Trung Quốc đang khuấy động thị trường dầu thế giới như thế nào?

Phan Vũ |

Sau khoảng 6 tháng ra mắt, hợp đồng dầu tương lai của Trung Quốc nhanh chóng trở thành thước đo tiêu chuẩn thứ ba của thị trường dầu mỏ toàn cầu.

Bắt đầu giao dịch trên Sàn giao dịch năng lượng quốc tế Thượng Hải (INE) từ cuối tháng 3, hợp đồng dầu tương lai đầu tiên của Trung Quốc được xem như là một thách thức lớn đối với các thước đo tiêu chuẩn của thị trường dầu mỏ thế giới khi đó.

Đây là bước tiến quan trọng của Trung Quốc trong nỗ lực nhằm giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD trong bối cảnh chiến tranh thương mại với Mỹ ngày càng căng thẳng.

“Với tốc độ tăng trưởng bùng nổ, hợp đồng dầu tương lai của Trung Quốc trở thành cái gai trong mắt của thị trường dầu phương Tây”, ông Stephen Innes, Giám đốc giao dịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại công ty môi giới Oanda, nói.

Chỉ trong vòng 6 tháng, khối lượng giao dịch hợp đồng dầu tương lai INE (được định giá bằng nhân dân tệ) đã vượt hợp đồng dầu đang được giao dịch trên Sàn giao dịch Dubai, Tokyo và Singapore. Theo đó, hợp đồng dầu của Trung Quốc trở thành thước đo giá dầu phổ biến thứ ba thế giới.

Tính đến cuối tháng 9, hợp đồng dầu ngắn hạn của INE chiếm 16% thị phần thị trường dầu tương lai, với khối lượng giao dịch gấp 49 lần sàn giao dịch Dubai, theo số liệu của Công ty nghiên cứu Gavekal.

Cũng trong vòng 6 tháng đó, thị phần của hợp đồng dầu WTI và Brent lần lượt giảm về 52% và 32%.

Trung Quốc đang khuấy động thị trường dầu thế giới như thế nào? - Ảnh 2.

Chính phủ Trung Quốc xem hợp đồng dầu INE là một cách để kích thích hứng thú của thế giới với đồng nhân dân tệ.

“Trong bối cảnh hiện nay, Mỹ dường như đang gửi một thông điệp đến Trung Quốc rằng: ‘Chúng tôi sẽ không đưa USD cho bạn nữa’, buộc Bắc Kinh phải chủ động phi USD hóa thị trường hàng hóa, thông qua việc triển khai hợp đồng dầu được định giá bằng nhân dân tệ hay ký kết hợp đồng dầu dài hạn với Nga,…”, ông Louis-Vincent Gave, Giám đốc điều hành Công ty nghiên cứu đầu tư Gavekal, cho biết.

Phần lớn hàng hóa của Trung Quốc chỉ mở cửa đối với giới đầu tư trong nước, nhưng với hợp đồng dầu INE, giới đầu tư nước ngoài được phép giao dịch ngay từ ngày ra mắt và được miễn thuế 3 năm liên tiếp.

Trung Quốc cũng tin rằng nước này sẽ dần có tiếng nói lớn hơn trên thị trường dầu mỏ nhờ hợp đồng dầu INE. Năm 2017, Trung Quốc trở thành nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới khi nhập tới 8,4 triệu thùng/ngày, vượt qua cả mức nhập khẩu của Mỹ là 7,9 triệu thùng/ngày.

Kể từ khi ra mắt, giá dầu INE phần lớn đều biến động theo giá dầu Brent và WTI. Lý giải nguyên nhân, ông Rui Hou, chuyên gia tư vấn tại Công ty nghiên cứu năng lượng Wood Mackenzie, cho hay có rất ít giao dịch trên thị trường dầu giao ngay. Việc giao hàng mới chỉ bắt đầu từ tháng 9.

Cũng giống như nhiều mặt hàng khác của Trung Quốc, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trong nước là yếu tố chính chi phối giá dầu INE. Khi thanh khoản tăng, các công ty giao dịch hàng hóa quốc tế lớn, như Trafigura, Vitol và Glencore, bắt đầu nhảy vào.

Tuy nhiên, vẫn phải mất nhiều năm nữa để dầu INE thực sự đứng ngang hàng với dầu WTI hay Brent. Bởi những khách hàng nước ngoài muốn mua dầu của Trung Quốc sẽ phải chấp nhận rủi ro về tiền tệ cũng như làm quen với việc chính phủ sẽ can thiệp vào hoạt động giao dịch,…, Tổng giám đốc công ty nghiên cứu thị trường dầu Vanda Insights, Vandana Hari cho biết.

Bà nói: “Vào thời điểm hiện tại, thật không thể tưởng tượng được rằng dầu INE có thể trở thành một thước đo giá dầu chuẩn cho khu vực, được các công ty lọc dầu tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Singapore và nhiều quốc gia khác trong khu vực châu Á sử dụng.”

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại