Trung Quốc – ‘đối thủ’ nặng ký của ông Trump trong cuộc đua tổng thống 2020?

VĂN ĐỨC |

Nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc đang làm mọi cách nhằm ngăn cản ông Trump giành chiến thắng vào năm 2020.

Có vẻ như nước Mỹ sẽ sớm quên đi “sự can thiệp của Nga” vào cuộc bầu cử tổng thống . Chính trường Mỹ bất ngờ xuất hiện một người chơi mới mang tên Trung Quốc. Cũng chỉ vì cuộc thương chiến do nhà lãnh đạo Mỹ khởi xướng mà giờ đây Bắc Kinh không muốn ông Trump đắc cử nhiệm kỳ thứ hai. Trung Quốc đã bắt đầu ra tay nhiều hướng cùng lúc.

Người đứng đầu Trung tâm nghiên cứu châu Á-Thái Bình Dương tại Viện Quan hệ quốc tế và Kinh tế thế giới, Viện Hàn lâm khoa học Nga, ông Alexander Lomanov, không loại trừ khả năng Bắc Kinh đang hạn chế mua nông sản của Mỹ , đặc biệt là đậu nành, để kích động nông dân chống lại ông Trump.

Vấn đề này đang được giải quyết ở cấp độ nhà nước. Nói một cách tương đối, đang có một chiến giữa sự ngáng đường của Trung Quốc với những điều chỉnh mà Nhà Trắng đang cố gắng thực hiện để nông dân không cảm thấy bị bỏ rơi và sẵn sàng bỏ phiếu cho ông Trump một lần nữa” - ông Lomanov giải thích.

Trung Quốc – ‘đối thủ’ nặng ký của ông Trump trong cuộc đua tổng thống 2020? - Ảnh 1.

Trung Quốc – "đối thủ" mới xuất hiện của ông Trump trong cuộc đua tổng thống. (Ảnh: Reuters)

Tuy nhiên, vị chuyên gia này cũng tin rằng Bắc Kinh không biết cách làm thế nào để có thể đánh bại được một “ứng cử viên hợp nguyện vọng của người dân” như ông Trump hiện tại.

Trung Quốc ngày càng ít hy vọng hơn về việc sẽ có một ai đó khác đến thay thế ông Trump và mọi thứ sẽ tốt đẹp trở lại. Cách xử lý của ông Trump đã thực sự làm đảo lộn niềm tin của người Trung Quốc rằng bất kể tổng thống Mỹ là ai thì Bắc Kinh vẫn luôn có thể đạt được thỏa thuận. Giờ đây, họ đã bắt đầu hiểu rằng mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc là những vấn đề rất căn bản” - ông Lomanov nói.

Vấn đề đối với Trung Quốc bây giờ là làm thế nào để có thể thích nghi một cách hệ thống với thực tế mới – phải dung hòa giữa cạnh tranh với hợp tác, tiếp tục tương tác và phải tránh bị cuốn vào một cuộc chiến tranh lạnh mới” - chuyên gia giải thích.

Còn nhớ, vào tháng 9 năm ngoái, chính ông Trump đã tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào nền chính trị nội bộ của Mỹ. Ngay sau đó, cả phó Tổng thống Mike Pence cũng đề cập đến vấn đề này. “Trung Quốc cần một tổng thống Mỹ mới” - ông Pence nói.

Mới đây, ông Trump có cảnh báo rằng ông sẽ ký với Trung Quốc một thỏa thuận thương mại với các điều khoản thậm chí còn khắc nghiệt hơn sau năm 2020, nếu như thỏa thuận này chưa được ký kết trước thời điểm đó. Theo ông Trump, Bắc Kinh đang trì hoãn tiến trình đàm phán, bởi họ muốn chờ đợi một người khác đến và thế chỗ ông ở Nhà Trắng.

Trong khi đó, cựu Phó Tổng thống Joe Biden, người vẫn được coi là đối thủ chính của ông Trump, đã có những chỉ trích gay gắt thái độ của Nhà Trắng đối với Trung Quốc hồi đầu tháng 7.

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN, ông đã gọi quan điểm của Tổng thống Trump về những lợi ích mà cuộc thương chiến với Trung Quốc có thể mang lại là phi lý. Nhưng không phải tất cả các nhà dân chủ đều nghĩ như vậy. Chẳng hạn như, nhà lãnh đạo đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer, người sẵn sàng chỉ trích Nhà Trắng vì bất cứ lý do nào khác mỗi ngày, lại có ngoại lệ là đối sách với Trung Quốc. Ông này kêu gọi Tổng thống “không được nhân nhượng”.

Không giống như chuyên gia Lomanov, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu chiến lược của Trung Quốc, ông Alexei Maslov, lại tin rằng Bắc Kinh sẽ sử dụng những nhà vận động hành lang ở Mỹ để chiếm được sự ủng hộ của công chúng. Theo chuyên gia, Bắc Kinh đang đẩy mạnh hoạt động của tất cả các nguồn lực thông tin nước ngoài – từ phương tiện truyền thông điện tử đến các blogger khác nhau – để giải thích cho công chúng Mỹ hiểu rằng “Mỹ đang tự hủy hoại mình bằng cách đẩy Trung Quốc đến những vấn đề mới”.

Bắc Kinh thực sự tin tưởng vào các nhóm vận động hành lang ở Mỹ, những người “sẽ cố gắng làm tất cả để một nhà lãnh đạo khác tới và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt và thiết lập mối quan hệ thương mại Mỹ-Trung”.

Tuy nhiên, chuyên gia cũng lưu ý rằng, Bắc Kinh vẫn có rất ít kinh nghiệm can thiệp vào các cuộc bầu cử ở nước ngoài, dù ở Mỹ hay bất kỳ nước nào khác.

Trung Quốc không quá thông thạo về nền chính trị nội bộ của các quốc gia ngoài châu Á. Việc can thiệp quy mô lớn là không thể, bởi vậy ít có khả năng nó có thể ảnh hưởng đến kết quả bỏ phiếu. Trung Quốc ở bất cứ quốc gia nào luôn cố gắng gây ảnh hưởng ngay lập tức đến hoạt động của các doanh nghiệp lớn để có thể có được các quyết định có lợi cho mình. Nhưng đồng thời Bắc Kinh cũng luôn hành động thông qua trung gian. Đó là cách nước này hoạt động ở Châu Mỹ Latinh, Châu Phi và Trung Âu" - chuyên gia cho biết.

Ông Maslov kết luận: “Tất cả lâu nay vẫn biết chiến thuật này, nhưng điều đó không có nghĩa là mọi người sẽ vay tiền Trung Quốc ít đi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại