong những chiếc tàu chiến hiện đại nhất của hải quân Trung Quốc sẽ tiến hành các hoạt động tác chiến trên khu vực Biển Đông, cùng với 3 chiếc cùng loại biên chế trước đó.
Tàu khu trục Ngân Xuyên có chiều dài khoảng 150 m, chiều rộng 20 m và được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại, như hệ thống 64 ống phóng tên lửa thẳng đứng, pháo hạm 130 mm, pháo bắn nhanh 30 mm và ngư lôi, giúp nó có thể thực hiện các nhiệm vụ phòng không, chống ngầm và đối hạm.
Chiến hạm Type 052D mới nhất của Trung Quốc mang số hiệu 175
Chuyên gia quân sự Trung Quốc thường khoe khoang rằng, chiếc tàu mới này có khả năng vượt trội so với các tàu khu trục lớp Sejong Đại đế của Hàn Quốc, tàu khu trục lớp Atago của Nhật Bản và thậm chí trên cơ các tàu khu trục lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Theo chuyên gia phân tích quân sự Trung Quốc Cao Weidong, tàu khu trục mới nhất được trang bị tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 mạnh hơn rất nhiều so với mẫu RGM-84 Harpoon có tầm bắn ngắn trên tàu khu trục Mỹ hay Exocet trên các tàu khu trục châu Âu.
Tuy nhiên, trong thực tế, các tàu khu trục của Trung Quốc chưa được đánh giá cao bằng các tàu khu trục của hải quân Mỹ cả về tính năng cũng như khả năng tác chiến, mặc dù thiết kế và kiểu dáng của tàu khu trục Trung Quốc có nét giống với tàu Mỹ.
Các chuyên gia quân sự cho rằng, hiện Trung Quốc chưa hoàn thiện tên lửa hành trình đối đất Đông Hải 10 (DH-10) nên các tàu này chưa có khả năng tấn công mặt đất. Hơn nữa, các hệ thống tác chiến điện tử, radar… chưa thể sánh kịp với công nghệ phương Tây.
Mặc dù vậy, cả 4 khu trục hạm mạnh nhất của Trung Quốc đều được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, đảm trách hoạt động tác chiến ở khu vực Biển Đông cho thấy Bắc Kinh đang dốc sức để thực hiện tham vnng bá quyền của mình tại vùng biển này.
Sánh ngang Mỹ?
Để đe dọa Mỹ và thực hiện ý đồ của mình, Trung Quốc từng nhiều lần khẳng định rằng, Type 052D sở hữu sức mạnh không hề thua kém, thậm chí vượt chội chiến hạm Aegis của Mỹ. Vậy, thực lực của Type 052D và khu trục hạm lớp Arleigh Burke thế nào?
Lớp Arleigh Burke là tàu chiến chủ lực của Hải quân Mỹ hiện nay, trang bị hệ thống chiến đấu tối tân Aegis. Bản thân tàu khu trục Arleigh Burke cũng không ngừng được cải tiến.
Thế hệ đầu của lớp Arleigh Burke có lượng giãn nước 8.300 tấn, nhưng sau nhiều lần nâng cấp thì lượng giãn nước của tàu chiến mới nhất kiểu này đạt tới 10.000 tấn, vượt qua tàu tuần dương có lượng giãn nước lớn nhất trong chiến tranh thế giới thứ 2.
Tốc độ cao nhất của tàu có thể đạt 50 km/h, hệ thống vũ khí mạnh mẽ gồm 96 quả tên lửa (phòng không, đối đất, chống ngầm) được chứa trong ống phóng thẳng đứng, pháo hải quân 127 mm, pháo cao tốc 30 mm, ngư lôi, tên lửa chống tàu và trực thăng.
Trong khi đó, Type 052D chỉ có lượng giãn nước 7.500 tấn, trang bị hệ thống phóng thẳng đứng gồm 64 ống, pháo hạm 130 mm, pháo phòng không cao tốc 30 mm và ngư lôi, trực thăng.
Điểm hơn ở Type 052D so với tàu chiến Mỹ là trang bị tên lửa hành trình chống tàu YJ-62 được cho là mạnh hơn so với mẫu RGM-84 Harpoon có tầm bắn ngắn trên tàu Mỹ. Nhưng trong tương lai không xa, Mỹ sẽ thay thế RGM-84 bằng LRASM mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Thực tế, trong 10 năm qua, trình độ thiết kế tàu khu trục của Trung Quốc đã được cải thiện, 2 tàu khu trục Type 052B và 2 tàu khu trục Type 052C đã lần lượt đi vào hoạt động. Không ít người coi 4 tàu chiến này là những nỗ lực theo đuổi tàu chiến lớp Arleigh Burke của Trung Quốc.
Trong đó, khu trục Type 052B có lượng giãn nước là 5.900 tấn, trang bị hệ thống vũ khí hiện đại cho phép chống tàu mặt nước, săn tàu ngầm và phòng không gồm: 48 tên lửa đối không tầm trung Shtil, 16 tên lửa chống tàu mặt nước C-802 (tầm phóng 120 km), hệ thống pháo và ngư lôi cùng trực thăng chống ngầm.
Còn Type 052C từng được xem là khu trục hạm tối tân nhất Trung Quốc trước khi có sự xuất hiện của Type 052D. Con tàu trang bị hệ thống ống phóng thẳng đứng gồm 48 ống chứa tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình chống tàu mặt nước tầm xa C-602 và hệ thống pháo, ngư lôi.
Đặc biệt, trong thiết kế tàu khu trục Type 052C, Type 052D Trung Quốc bắt chước cách bố trí hệ thống anten radar mạng pha chủ động đặt quanh mặt tháp chỉ huy trên tàu giống như lớp Arleigh Burke của Mỹ.
Tuy giống về kiểu dáng nhưng tàu Trung Quốc khó có thể đạt tới mức hoàn hảo về mặt hệ thống điện tử, radar như tàu chiến Mỹ với hệ thống Aeigs tối tân. Nói cách khác, người Trung Quốc chỉ có thể "nhái" hình dáng còn “ruột” bên trong thì không thể, bởi công nghệ radar của Mỹ hiện được coi là mẫu mực trên thế giới.