Máy bay ném bom chiến lược tầm xa H-6K bay qua khu vực đồi núi trong đoạn video được phát trên CCTV. Ảnh: CCTV
Trong video được phát trên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) hôm 11/11 nhân kỷ niệm 72 năm thành lập Không quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, một cảnh quay cho thấy oanh tạc cơ H-6K bay qua dãy núi, ngầm khẳng định máy bay điều tới đến dãy Himalaya.
Hình ảnh ghi nhận chiếc H-6K được trang bị các tên lửa tầm ngắn KD-63, thay vì tên lửa hành trình tầm xa CJ-20 vốn được thiết kế cho mẫu máy bay này. Theo một nguồn tin quân ẩn danh tại Bắc Kinh, máy bay ném bom tầm xa H-6K thường tập trung tại tỉnh Thiểm Tây, nhưng từ năm ngoái đã được điều động đồn trú tạm thời theo hình thức luân phiên ở Kashgar, thuộc khu tự trị Tân Cương.
Máy bay nằm trong phiên chế của Chiến khu Tây, đầu mối đặc trách khu vực Tân Cương, Tây Tạng, bảo đảm an ninh dọc tuyến biên giới với Ấn Độ. "Quân đội Trung Quốc rất dễ dàng triển khai máy bay ném bom H-6K đến biên giới Trung - Ấn, bởi những máy bay này nằm dưới quyền chỉ huy của Chiến khu Tây”, nguồn tin chia sẻ.
Chuyên gia quân sự Antony Wong tại Macau nhìn nhận động thái triển khai oanh tạc cơ áp sát biên giới rõ ràng là một lời cảnh báo của Trung Quốc nhằm vào Ấn Độ. "Thủ đô New Delhi nằm trong tầm tác chiến của H-6K và tầm bắn của tên lửa CJ-20", Wong nói.
Tuy nhiên, bình luận viên quân sự Song Zhongping người Trung Quốc lại cho rằng PLA ít tập trung vào thủ đô của Ấn Độ, thay vào đó là các căn cứ không quân, bãi phóng tên lửa và nhiều cứ điểm quân sự khác gần biên giới.
H-6K là phiên bản hiện đại nhất của dòng máy bay ném bom H-6 do Trung Quốc sản xuất trên cơ sở cải tiến mẫu máy bay ném bom Tupolev Tu-16 của Liên Xô trước đây. H-6K không chỉ mang bom thông thường mà còn có thể mang bom thông minh và tên lửa hành trình. Mỗi chiếc H-6K chở được theo 9 tấn vũ khí các loại với tầm bay tác chiến 1.800km, tốc độ hành trình 750km/h.
Đáp trả bước triển khai binh lực từ PLA, Không quân Ấn Độ đã điều các tiêm kích MiG-29UPG và Su-30MKI đến những căn cứ không quân tiền tuyến ở Ladakh, Sikkim và Arunachal Pradesh, ba điểm nóng tranh chấp dọc biên giới giữa hai nước.
Trước đó, Ấn Độ tăng cường năng lực phòng thủ dọc biên giới Trung Quốc sau khi nổ ra vụ đụng độ đẫm máu nhất giữa hai bên sau nhiều thập kỉ ở thung lũng Galwan thuộc vùng Ladakh hồi tháng 5/2020, làm ít nhất 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng.
Hai bên sau đó đã nối lại đàm phán về triệt thoái vũ khí, lực lượng dọc biên giới, nhưng vẫn chưa đạt được đột phá trong xử lý các điểm tranh chấp mấu chốt trên thực địa.
Ấn Độ mới đây đã triển khai một lượng lớn vũ khí được phía Mỹ chuyển giao tới khu vực biên giới giáp Trung Quốc, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ trong bối cảnh đàm phán tranh chấp biên giới giữa New Delhi và Bắc Kinh bế tắc.
Số vũ khí này chủ yếu được tăng cường cho khu vực cao nguyên Tawang giáp biên giới với Bhutan và vùng Tây Tạng (Trung Quốc). Đây là vùng đất mà Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền, nhưng do Ấn Độ quản lý trên thực địa.
Những vũ khí này gồm có trực thăng Chinook, lựu pháo M777 cùng các loại súng trường do Mỹ chế tạo, cùng với đó là tên lửa hành trình siêu thanh do Ấn Độ tự phát triển, một hệ thống do thám đời mới. Nhiều trong số này là vũ khí của Ấn Độ được Mỹ cung cấp trong bối cảnh hợp tác giữa hai nước có đà phát triển tích cực trong vài năm gần đây.
Ngoài ra, Ấn Độ cũng đẩy mạnh xây dựng hạ tầng phục vụ tác chiến ở khu vực này. Các kĩ sư đang khoan một đường hầm 2 làn chạy xuyên qua một con đèo hiểm trở ở độ cao khoảng 4.000 mét so với mực nước biển, để rút ngắn thời gian đi lại và bảo đảm bí mật cho việc điều chuyển quân, vũ khí tới vùng biên giới có tranh chấp với Trung Quốc. Hiện tại, để tới được khu vực biên giới trên, các phương.